ClockChủ Nhật, 26/02/2017 14:02

Cơ hội của “Bộ ngũ hùng cường” châu Á

TTH - Trong bối cảnh Trung Quốc đang nhanh chóng chuyển đổi thành trung tâm sản xuất công nghệ cao, “Bộ ngũ hùng cường” ở châu Á (còn gọi là MITI-V) - bao gồm 5 nước Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam được xem là những quốc gia nhiều tiềm năng có thể thay thế Trung Quốc trở thành “công xưởng thế giới” mới với chỉ số cạnh tranh sản xuất toàn cầu 2016 (GMCI) được đánh giá cao.

Công nhân sản xuất trong một xưởng may ở Việt Nam. Ảnh: TCTC

Thực tế cho thấy, sản xuất chi phí thấp đóng vai trò rất lớn trong việc đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vào năm 2010, so với vị trí thứ 9 năm 1980. Giờ đây, Trung Quốc đang dần ra khỏi vị thế “công xưởng thế giới”, và quá trình chuyển đổi này là không gian mở cho các nước khác chiếm lĩnh thị phần sản xuất chi phí thấp. Công ty tư vấn tài chính nổi tiếng Deloitte dự đoán, với nhiều tín hiệu lạc quan, nền kinh tế của “bộ ngũ hùng cường” sẽ sớm kế thừa vị trí nói trên của Trung Quốc.

Lợi thế

Hiện tại, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Đức đang dẫn đầu danh sách 15 quốc gia sản xuất cạnh tranh toàn cầu trên thế giới. Nhưng trong 5 năm tới, theo một khảo sát trên các CEO công nghiệp do Deloitte thực hiện, các nước Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam sẽ lọt vào top 15 quốc gia sản xuất hàng đầu cạnh tranh nhất trong thời gian từ nay đến 2020, xét trên các tiêu chí lao động giá rẻ, năng lực sản xuất... đối với các loại hàng hóa sản phẩm như quần áo, đồ chơi, hàng dệt may và điện tử tiêu dùng cơ bản.

Các chuyên gia sản xuất nhận thấy các nước này có nhiều lợi thế cạnh tranh trong sản xuất chi phí thấp như: dân số trẻ, chi phí lao động rẻ, môi trường chính sách thuận lợi, cơ sở hạ tầng chất lượng tốt, người lao động có kỹ năng cơ bản, cũng như thị trường tiêu dùng nội bộ khá lớn.

Trong khi Thái Lan có sự phát triển mạnh trong sản xuất ô tô, điện tử, thực phẩm, hóa chất và các ngành công nghiệp, thì Malaysia lại có lợi thế trong ngành công nghiệp hóa chất, máy móc thiết bị, và công nghiệp chế biến cao su.

Đối với Việt Nam, môi trường chính trị rất ổn định được xem là ưu điểm hàng đầu. Một kỹ sư cao cấp của BSH Hausgeräte GmbH cho biết, "Tôi nghe từ rất nhiều các công ty rằng họ đang di chuyển đến Việt Nam..., nơi đây có môi trường nhiều thuận lợi để đầu tư sản xuất" cơ sở hạ tầng cũng tốt hơn nhiều trong những năm qua.

Ấn Độ bứt phá

Mặc dù các nền kinh tế khác nhau đều có những ưu và nhược điểm riêng biệt, nhưng nước láng giềng khổng lồ ở phía Tây của Trung Quốc dường như đang có nhiều bứt phá. Theo nhận định của Tiến sĩ Jing Bing Zhang, Giám đốc nghiên cứu của IDC Worldwide Robotics, "Ấn Độ có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất chi phí thấp tiếp theo".

Điểm mạnh của Ấn Độ là sự pha trộn của cả lực lượng lao động có tay nghề cao và thấp, bên cạnh thị trường nội địa khổng lồ nhiều tiềm năng. So với 95 triệu dân số Việt Nam, Ấn Độ có một thị trường khổng lồ với 1,2 tỷ người tiêu dùng. Mặc dù phần lớn dân số là người nghèo, nhưng thu nhập của họ đang dần tăng lên trong những năm qua.

Mặt khác, môi trường chính sách của Ấn Độ cũng hỗ trợ nhiều hơn cho sản xuất. Năm 2014, Chính phủ Ấn Độ đưa ra chiến dịch "Sản xuất tại Ấn Độ" nhằm tăng mức độ sản xuất trong nước. Chính phủ này theo đó đã đạt được một số thành công - vượt qua Trung Quốc vào năm 2015 khi tiếp nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất trên toàn cầu.

Tuy nhiên, Ấn Độ nói riêng và “Bộ ngũ hùng cường” nói chung cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khi công nghệ robot ngày càng trở nên tinh vi hơn, và các nhà phân tích dự đoán ngành sản xuất sẽ ít thuê nhân công hơn trong tương lai, để tự động hoá phát triển.

Ngoài ra, một số rào chắn khác mà MITI-V cần lưu tâm như các mối đe dọa của chủ nghĩa bảo hộ, nhất là dưới những chính sách hiện nay của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Mặc dù vậy, điều này dường như cũng không làm giảm triển vọng của MITI-V, khi “mỗi nước trong đó đều có những ưu điểm riêng của mình”, The Diplomat nhận định.

TỐ QUYÊN (Tổng hợp & lược dịch từ The Diplomat, Realclearworld & Bloomberg)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

2024 sẽ là năm xoay trục cắt giảm lãi suất

Trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt ở hầu hết các nền kinh tế, các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ những quyết định về lãi suất, và các thị trường kỳ vọng sẽ chứng kiến một loạt đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay.

2024 sẽ là năm xoay trục cắt giảm lãi suất
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA):
Châu Á sẽ thúc đẩy nhu cầu khí đốt toàn cầu trong năm 2024

Châu Á sẽ là động lực chính cho sự tăng trưởng dự kiến về nhu cầu khí đốt tự nhiên toàn cầu trong năm nay, trong bối cảnh khu vực châu Âu sẽ phục hồi chậm sau khi việc sử dụng loại nhiên liệu này chạm mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ.

Châu Á sẽ thúc đẩy nhu cầu khí đốt toàn cầu trong năm 2024
Return to top