ClockThứ Bảy, 18/08/2018 06:00

Chuyển trường và khó khăn của mô hình tư thục phổ thông

TTH - Không tuyển được học sinh khiến Trường trung học phổ thông (THPT) Trần Hưng Đạo và Huế Start ngừng hoạt động. Năm học 2018 -2019, 40 em khối THPT ở các trường này được chuyển đến học ở Trường THPT Chi Lăng và 4 trường công lập trên địa bàn.

Trường tư thục “chết yểu”

Học thể dục ở Trường THPT Chi Lăng

Chị Nguyễn Thị Duyên, một trong 4 phụ huynh còn lại ở Trường THPT Huế Star lên làm thủ tục chuyển trường cho con khi năm học mới cận kề. Chị bảo, mình không bất ngờ vì nhà trường đã có thông báo từ đầu hè. Con chị sẽ vào học ở Trường THPT Chi Lăng vì mức học phí không cao hơn trường cũ, lại học bán trú, phù hợp với hoàn cảnh gia đình.

Năm học 2017 - 2018 Trường Huế Star ngưng hẳn việc tuyển sinh đầu vào lớp 6. Tổng số học sinh của nhà trường là 65 em, trải đều từ lớp 7 đến lớp 12. Ông Vệ Văn Lẫm, Hiệu trưởng Trường THPT Huế Star cho biết, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh để thông báo việc chuyển trường cho học sinh. Tháng 6/2018, trường đã chuyển trường được cho 14/15 học sinh trung học cơ sở chủ yếu ở khối lớp 7 và lớp 8 vào các trường Nguyễn Chí Diểu, Chu Văn An, Đặng Văn Ngữ.

Số học sinh THPT của cả hai trường là 40 em. Trường THPT Trần Hưng Đạo có 23 học sinh và Trường THPT Huế Star là 17 học sinh. Mới đây, sở đã có buổi làm việc với các trường tư thục và công lập về vấn đề chuyển trường cho học sinh. Các em được chuyển về các trường, như Phan Đăng Lưu, Gia Hội, Đặng Trần Côn, Bùi Thị Xuân và Trường THPT Chi Lăng do nhu cầu và điều kiện kinh tế của phụ huynh. Nguyên nhân do các em đã không trúng tuyển vào các trường có tổ chức thi tuyển, thế nên, các em chỉ được chuyển đến các trường không tổ chức thi tuyển ở trên địa bàn.

Ông Trần Hoài Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Chi Lăng, cho biết: “Trường đã tiếp nhận 12 em ở Trường THPT Huế Star vào học ở hai khối 11 và 12 và các em bắt đầu học từ ngày 11/8”. Số học sinh còn lại đã rút học bạ ở hai trường này để chuyển về 4 trường THPT công lập trên địa bàn. Sở Giáo dục và Đào tạo thông báo sẽ trực tiếp giải quyết trước ngày 15/8 nếu các em gặp trở ngại khi chuyển trường.

Vấn đề mà phụ huynh quan tâm là liệu các em vào những trường công lập có bắt kịp chương trình như học sinh phổ thông khác. Bởi lẽ, đầu vào của các trường tư thục thường thấp, đến 70% học sinh có học lực trung bình, số còn lại là yếu, rất ít học sinh khá, giỏi nên chương trình giảng dạy theo phương pháp kèm cặp. Kết quả của các kỳ thi THPT quốc gia và điểm xét tuyển đại học, các em thường có số điểm không cao, sít sao với điểm sàn.

Chỉ tính riêng 17 em ở Trường THPT Huế Start trong kỳ thi THPT quốc gia 2017-2018 đều ở mức điểm từ 13 đến 15 điểm để xét vào đại học. Anh T. V. H, phụ huynh có con chuyển vào trường công lập, cho biết: Tôi thực sự lo khi con vào học ở trường công lập vì sức học cháu không khá, trong khi lớp học lại đông. Ở trường tư thục, nhà trường chú trọng đến ngoại ngữ và phương pháp học trải nghiệm nên con tôi sẽ gặp khó khăn trong môi trường mới. Tôi muốn con nhanh chóng ổn định tâm lý để có hướng hỗ trợ con ôn tập trong kỳ thi THPT quốc gia sắp đến.

Có rất nhiều điều mà phụ huynh tiếc nuối khi họ muốn đầu tư cho con học ở môi trường tốt nhất, như có xe đưa đón con đi học, được trải nghiệm thực tế, giáo trình nước ngoài…Tuy nhiên, bài toán kinh tế về mô hình trường tư thục không phát huy hiệu quả. Người Huế không mặn mà với hệ thống trường tư nên số học sinh cứ thế mà “teo tóp” dần qua các năm học. Hơn nữa, học phí trường tư thục cao gấp nhiều lần trường công, trong khi “thương hiệu” trường tư lại chưa đủ mạnh là nguyên nhân khiến nhiều trường tư thục không cầm cự trên đất Huế.

Năm học 2018-2019, Trường dân lập THPT Chi Lăng về cơ sơ mới khang trang, rộng rãi với gần 300 học sinh đang theo học, trong đó, tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019 là 170 em, con số kỷ lục nhất từ trước đến nay của nhà trường. Hy vọng, người Huế đang dần dần thay đổi quan niệm và xem trường tư thục phát triển là xu thế tất yếu, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh trong thời kỳ hội nhập.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trường tư thục “chết yểu”

Tuyển sinh khó khăn khiến nhiều trường trung học phổ thông (THPT) tư thục phải đóng cửa. Không ít trường cầm cự nhưng đứng trước nguy cơ giải thể, bán trường.

Trường tư thục “chết yểu”
Bộ GDĐT thừa nhận triển khai VNEN còn “nóng vội, máy móc”

Ngày 18/8, Bộ GD - ĐT gửi công văn số 4068/BGDÐT-GDTrH đến Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai mô hình trường học mới (VNEN) từ năm học 2016-2017. Theo đó, Bộ GD – ĐT lần đầu tiên thừa nhận nhiều bất cập của VNEN, xin rút kinh nghiệm và đề nghị các địa phương triển khai trên tinh thần tự nguyện.

Bộ GDĐT thừa nhận triển khai VNEN còn “nóng vội, máy móc”
Return to top