ClockThứ Bảy, 22/11/2014 10:16

Có chăng nhân viên tín dụng bắt tay cò mồi?

TTH - Gần đây, một số đối tượng dán tờ rơi quảng cáo dịch vụ vay tiền ngân hàng không thế chấp, hoặc vay tiền ngân hàng trả góp, trên đó có in sẵn số điện thoại liên hệ. Tuy nhiên, qua tiếp xúc, dịch vụ này chẳng khác nào kiểu cho vay nặng lãi.

Lãi suất cao ngất ngưởng

Sau 3 cuộc điện thoại và đã được dặn dò, tư vấn kỹ lưỡng về những thủ tục cần thiết, tôi đến gặp M ở quán cà phê bên sông An Cựu. Qua quan sát, tôi đoán chắc M đang ngồi ở bàn kế cạnh khi nhìn tập giấy tờ, cách trò chuyện của M với người đối diện. Khi tôi nhấc điện thoại lên gọi, bên kia M nghe máy và mời tôi ngồi cùng bàn với người phụ nữ cùng chung mục đích, tên T ở đường Hoàng Quốc Việt.
Người dân xem thông tin quảng cáo vay tiền ngân hàng trả góp tại trạm chờ xe buýt ở đường Nguyễn Huệ
Chị T đưa hồ sơ mua hàng điện tử, điện lạnh trả góp cho M với mong muốn được vay vài chục triệu đồng. Song, khi xem qua hợp đồng mua hàng, M nói tối đa chị T chỉ vay được 14 triệu đồng. Lý do được M giải thích là hóa đơn mua hàng của chị T chỉ hơn 6 triệu đồng, dù chị đã trả góp hàng tháng đúng như thỏa thuận, song với giá trị hàng hóa đó, mức vay 14 triệu đồng là đã quá cao, mà như cách nói của M là đã châm chước, tạo điều kiện. Tuy nhiên, M cũng mách nước cho chị T là nếu chị gộp hai hóa đơn mua hàng làm một thì mức vay được tăng lên, chí ít cũng hơn 20 triệu đồng. Nghe thế, chị T liền gọi điện thoại cho chủ cửa hàng kinh doanh điện tử điện lạnh và được đồng ý. Hai người hẹn nhau vào buổi chiều hôm đó hoặc chậm nhất là sáng hôm sau sẽ hoàn tất các thủ tục chờ giải ngân.
Liên hệ với khoảng 5 số điện thoại in trên các tờ rơi dán ở các đường lớn, trạm xe buýt, thì cả 5 người này, trong đó có 4 nam, 1 nữ đều tự xưng là nhân viên tín dụng của ngân hàng P, có trụ sở ở đường Hùng Vương. Theo những người này, chỉ cần có một trong các giấy tờ thủ tục sau là có thể được ngân hàng P giải ngân cho vay vốn, tùy theo nhu cầu, gồm: hóa đơn tiền điện có giá trị từ 300 ngàn đồng trở lên trong 3 tháng liên tiếp; hợp đồng bảo hiểm từ 2 triệu đồng trở lên và đã đóng phí trên 1 năm; hợp đồng mua trả góp hàng điện tử, điện lạnh... Lãi suất tùy thuộc vào “vốn” là những giấy tờ, thủ tục vừa nêu mà người vay có. Trong đó, lãi suất vay theo hợp đồng bảo hiểm được xem là dễ thở nhất khoảng 15%/tháng, cao hơn mức lãi suất bình quân của các ngân hàng hiện nay khoảng 3%.
Đến lượt tôi, như trao đổi ban đầu, tôi đem theo 3 hóa đơn tiền điện của 3 tháng liên tiếp, cộng với một hóa đơn nộp phí bảo hiểm. Xem xong, M nói tối đa tôi có thể vay 22 triệu đồng, lãi suất 29,5%/năm nếu vay hóa đơn tiền điện và khoảng 26,5%/năm nếu vay theo hợp đồng bảo hiểm. Khi tôi thắc mắc tại sao ban đầu M nói vay hợp đồng bảo hiểm thì lãi suất 16,5%/năm, thì M giải thích, hợp đồng bảo hiểm của tôi phải có giá trị hàng năm với số dư từ 3 triệu đồng trở lên thì lãi suất 16,5%/năm, còn dưới 3 triệu đồng thì lãi suất 26,5%/năm. M còn nói thêm, dịch vụ này mới phát sinh trong tháng 11/2014 này, còn trước đây ngân hàng chỉ cho vay với những hợp đồng bảo hiểm có số dư trên 3 triệu đồng mỗi năm và đã tồn tại 4 năm ở nhiều tỉnh, TP khác trên cả nước, riêng trên địa bàn tỉnh đã có thâm niên hoạt động 2 năm.
Lấy lý do các hóa đơn tiền điện của tôi đều đứng tên mẹ tôi và hợp đồng bảo hiểm hiện chưa tìm được bản hợp đồng gốc nên tôi ra về. Lời M còn vọng theo: “Chị đến đơn vị ký hợp đồng bảo hiểm nhờ họ làm lại hợp đồng gốc đem đến đây em làm thủ tục cho, nhanh lắm. Chậm nhất là 1 tuần chị sẽ có tiền. Mà chị không đứng tên trong hợp đồng thì nhờ mẹ chị ký hộ. Dịch vụ của em chỉ chưa phủ sóng ở hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới, còn lại huyện nào trên địa bàn tỉnh chúng em cũng giải ngân”.
Trong lúc ra về, điện thoại tôi báo có tin nhắn, một người khác cũng làm dịch vụ cho vay ngân hàng không thế chấp, tên A, hỏi tôi đã chuẩn bị thủ tục đầy đủ chưa để gặp bàn việc vay vốn. Cũng với lý do trên, tôi hẹn một thời gian nữa.
Không loại trừ khả năng nhân viên tín dụng bắt tay cò mồi
Theo lời M, dịch vụ này khá thoáng, mở đường cho nhiều đối tượng vay, nhất là những người không làm việc cố định trong một cơ quan, công ty nào nên rất nhiều người vay. Điện thoại của M liên tục reo trong lúc bàn bạc, hướng dẫn thủ tục cho chúng tôi đã chứng minh điều đó.
Lần theo một hồ sơ vay vốn mà tôi kịp lướt qua trong khi M khoe hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng P với khách hàng, tôi gặp chị H ở đường Nguyễn Trãi. Chị H làm nghề kinh doanh, buôn bán nhỏ ở chợ Tây Lộc. Chị cho hay, vừa vay được vốn ngân hàng P qua dịch vụ này bằng hóa đơn tiền điện. Chị vay hơn 20 triệu đồng và phải chịu lãi suất 29,5%/năm. Khi chúng tôi hỏi về hợp đồng vay vốn, chị H cho hay, được người môi giới hẹn ngày giờ tới ngân hàng ký vào hồ sơ giải ngân và nhận tiền, sau đó nhân viên ngân hàng đưa chị bảng tính chi tiết số tiền gốc và lãi phải trả hàng tháng và ra về. Hàng tháng, chị H đến ngân hàng trả đúng số tiền đã ghi trong giấy. Nhìn bảng kê chi tiết số tiền gốc và lãi của chị H cần trả, chúng tôi thấy có chữ ký của nhân viên tín dụng ngân hàng P góc bên trái, không hề thấy có chữ ký, đóng dấu của lãnh đạo ngân hàng. Thắc mắc vấn đề này, chị H phân bua: “Quan trọng là mình nhận được tiền, hàng tháng trả nợ đúng hạn. Còn hợp đồng thì lấy làm gì. Vay thế này tuy lãi suất cao hơn bình thường nhưng so với vay hụi, vay nóng thì thấp hơn nhiều. Mình không phải cán bộ, công nhân mà được vay vốn là vui rồi”.
Điều chị H nói không phải là không có lý, song, vấn đề chúng tôi muốn đề cập ở đây là chính sự dễ dãi, qua loa trong việc ký xác nhận các thủ tục, hợp đồng vay vốn đã tiếp tay cho cò mồi kiếm một món lợi không hề nhỏ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tất cả những người tự xưng là nhân viên tín dụng của ngân hàng P thực chất đều chỉ là cò mồi. Khi xác nhận thông tin, lãnh đạo ngân hàng P cho hay, không có nhân viên nào tên M, T, A...
Song điều mà tôi cũng như nhiều người thắc mắc là tại sao không phải là nhân viên ngân hàng P, nhưng những người này lại có được hợp đồng tín dụng của ngân hàng P và được giải ngân ngay chính trụ sở của ngân hàng này. Dư luận đặt câu hỏi, có hay không việc nhân viên tín dụng ngân hàng P bắt tay với cò mồi để tổ chức cho vay với lãi suất cao để hưởng chênh lệch? Và nếu ngân hàng P không tổ chức cho vay theo hình thức này, thì khi ký hợp đồng giải ngân, không lẽ lãnh đạo ngân hàng P không đọc nội dung cho vay, người vay, mục đích vay.
Ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho hay, đơn vị đã nắm thông tin về hình thức cho vay ngân hàng không thế chấp và đã tiến hành kiểm tra, nắm thông tin để xử lý. Tuy nhiên, theo vị này, do đa số là cá nhân, hoạt động không theo một tổ chức nào và chỉ có số điện thoại nên rất khó xử lý. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã cảnh báo, nhắc nhở những người này. Để xử lý triệt để, cần sự vào cuộc của cả công an, lực lượng chuyên trách.
Song, để triệt cả phần gốc, theo chúng tôi, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh và cơ quan hữu quan cần bắt đầu từ phía các ngân hàng. Ở tỉnh Bến Tre, sau khi UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo xử lý, với sự vào cuộc của thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước tỉnh thì tình trạng cho vay tiền tương tự như trên mới chấm dứt.
Luật sư Đặng Thị Ngọc Hạnh, Giám đốc Công ty Luật Ngọc Hạnh và cộng sự:
Kẽ hở trong quản lý
Xảy ra tình trạng này là do kẽ hở trong quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đáng ra cùng với quy định trần lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước phải quy định trần lãi suất cho vay. Song, do thả nổi trần lãi suất cho vay nên mới xảy ra tình trạng một số ngân hàng, tổ chức tín dụng lợi dụng kẽ hở này để cho vay với lãi suất cao. Đây cũng là tình trạng đáng báo động về sự buông lỏng quản lý. Và nếu không có sự vào cuộc kịp thời của cơ quan hữu quan, thì sẽ khó chấn chỉnh. Nguyên nhân chính cũng là từ phía các ngân hàng muốn tăng dư nợ nhanh để tăng lợi nhuận, thu nhập cho nhân viên. Nhân viên ăn lương theo dư nợ, dư nợ càng cao thì lương càng cao. Do đó, nhân viên tín dụng phải tìm cách để đẩy dư nợ lên không ngoài mục đích này, cho dù đó là những khoản vay đầy rủi ro, có thể trở thành nợ xấu. Chỉ có cách Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản quy định trần lãi suất cho vay, thì các cơ quan liên quan mới có căn cứ để xử lý những ngân hàng, tổ chức tín dụng vi phạm.
Linh Đan (thực hiện)
 
Bài, ảnh: Tâm Huệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chương trình Phát triển các đô thị loại II: Nhiều gói thầu “gặp khó” mặt bằng

Nhiều hạng mục công trình thuộc các gói thầu của Dự án Chương trình Phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - DA thành phần Thừa Thiên Huế (gọi tắt DA đô thị xanh) bị “đứng hình” do bế tắc hoặc gặp khó trong công tác giải phòng mặt bằng (GPMB), dẫn đến công trình chậm tiến độ kéo dài.

Chương trình Phát triển các đô thị loại II Nhiều gói thầu “gặp khó” mặt bằng
Return to top