ClockThứ Bảy, 02/12/2017 10:58

Cơ chế chống quan liêu, thiếu trách nhiệm

TTH - Người ta thường nghĩ trách nhiệm với xã hội là những gì lớn lao, phải là những người trọng trách cao, trí tuệ uyên thâm mới làm được, mà quên rằng có những cái bình thường trong phạm vi được giao phải được dự báo để ngăn ngừa, tránh được hậu quả. Thế nhưng, đây cũng một trong những khâu đang còn rất yếu của một bộ phận những người có trách nhiệm trong cơ quan quản lý nhà nước.

“Một số vụ án lớn chưa quy trách nhiệm và xử lý người đứng đầu”“Nhiều vấn đề bức xúc thực chất do cán bộ, công chức gây ra”“Chưa làm rõ trách nhiệm người đứng đầu thì hoà cả làng hết”

Thường là khi có sự cố xảy ra người ta hay đổ lỗi cho thiên nhiên, do kỹ thuật hoặc lý do khách quan mà không thấy trách nhiệm của chính mình. Thời gian gần đây, chúng ta đã không ít lần được nghe những sự việc đau lòng, những việc không đáng có. Nếu những người có trách nhiệm dự kiến trước và đề ra các giải pháp hữu hiệu thì không đến nỗi nào. Ví dụ như sau vụ chìm tàu du lịch ở Hạ Long (Quảng Ninh), sông Hàn (Đà Nẵng) gây tai nạn chết người trước đây, cơ quan chức năng mới rà soát,  chấn chỉnh hoạt động chở khách du lịch đường thủy. Hay những tòa nhà, biệt thự không phép, sai phép hoặc không đúng quy hoạch nhưng xây dựng cả năm trời mới được phát hiện. Hoặc kinh doanh sàn chứng khoán vàng, kinh doanh đa cấp trái phép thu lợi bất chính hàng ngàn tỷ đồng cũng phát hiện muộn khi nhiều người đã trở thành nạn nhân. Rồi những việc gần đây có liên quan đến sức khỏe con người về thuốc chữa bệnh, vệ sinh thực phẩm…khi phát hiện vi phạm nghiêm trọng mới cuống cuồng thanh tra xử lý. Cả sự việc xảy ra tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (TP. Hồ Chí Minh) khi phát hiện hơn bốn nghìn con heo bị tiêm thuốc an thần, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Đó là chưa kể trước đó người ta đã làm như vậy với bao nhiêu con heo khi được đưa đến bàn ăn của người dân. Thật đáng tiếc với hậu quả xảy ra,  nhưng cũng đáng trách những người chịu trách nhiệm không làm tròn nhiệm vụ được giao...

Câu chuyện nghịch lý mới được truyền thông đưa tin gần đây về mức lương hưu chênh lệch cực khủng của người được nhận 101 triệu đồng/tháng với một giáo viên mẫu giáo chỉ có 1,3 triệu/tháng. Người làm chính sách có nghiên cứu kỹ không để rồi khi áp dụng trên thực tế mới thấy vô lý đến độ nghịch lý. Mới đây, thanh tra đối với Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Yên Bái, mặc dù đã kết luận sai phạm “đến mức phải xử lý kỷ luật” nhưng tài sản lại đứng tên vợ nên không thể xử lý.  Lý do là do Luật Phòng, chống tham nhũng chưa quy định. Quan liêu,  thiếu trách nhiệm sẽ còn diễn ra dài dài nếu chúng ta chưa đề ra được cơ chế xử lý căn bệnh này.

Vậy đâu là nguyên nhân? Có thể nêu ra vô số lý do nhưng quan liêu và thiếu trách nhiệm là nguyên nhân chủ yếu. Những người có trách nhiệm buộc phải nắm rõ chức trách của mình để tham mưu hoặc đề ra những giải pháp tốt nhất (có thể) trong phạm vi trách nhiệm nhưng họ đã không làm hoặc làm không đến nơi đến chốn.  Chẳng thế mà tham nhũng,  cố ý làm trái xảy ra ở Tổng Công ty Dầu khí (PVC) kéo dài nhưng từ lãnh đạo Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước không phát hiện để “tuýt còi” (chưa nói đến tiêu cực). Đến khi kiểm tra, thanh tra mới phát hiện vô số tồn tại, khuyết điểm. Thiếu trách nhiệm cũng là một trong những hệ quả của bệnh quan liêu, xa rời thực tế và thiếu cái tâm với công việc. Với chức trách đó, người có trách nhiệm phải tư duy, chủ động dự báo, sâu sát,  lắng nghe từ cơ sở.  Có dấu hiệu vi phạm là phải vào cuộc làm rõ ngay.

Trong đội ngũ quản lý của chúng ta không thiếu những cán bộ lãnh đạo gần dân, sâu sát cơ sở và trực tiếp chỉ đạo từ thực tế. Đó cũng là những tấm gương để cán bộ, công chức nói chung và cán bộ lãnh đạo nói riêng soi vào để học tập. Mẫu cán bộ này cần được biểu dương nhằm tạo sức lan tỏa.

Trở lại với những sự việc gây hậu quả nghiêm trọng như đã nêu, nếu cơ quan, đơn vị quản lý và cán bộ làm tốt chức trách thì có thể sẽ không xảy ra hoặc nếu có thì mức độ sẽ ít nghiêm trọng hơn. Không có lý gì khi cơ quan chịu trách nhiệm về quản một lĩnh vực, một ngành nghề lại không biết hoặc không quan tâm đến những gì đang diễn ra ở cơ sở. Ở đây không muốn nói đến tiêu cực  (nếu có) mà mới đề cập đến bệnh hành chính, quan liêu. Có nhiều lý do đưa ra để biện bạch cho hậu quả đã xảy ra nhưng tựu trung nguyên nhân vẫn là do thiếu trách nhiệm. 

Đã đến lúc chúng ta phải đề cao và thực hiện nghiêm túc chế độ quy trách nhiệm cho cán bộ, nhất là cán bộ quản lý đối với lĩnh vực được giao. Ai để xảy ra hậu quả do thiếu trách nhiệm, quan liêu cũng phải chịu trách nhiệm như người trực tiếp gây ra hậu quả. Và cũng phải có chế tài xử lý nghiêm. Có lẽ trong cải cách bộ máy hành chính, chúng ta phải nhấn mạnh nội dung này trong tiêu chí đánh giá khi đề bạt cán bộ lãnh đạo, quản lý và tuyển dụng công chức trong các cơ quan quản lý nhà nước.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp
Dai-ichi Life Việt Nam hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Nằm trong chuỗi Chương trình “Kết nối Triệu Yêu Thương – Hạnh phúc cho Cộng đồng”, tiếp tục hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả do thiên tai, ngày 15/12/2023, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Việt Nam (Dai-ichi Life VN) đã tổ chức thăm và trao tặng 100 suất tiền mặt trị giá 100 triệu đồng cho 100 hộ dân bị thiệt hại nặng nề trong các đợt mưa lũ vừa qua tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Dai-ichi Life Việt Nam hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Bố trí nguồn vốn khắc phục hậu quả thiên tai

Do ảnh hưởng liên tiếp của các đợt thiên tai trong tháng 10 và 11/2023 đã tiếp tục làm sạt lở nhiều vị trí bờ sông, bờ biển, đê bao nội đồng, kênh mương dẫn nước phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp. UBND tỉnh đã đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chốngthiên tai (PCTT) đề xuất Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn để khắc phục hậu quả thiên tai.

Bố trí nguồn vốn khắc phục hậu quả thiên tai
Return to top