ClockThứ Hai, 18/05/2015 09:51

Chuyện những cựu thanh niên xung phong ở Nam Đông

TTH - Những cựu nữ thanh niên xung phong (TNXP) trong kháng chiến chống Mỹ đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình trên dãy Trường Sơn khói lửa. Thời bình, họ “trở lại” với núi đồi, tham gia làm công nhân các lâm trường, lập nghiệp trên vùng đất mới!

Về với núi đồi

Xã Hương Hòa (huyện Nam Đông), là địa phương có nhiều nữ TNXP sau khi tham gia phục vụ cách mạng, họ tìm đến vùng đất mới, tham gia vào đoàn người làm công nhân cho lâm trường Nam Đông.
Hỏi nhà bà Trần Thị Thía (SN 1949, thôn 9, xã Hương Hòa), không chỉ cán bộ mà người dân Hương Hòa đều biết. Gia đình bà không chỉ có một tình yêu đẹp thời chiến mà còn có cuộc sống mẫu mực ở thời bình. Ngồi tìm lại kỷ vật, bà Thía tâm sự, vốn sinh ra ở vùng đất Lệ Thủy, Quảng Bình, năm 1964 (lúc 17 tuổi), theo tiếng gọi Tổ quốc, bà tham gia vào lực lượng TNXP thuộc đơn vị C1N134P31 phục vụ tại binh trạm 12 và 15 của Đoàn 559. Bà cùng lực lượng TNXP hoạt động cáng thương, mở đường và cảnh giới bom nổ chậm tại khu vực tuyến đường phía bắc đèo Đá Đẻo (Quảng Bình) đến tỉnh Quảng Trị. 6 năm phục vụ cách mạng trên dãy Trường Sơn, đã cho bà những ký ức không bao giờ quên. Tại đây, bà cũng đã bén duyên với ông Nguyễn Văn Năm (Sn 1949). Ông Năm thuộc đơn vị vận tải phục vụ tại binh trạm 12, Đoàn 559. Bà Thía kể, có lần bà làm cảnh giới bom nổ chậm, xe ông Năm qua do còn bom nên bà phất cờ hiệu dừng lại. Ông năn nỉ: “Chị ơi, xe chở hàng phục vụ chiến trường, xin chị ưu tiên.” Nhất quyết bà Thía không cho. Ông Năm nhận ra giọng đồng hương nên hỏi tên rồi làm quen. Rồi khi xe qua được, đưa hàng vào Quảng Trị, trở về đơn vị thì đã rạng sáng, ông Năm chặt cành ngụy trang xe xong thì tới đơn vị bà Thía đóng hỏi thăm. Tình yêu nảy nở từ chiến trường, nhiều lúc đơn sơ nhưng thắm thiết keo sơn. Nhắc lại kỷ niệm thời trai trẻ, ông Năm tiếp lời: “Thời chiến tranh, những phút giây gặp nhau như thế cũng đã là quý lắm rồi. Bởi có người sáng gặp, chiều chưa chắc đã còn bởi chiến tranh ác liệt quá. Trò chuyện đôi bữa, tui thương bà lúc nào không hay. Rồi nỗi nhớ cũng theo những chuyến xe vào nam phục vụ chiến trường.” Năm 1970, họ cưới nhau, cả hai người giải ngũ chuyển về làm việc tại Công ty Thương nghiệp Lệ Thủy. Năm 1980, cũng như bao thế hệ TNXP khác, họ đưa nhau lên làm công nhân ở nông trường Nam Đông, khai hoang phục hóa, trồng chè, dứa. Cuộc sống ở vùng đất mới buổi đầu vô vàn khó khăn với những bữa sắn, khoai qua ngày. Rồi đất nước đổi mới, như lời ông Năm nói “núi rừng có điện thay sao”, họ xây dựng kinh tế vườn, khấm khá lên từng ngày. Các con của ông Năm, bà Thía lần lượt ra đời trong niềm hạnh phúc đất nước thống nhất. Giờ những người con đã đi làm ăn xa, hai ông bà vẫn ở lại gắn bó với vùng đất mới Nam Đông như quê hương thứ hai máu thịt của mình.
 
Lập nghiệp trên vùng đất mới, hai cựu TNXP Trần Thị Thía và Nguyễn Văn Năm ổn định với kinh tế vườn
Nỗi niềm riêng
Ở Nam Đông, có hơn 500 hội viên TNXP, trong đó có khoảng 10% số hội viên là người các tỉnh từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tỉnh, Quảng Bình, 20% hội viên lập nghiệp sau năm 1975, còn lại đa số là đồng bào dân tộc Cơ Tu. Nhiều năm qua, phía Hội luôn quan tâm đến đời sống và tạo điều kiện làm các chế độ chính sách cho các hội viên này”, ông Trần Anh Quế, Chủ tịch Hội cựu TNXP huyện Nam Đông.
Với những cựu TNXP, ký ức buồn vui, gian khổ một thời, có người gói ghém trong những hoài niệm, kỷ vật tình yêu. Cũng có người mang trong mình những nỗi niềm riêng suốt một đời. Đó là trường hợp bà Tống Thị Hòa (Sn 1954, thôn 11, xã Hương Hòa). Năm 1967, bà tham gia lực lượng TNXP thuộc đơn vị Khu ủy Trị Thiên Huế hoạt động bí mật công tác giao liên và vận lương nuôi giấu cán bộ ở huyện Phú Lộc. Năm 1971, bà bị địch bắt, cầm tù 6 tháng tại lao Thừa Phủ. Nhắc ký ức hào hùng một thời, bà Hòa nhớ lại: “Có lần, tui mua gạo, thuốc men, bột ngọt, kem đánh răng từ chợ Nước Ngọt về để tiếp tế cho các chiến sĩ bộ đội nằm vùng trong hầm nhà mình. Trên đường đi, tui bị địch kiểm tra rồi bắt. Chúng giam cầm, chích điện, đánh đập nhiều tháng liền hòng lấy thông tin về tổ chức, tui một mực không khai. Cứ ngày nào cũng thế, địch tra hỏi: “Mua đồ nớ (lương thực, thuốc men- NV) cho ai.” Tui trả lời: “Tui không biết, đi chợ ai đó thù nên đưa đồ nớ vô” Không khai thác được người giao liên kiên cường, địch đành thả bà Hòa tự do. Sau năm 1971, bà thoát ly lên rừng, hoạt động ở Huyện ủy Phú Lộc. Thời gian sau giải phóng năm 1975, bà Hòa làm việc phục vụ nấu ăn tại UBND huyện Phú Lộc. Tại đây, bà cũng quen một người đàn ông, cũng là người lính trở về từ chiến trường. Hai gia đình đã thăm hỏi, định ngày cưới. Vì điều kiện sống khó khăn, cách trở, mối tình giữa hai người lính xưa đã không thành. Năm 1980, bà Hòa gói ghém niềm riêng, lên Nam Đông khai hoang, xây dựng cuộc sống mới. Những ngày “vượt cạn” một mình giữa vô vàn nước mắt, tủi hổ. Bao nhiêu tình yêu thương bà dồn hết vào người con trai của mình. Thời gian khó cũng qua đi, sau bao năm xây dựng cuộc sống, giờ người con đã khôn lớn, có việc làm và xây dựng gia đình dưới phố. Bà Hoa vẫn bám trụ lại với vùng đất Nam Đông. “Nhiều lúc con cháu cứ hối thúc về dưới phố ở mà tui không chịu. Tui bảo nếu thương mạ thì cuối tuần lên chơi. Giờ đây còn vườn tược, nương rẫy một thời gắn với tuổi trẻ gian truân. Xa nó thì nhớ lắm.”, bà Hòa trải lòng. Ngồi trò chuyện, ông Trần Anh Quế, Chủ tịch Hội cựu TNXP huyện Nam Đông tâm sự: “Trường hợp bà Hòa là một trong những TNXP có hoàn cảnh éo le hơn cả. Trong những năm qua, phía Hội luôn quan tâm, chăm lo cho những trường hợp có hoàn cảnh như bà Hòa. Vừa qua, Phòng LĐTB&XH đã trích kinh phí 40 triệu đồng cho bà Hòa xây lại nhà cửa nhưng bà một mực từ chối. Bà có nguyện vọng để dành số tiền cho những trường hợp cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn hơn. Đây là một nghĩa cử cao đẹp, đậm chất lính Cụ Hồ.”
Hà Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bắt giữ tàu giã cào hoạt động trái phép

Chiều tối ngày 23/4, Đồn Biên phòng Lăng Cô đã phát hiện 1 tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi hành nghề giã cào trái phép tại vùng biển ven bờ thuộc huyện Phú Lộc và đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ người cùng phương tiện để xử lý theo quy định.

Bắt giữ tàu giã cào hoạt động trái phép
Nhiều mô hình hay

Bằng những cách làm sáng tạo trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Quảng Điền đã huy động được sự vào cuộc, tham gia hưởng ứng tích cực của cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân xây dựng nhiều mô hình, chương trình hỗ trợ, đỡ đầu cho trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh yếu thế trong xã hội.

Nhiều mô hình hay
Điều phối toàn diện chính sách an sinh xã hội

Công tác an sinh xã hội trên địa bàn thời gian qua đã có nhiều khởi sắc. Từ những chính sách, các chương trình, dự án, hoạt động trợ giúp, nhiều hoàn cảnh được tiếp cận các nguồn hỗ trợ, các dịch vụ xã hội để cải thiện chất lượng cuộc sống, được nâng cao kỹ năng để giải quyết khó khăn về vật chất và tinh thần.

Điều phối toàn diện chính sách an sinh xã hội
Return to top