ClockThứ Sáu, 13/04/2018 07:52

Cơ cấu lại đội ngũ, kiện toàn tổ chức bộ máy

TTH - “Để đảm bảo thực hiện thắng lợi Nghị quyết TW 6 (khoá XII), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra quan điểm, mục tiêu rất rõ là, kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà khẳng định. 

Thủ tướng phê duyệt Đề án Cơ cấu lại đầu tư côngĐẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tếHoàn thiện Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà

Vậy quan điểm, chủ trương của Tỉnh ủy trong việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị như thế nào, thưa đồng chí?

Đó là bám sát Điều lệ và các Văn kiện của Đảng trong việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đặt việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ngoài bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, việc đổi mới, sắp xếp bộ máy phải phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng cấp, từng ngành, từng địa phương, nhất là xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, người đứng đầu.

Trên cơ sở đó điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, sắp xếp lại các cơ quan, đơn vị, nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống hoặc trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; đảm bảo tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Muốn vậy, cả hệ thống chính trị phải thực hiện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động hiệu quả.

Những việc đã rõ thì cần thực hiện ngay, những việc mới chưa được quy định, hoặc những việc đã có quy định nhưng không còn phù hợp phải mạnh dạn chỉ đạo thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nhằm từng bước hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội. Mục tiêu đến năm 2021, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó; thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; giảm tối thiểu 10% biên chế so với biên chế được giao.

Cụ thể, sẽ tập trung những khâu nào để tinh gọn bộ máy, giảm cồng kềnh?

Phải đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC. Kiên quyết giảm và không thành lập tổ chức mới, giải thể hoặc sắp xếp lại các tổ chức hoạt động không hiệu quả. Không tăng biên chế, quy định số lượng biên chế tối thiểu được thành lập tổ chức, quy định số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của một tổ chức...

Hiện nay, Tỉnh uỷ đã ban hành Kế hoạch số 60-KH/TU, ngày 13/3/2018 về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Trong đó, tập trung đổi mới hệ thống chính trị khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, khối Nhà nước, khối các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giảm đầu mối, giảm số lượng cấp phó, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Việc giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian gắn với tinh giản biên chế có làm xáo trộn công tác cán bộ không, thưa đồng chí?

Bước đầu triển khai thực hiện chắc chắn sẽ có xáo trộn trong công tác cán bộ, do khi sắp xếp, tổ chức lại các tổ chức, nếu hợp nhất, sáp nhập sẽ giảm cấp trưởng, cấp phó, giảm biên chế. Tỉnh sẽ bố trí lại đội ngũ CBCC sau khi hợp nhất, sáp nhập, song với quan điểm là thực hiện tốt công tác chính sách cán bộ, sắp xếp bố trí cán bộ phải đảm bảo hợp lý, khách quan, dân chủ, vì sự ổn định và phát triển của mỗi tổ chức, đơn vị.

Đánh giá cán bộ là khâu hết sức quan trọng trong công tác cán bộ, vậy theo đồng chí, cần phải đánh giá như thế nào để tránh hình thức, né tránh?

Những năm qua, các cấp, các ngành xem việc đánh giá cán bộ là khâu khó, do việc đánh giá cán bộ ở các cơ quan, đơn vị còn mang tính chung chung, hình thức, cảm tính, nể nang, né tránh, ngại va chạm. Vì vậy, kết quả đánh giá đôi khi chưa sát với thực chất, còn bộc lộ những hạn chế nhất định.

Để thực hiện tốt hơn công tác đánh giá cán bộ, ngày 13/3/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá cụ thể cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở tỉnh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Theo đó, bộ tiêu chí cơ bản đưa ra ra các tiêu chí cụ thể, thể hiện bằng hình thức chấm điểm. Đây được xem là bước đổi mới trong công tác đánh giá cán bộ, đưa công tác đánh giá cán bộ sát hơn, thực chất hơn, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH đất nước.

Thưa đồng chí, Tỉnh ủy vừa ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ, vậy có những điểm gì mới cần lưu ý?

Ngày 11/1/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định 1050 - QĐ/TU về tiêu chuẩn chức danh CBCC, viên chức lãnh đạo, quản lý. Điểm mới ở quy định lần này là nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất về tiêu chuẩn chức danh cán bộ trong cả hệ thống chính trị của tỉnh. Ngoài tiêu chuẩn chung, còn quy định tiêu chuẩn cụ thể cho từng chức danh, quy định về trình độ lý luận chính trị, về quản lý Nhà nước.

Trong đó, có xem xét yếu tố kinh nghiệm trong quản lý, được thể hiện ở việc yêu cầu chung khi bổ nhiệm lên chức vụ cao hơn phải kinh qua chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp dưới hoặc lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan cấp tỉnh.

Ngoài tiêu chuẩn chung, được biết có những tiêu chuẩn riêng đối với những cán bộ sinh năm 1976 trở lại đây?

Theo Quy định số 1050 - QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiêu chuẩn chức danh CBCC, viên chức lãnh đạo, quản lý, thì tiêu chuẩn cụ thể cho từng chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh; cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện, thị xã, TP. Huế và tương đương (gọi tắt là cấp huyện) ngoài yếu tố chung về chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức lối sống..., đối với những cán bộ sinh năm 1976 trở lại đây phải bắt buộc có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đại học (hệ chính quy) trở lên; là đảng viên; lý luận chính trị cử nhân hoặc cao cấp. Đối với ngạch công chức, phải có trình độ chuyên viên chính và tương đương trở lên (riêng cấp phó các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh phải đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên hoặc tương đương trở lên và đã có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên chính).

Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện phải tốt nghiệp đại học trở lên và qua lớp bồi dưỡng quản lý kinh tế hoặc quản lý nhà nước. Đối với những cán bộ sinh năm 1976 trở lại đây phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đại học (hệ chính quy) trở lên; là đảng viên; lý luận chính trị cử nhân hoặc cao cấp.

Ngạch công chức có trình độ chuyên viên chính và tương đương trở lên (riêng cấp phó phải đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên hoặc tương đương trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hành chính Nhà nước ngạch chuyên viên chính); trình độ ngoại ngữ, tin học phù hợp với ngạch công chức đang giữ theo quy định.

Chính sách thu hút nhân tài cũng hết sức quan trọng, nhưng vấn đề này thời gian qua chưa phát huy hiệu quả. Đồng chí có thể cho biết, những giải pháp của tỉnh trong thời gian tới là gì?

Để thực hiện tốt hơn chính sách thu hút nhân tài, tạo nguồn nhân lực cho tỉnh, tại Kế hoạch số 60-KH/TU, ngày 13/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chủ trì, chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng đề án để triển khai thực hiện trong thời gian đến.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này !

 Anh Phong (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tranh bích họa làm đẹp trường học

Ngày 24/3, Chi đoàn Báo Thừa Thiên Huế phối hợp cùng Đoàn Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế và Đoàn xã Phong Xuân (huyện Phong Điền) tổ chức chương trình vẽ tranh bích họa tại các điểm trường trên địa bàn xã Phong Xuân.

Tranh bích họa làm đẹp trường học
Chú trọng chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên

Nhờ nỗ lực cố gắng của từng cán bộ, đảng viên (ĐV), các cấp ủy đảng, Đảng bộ huyện Nam Đông đạt được những kết quả quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, từng bước nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và ĐV.

Chú trọng chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên
Return to top