ClockChủ Nhật, 04/12/2016 06:25

Chuyện trồng thông ở Ngự Bình hơn 40 năm trước

TTH - Ngày trước, cây thông ta đã được trồng phủ khắp núi Ngự, đặc biệt từ thời Gia Long, tất cả các quan lại không phân biệt phẩm trật, mỗi người đều phải trồng một cây thông trên Ngự Bình... 

Cách đây hơn 40 năm, từ 15 đến 20/10/1975 một trận lũ lớn xảy ra tại Thừa Thiên Huế gây thiệt hại nặng nề, giữa lúc Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đang ở thăm Huế. Vừa về đến Hà Nội, Chủ tịch nước chỉ đạo các ban, ngành trung ương khẩn trương giúp Thừa Thiên Huế khắc phục hậu quả của cơn “Đại hồng thủy”. Riêng Tổng cục Lâm nghiệp*, Chủ tịch nước đã gửi thư yêu cầu: “Phải vào ngay thiết kế và tổ chức thi công trồng thông ở khu vực Ngự Bình…”.

Bốc dỡ cây giống ở khu vực Ngự Bình

Ngày ấy, khi tôi vừa hoàn tất công tác trên công trường Cảnh quan Lăng Hồ Chủ tịch với chức danh kỹ sư trưởng thì được giao ngay nhiệm vụ này. Tôi cùng hai kĩ sư xuất phát trên chiếc xe UAZ do Tổng cục dành cho đoàn. Điều chúng tôi lo nhất là phải làm sao kiếm đủ cây giống thông ta (Pinus merkusii) cho trồng rừng ở Huế. Cây thông trong bài hát “Nhớ về quê mẹ” của nhạc sĩ Vân Đông: “Giọng hò từ Kim Long trôi về Vĩ Dạ /Làm bâng khuâng những hàng thông trên đỉnh núi Ngự Bình” chính là loài thông ta.

Lúc này, ở miền Bắc đã kết thúc mùa trồng rừng, hầu hết cây giống đã được đem đi trồng, còn các tỉnh phía Nam từ lâu ngưng sản xuất cây giống lâm nghiệp. Đoàn chúng tôi chỉ còn cách chạy xe theo Quốc lộ 1 từ Hà Nội vào Đông Nam Bộ rồi rẽ Quốc lộ 20 lên Nam Tây Nguyên, qua bất kỳ lâm trường nào chúng tôi cũng vào xuất trình công văn của Tổng cục yêu cầu cung cấp cây giống thông ta, nếu có sẽ kiểm kê cây và đề nghị cơ sở tiếp tục chăm sóc bảo vệ cho đến khi chúng tôi tiếp nhận. Những nơi chúng tôi đến liên hệ công tác ai cũng nhiệt tình ủng hộ, cuối cùng tìm được 3 địa điểm có thể cung cấp cây giống cho Ngự Bình: Vườn ươm của Trạm thí nghiệm cơ giới trồng rừng Minh Phú (Sóc Sơn, Hà Nội), Vườn ươm của Lâm trường Rừng Thông (Bố Trạch, Quảng Bình), Vườn ươm cây thông noel của Trạm Khảo cứu Lâm học Lang Hanh (Di Linh, Lâm Đồng). Đặc biệt ở Lang Hanh, thông tái sinh tự nhiên rất tốt, chúng tôi nảy ra sáng kiến: nếu số cây giống từ 3 vườn ươm trên vẫn chưa đủ thì sẽ bứng những cây thông ta tái sinh tự nhiên (cao 25 - 30cm) dồi dào sức sống, cấy vào các ống (rỗng 2 đầu, hình lục lăng, bằng đất) cũng do Trạm Khảo cứu sản xuất (để thay cho túi nhựa Polyethylene) rồi xếp vào các khay, vận chuyển ra bổ sung cho số cây thiếu hụt...

Khi đã yên tâm về cây giống, đoàn chúng tôi về Huế để bắt đầu công việc khảo sát, thiết kế và tổ chức thi công trồng rừng khu vực Ngự Bình. Dịp này, Phó Thủ tướng Hoàng Anh, người con ưu tú của xứ Huế cũng đang chỉ đạo và duyệt kế hoạch 1976 cho các tỉnh miền Trung. Ông đã căn dặn chúng tôi trong thiết kế và thi công phải hết sức tôn trọng ý nghĩa, giá trị lịch sử, không nên có những tác động làm thay đổi địa hình, địa mạo của núi Ngự (có lẽ ,ông lo chúng tôi sẽ dùng máy ủi để ủi bậc thang trên Ngự Bình như có vị ở tổng cục đã đề xuất).

Về chuyện trồng thông ở Ngự Bình, ngày 4/12/1975, tôi trình bày “Phương án thiết kế trồng rừng thông Pinus merkusii khu vực Ngự Bình” trước Hội nghị gồm tất cả các ban ngành, đoàn thể, quận huyện của tỉnh Thừa Thiên Huế, ngay phần mở đầu, chúng tôi đã khẳng định ba yếu tố tạo nên kiến trúc cảnh quan Huế là sông Hương, núi Ngự và cây trồng trên Ngự Bình là thông ta, loài thông bản địa của nước ta đã đi vào đời sống người Việt từ bao đời. Sông, núi, cây thông ấy tạo nên môi trường sinh thái nhân văn trong lành mát mẻ, giàu ôxy rất có lợi cho sức khoẻ, phù hợp với văn hoá truyền thống và phong thủy.

Cây thông giống Lâm Đồng chuyển ra Ngự Bình - Tam Thai - Thiên Thai

Sau khi trình bày các phương án trồng thông ta ở đỉnh núi, sườn núi, chân núi và cả diện tích lân cận là núi Thiên Thai và Tam Thai với tổng số cây giống thông ta cung cấp cho khu vực Ngự Bình - Huế là 189.200 cây (riêng núi Ngự 75.500 cây), sang phần kế hoạch thi công, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh thành lập công trường trồng rừng Ngự Bình và thi công càng sớm càng tốt, cụ thể bắt đầu từ 5/12/1975 và hoàn thành vào ngày 25/12/1975. Từ 26/12/1975 tập trung toàn lực thi công trồng rừng Tam Thai và Thiên Thai đến 28/1/1976 hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trồng rừng khu vực Ngự Bình - Huế.

Kết thúc phần trình bày, cả hội nghị nhiệt liệt vỗ tay và Phương án thiết kế trồng rừng thông Pinus merkusii khu vực Ngự Bình được thông qua nhanh chóng. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo trồng rừng khu vực Ngự Bình bấy giờ gồm Trưởng ban: Ông Nguyễn Văn Vạn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Phó ban: ông Lâm Hồng Phấn, Trưởng ty Nông Lâm phụ trách tài chính, lao động và cơ sở hậu cần. Còn tôi, phụ trách công trường, điều hành cung cấp cây giống... 

Tết cổ truyền đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, chúng tôi được nghe câu thơ Tố Hữu trên sóng phát thanh Đài tiếng nói Việt Nam: “Ngự Bình, thông lại xanh cây/Bên kia Vọng Cảnh, bên này Thiên Thai...”. Ba năm sau, cuối năm 1978, Bộ Lâm nghiệp đã tổ chức hội nghị trồng rừng toàn quốc tại TP. Huế, nơi có Ngự Bình - mô hình kiểu mẫu về trồng thông Pinus merkusii. Cộng đồng quốc tế đã ghi nhận những nỗ lực ấy. Ngay sau đó, Chương trình Lương thực (PAM), Tổ chức Nông Lương (FAO) và Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) đã có những dự án viện trợ dành cho trồng rừng và nghiên cứu Lâm sinh ở nước ta...

Đã 40 năm tôi mới có dịp trở lại Huế, thành phố xanh sạch đẹp nhất trong những thành phố mà tôi đã qua và thấy tự hào vì đã từng cùng Nhân dân Huế đóng góp công sức cho một không gian xanh bền vững, khoáng đạt, nên thơ.

* Tháng 7/1976 chuyển thành Bộ Lâm Nghiệp

NGUYỄN HOÀNG BÍCH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đoàn đại biểu tỉnh tham dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập tỉnh Sê Kông, CHDCND Lào

Từ ngày 4 - 6/4, đoàn công tác tỉnh Thừa Thiên Huế do đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết cổ truyền Bunpimay Lào và tham dự Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập tỉnh Sê Kông . Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo Ban Nội chính, Văn phòng Tỉnh ủy, Sở Ngoại vụ.

Đoàn đại biểu tỉnh tham dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập tỉnh Sê Kông, CHDCND Lào
Ra mắt bộ sách Huế kỳ bí qua góc nhìn của người phương Tây nửa đầu thế kỷ XX

Bộ ấn phẩm “Huế kỳ bí” gồm 3 cuốn: Huế điều kỳ bí (Louis Chochod), Lăng Gia Long (Léopold Cadière) và Tuyển tập đồ bản và địa danh Kinh thành Huế (Henri Cosserat & Léopold Cadière) do MaiHaBooks liên kết cùng Nhà xuất bản Khoa học Xã hội phát hành vừa được giới thiệu đến công chúng chiều 23/9 tại Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế.

Ra mắt bộ sách Huế kỳ bí qua góc nhìn của người phương Tây nửa đầu thế kỷ XX
Phường Trường An và dấu ấn 40 năm phát triển

Hôm nay (24/3), phường Trường An (TP. Huế) tổ chức kỷ niệm 40 năm thành lập phường (1983 - 2023) và ra mắt cuốn sách “Truyền thống văn hóa và đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, Nhân dân phường Trường An (1930 – 2020)”.

Phường Trường An và dấu ấn 40 năm phát triển
Rừng xanh tóc trắng

Trong một cuộc “trà dư tửu hậu” với anh bạn người Phù Bài, bạn bảo: “Tìm hiểu về văn hóa ngôi làng có trên 500 tuổi như Phù Bài thì nói mãi không hết. Làng không chỉ là những sắc phong do vua ban, khế ước đất đai thời phong kiến - mang giá trị văn hóa lịch sử sâu sắc - mà các cụ hồi xưa còn để lại cho lớp hậu bối một khu rừng nguyên sinh theo đúng nghĩa quanh lăng Ngài”. Câu chuyện “người làng” kích thích tôi phải trở về Phù Bài một chuyến trong cái tiết chớm xuân bắt đầu ngọt.

Rừng xanh tóc trắng
Return to top