ClockThứ Sáu, 17/08/2018 08:09

Chuyện nhân mùa Vu lan

TTH - Nụ cười của cô rạng rỡ. Bất giác, trong ánh mắt mẹ tôi thoáng nỗi bâng khuâng, thoáng chút gì như ao ước.

Trong một chuyến về quê, tôi tình cờ ngồi “bên lề” câu chuyện của mẹ và cô bạn của mẹ. Cô đến nhà chơi. Hai bà bạn già lâu ngày gặp nhau rôm rả chuyện đông chuyện tây. Là giáo viên dạy cùng trường ngày xưa, mẹ và cô có biết bao kỷ niệm. Câu chuyện của mẹ và cô quay lại “thời ấy”, cách đây mấy chục năm trời. Thời ấy kinh tế khó khăn, đời sống chật vật thiếu thốn, thế này, thế kia…, nhưng chung quy vẫn là niềm tự hào đã vượt qua tất cả để công tác tốt, nuôi con khôn lớn trưởng thành.

Rồi cô hào hứng khoe, bây giờ cả 3 đứa con đều thành đạt, giàu có. Vợ chồng anh con trai cả đang sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh vừa mời ba mẹ đi Singapore du lịch. “Vợ chồng đứa con gái út sinh sống ở Vũng Tàu đang “ép” ba mẹ sắp tới đi Thái Lan chơi. Mình thì tiếc tiền giùm con, nhưng chúng nó cứ dùng “chiêu” đặt mình vào thế đã rồi, không đi không được.

Nụ cười của cô rạng rỡ. Bất giác, trong ánh mắt mẹ tôi thoáng nỗi bâng khuâng, thoáng chút gì như ao ước. Nhưng ngay lập tức, nụ cười của mẹ tôi cũng rạng rỡ không kém: “Mấy đứa nhà tôi điều kiện vẫn chưa dư dả, nhưng chúng nó cũng quan tâm ba mẹ lắm. Thằng con trai lớn là sĩ quan quân đội ở xa, ít khi về quê, nhưng tháng nào nó cũng gửi một khoản để ba mẹ bồi dưỡng. Đứa con gái út dựng nhà bên cạnh, ngày nào cũng chạy qua chạy lại “ngó chừng”. Còn nó (mẹ chỉ tôi) ở cách gần 200 cây số, nhưng vài tuần lại thu xếp về ăn với ba mẹ bữa cơm”. Cho đến lúc tiễn bạn già ra ngõ, cả chủ nhà và khách đều hoan hỉ, tự hào về con về cháu.

Thế nhưng một thoáng bâng khuâng, dường như ao ước trong mắt mẹ, khi nghe cô kể về những chuyến du lịch cùng con, bỗng nhiên khơi dậy trong lòng tôi sự day dứt. Mấy chục năm trước, ngoài những giờ đến trường đến lớp dạy học trò, ba mẹ tôi cặm cụi không ngơi tay, đổ mồ hôi trên mảnh vườn, chẳng khác những người nông dân thực thụ, để có rau trái cải thiện bữa ăn, hoặc bán chút đỉnh bù vào đồng lương eo hẹp, lo cho 3 đứa con ăn học. Trong mỗi bữa cơm, miếng ngon nhất cũng dành phần cho các con. Tôi chợt nhớ lại một lần mẹ kể, ba mẹ có công chuyện đi xa hơn mười cây số bằng chiếc xe đạp cà tàng. Lúc về trời trưa đứng bóng, vừa đói vừa mệt. Thương ba tôi cầm lái, áo ướt đẫm mồ hôi, mẹ gợi ý vào quán ven đường ăn bát phở, vừa nghỉ ngơi một chút. Ba tôi ngần ngừ rồi bảo, dành tiền đó mua gì về nhà, nấu cho các con cùng ăn luôn. Ba mẹ ăn ngon một mình không đành lòng.

Suốt cuộc đời ba mẹ tôi hết vất vả nuôi con rồi lại lo cho cháu, không vì công việc thì chưa bao giờ “ra ngoài” thảnh thơi, nói gì đến du lịch. Vậy mà bao năm nay tôi đâu bận tâm điều đó, trong lúc bản thân “vi vu” lần lượt Đà Lạt, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh, Sa Pa, Hà Nội... Có nơi vì thích thú mà trở lại nhiều lần. Thực ra có lúc tôi đã “rủ”, nhưng ba mẹ lúc bảo, sao đi được nhà cửa ai trông, khi lại “lý do”, ba bây sức khỏe yếu đi xa đâu có được. Tôi vô tâm đâu nhận ra, đó là cách ba mẹ không muốn “phí tiền” của con. Để đến bây giờ điều kiện sức khỏe ba tôi thực sự không thể đi xa được nữa. 

Trước khi “bên lề” câu chuyện của mẹ và người bạn già, đã dự tính đến tỉnh Ninh Bình, khám phá một miền đất mới, nhưng tôi quyết định gác lại chuyến đi. Khoản tiền đó, tôi cùng cô em gái lên kế hoạch thuê taxi đưa ba mẹ “check in” một địa điểm “sang chảnh”, thức ăn tươi ngon, không gian trong lành, đẹp lãng mạn bên bờ sông trong thành phố quê nhà. Nhìn nụ cười mãn nguyện của đấng sinh thành, tôi thấy lòng ngập tràn hạnh phúc, xúc động. Thì ra đối với ba mẹ, miền đất đẹp nhất vẫn là những nơi có con cái quây quần. Tôi tiếp tục lên kế hoạch cho những chuyến về quê, không phải cách vài tuần mà có thể mỗi cuối tuần, để ở cạnh bên, khiến ba mẹ nở nụ cười nhiều hơn.

Bây giờ tôi càng hiểu, báo hiếu cha mẹ đâu phải chỉ mùa Vu lan và bằng những điều to tát, mà làm sao để mỗi ngày ba mẹ được nở nụ cười hạnh phúc…

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Loanh quanh chuyện tiền mừng tuổi

Chúng tôi có 2 cậu con trai. Việc làm gì với tiền mừng tuổi của các con chưa bao giờ là vấn đề cần thảo luận một cách nghiêm túc trong gia đình chúng tôi. Chúng tôi đơn giản rằng, tiền mừng tuổi con nhận được là của con và ba mẹ có trách nhiệm giữ giúp. Cách truyền thống là chúng tôi dồn 2 năm một lần, lập cho các con mỗi đứa một sổ tiết kiệm có ngày đáo hạn là sinh nhật của con để phân biệt, dù mẹ đứng tên. Nhưng năm nay, khi các con đều lần lượt lên 11 và 16 tuổi, lần đầu tiên vấn đề này chúng tôi đem ra hỏi các con một cách nghiêm túc. Cậu em thì đơn thuần: “Tùy ba mẹ!”, trong khi cậu anh chỉ im lặng và tủm tỉm cười.

Loanh quanh chuyện tiền mừng tuổi
Chuyện người đàn ông làm bánh Huế

Xưa nay chuyện bếp núc, nhất là làm các món bánh, mứt đòi hỏi đôi bàn tay mềm mại khéo léo nên đa phần do người phụ nữ đảm trách. Ấy thế nhưng lại có một chàng trai theo đuổi đam mê này, đó là Trần Thanh Quang, một nghệ nhân trẻ năm nay 45 tuổi, là chủ nhân một quán trà, bánh, mứt khá “chất” ở Huế.

Chuyện người đàn ông làm bánh Huế
Chuyện chiếc chìa khóa

Cậu bé điều khiển chiếc xe cup 50 vào cây xăng trên đường Phạm Văn Đồng, phường Vỹ Dạ (TP. Huế) để đổ xăng.

Chuyện chiếc chìa khóa
Return to top