ClockThứ Sáu, 06/05/2016 05:31

Cò lạ phá lúa

TTH - Hơn nửa tháng nay, người trồng lúa ở một số địa phương của huyện Quảng Điền như đứng ngồi không yên khi hàng chục ha lúa bị cò “lạ” tấn công, gây gãy nhánh, đúng vào thời điểm lúa đang làm đòng…

Theo ghi nhận ngành nông nghiệp Quảng Điền, loài cò mỏ vàng lần đầu tiên xuất hiện tại địa phương

Khổ vì cò

Mấy hôm nay, nông dân ở thôn La Vân Hạ (xã Quảng Thọ), ra thăm đồng không phải chăm sóc cây lúa, hoa màu mà là… đuổi cò. Cò nhiều đến nỗi, nhiều hộ dân trồng lúa với diện tích lớn, phải thuê người ra canh giữ, xua đuổi.

Dẫn chúng tôi đi, ông Hoàng Công Thông, Trưởng thôn La Vân Hạ, chỉ những đám lúa thấp trũng, nham nhở từng cụm trên đồng, cho biết: “Chưa bao giờ thấy cò về nhiều, phá lúa tan hoang như ri cả. Cò bay từng đám từ sáng sớm hay chiều tối, khoảng 5-7 trăm con/đàn. Xứ đồng La Vân Hạ ni có 4 đàn như thế, với trên 2.000 con. Mỗi lần chúng sà xuống, từng cụm lúa bị cánh của cò vỗ rạt, gãy hết. Lúa đang làm đòng nên thiệt hại khá nặng, chỉ riêng đồng La Vân Hạ có 40 ha lúa thì có 40% diện tích bị thiệt hại, nhiều nơi mất trắng hoàn toàn”.

Nhiều diện tích lúa ở thôn La Vân Hạ bị cò “tấn công” gây gãy nhánh

Để bảo vệ xứ đồng La Vân Hạ và Hạ Lang gần đó, làng đã trích kinh phí 1 triệu đồng thuê người đuổi cò trong 3 ngày, nhưng chúng di chuyển rồi trở lại phá lúa. Người dân trồng lúa cũng huy động người đến từng điểm “chốt chặn” trên đồng nhằm đuổi cò ra khỏi ruộng, nếu để chúng bay từ nơi này sang nơi khác thiệt hại trên cây lúa càng nhiều hơn.

Ông Võ Thử (thôn La Vân Hạ) lo lắng: “Gia đình tui trồng 5 sào lúa, đến thời điểm này, chi phí trừ công cán đã hơn 1 triệu đồng/sào rồi. Mấy ngày trước, cò về từng đàn cả nghìn con, giẫm 5 sào lúa của gia đình tan hoang, gây thiệt hại đến 70% diện tích. Bình quân năng suất lúa 3,5 tạ/sào, giờ nhiều nơi chỉ ước đạt 1 tạ/sào”.

Để cứu những diện tích lúa còn lại, ông Thử huy động người dân trong gia đình dùng loa, còi hú, xoong nồi, đánh gây tiếng động để xua đuổi cò. Những diện tích lúa bị đổ, gãy, người dân phải bỏ công hoặc thuê 150 nghìn đồng/công, dùng tre nâng lúa lên từng cụm, mong vớt vát được ít sản lượng.

Theo người dân, những vùng lúa bị thấp trũng, còn ngập ít nước thường thiệt hại nặng hơn do cò tập trung về nhiều để kiếm thức ăn. Các hộ dân Nguyễn Tuyên, Hoàng Mùi (thôn La Vân Hạ) trồng từ 7-10 sào lúa, đều thị thiệt hại từ 40-50% diện tích. Trước đó, ở các địa phương như Quảng An, Quảng Thành, Quảng Phước cò về kiếm thức ăn đúng thời điểm những diện tích lúa ngắn ngày đang làm đòng cũng làm nhiều diện tích bị ảnh hưởng.

Lần đầu tiên xuất hiện cò mỏ vàng

“Hiện tại biện pháp duy nhất là ngành nông nghiệp vận động bà con cắt cử người xua đuổi, làm “con bù nhìn” trên ruộng để xua đuổi cò. Nguyên nhân cò xuất hiện nhiều thời điểm này là do các diện tích gieo giống lúa ngắn ngày đang giai đoạn làm đòng thường có nhiều thức ăn thu hút cò. Loài cò mỏ vàng xuất hiện đến nay vẫn chưa ghi nhận lần nào ở địa phương: đây là hiện tượng lạ, cần tìm hiểu”, ông Hoàng Vọng, Phó phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cho biết.

Người dân xã Quảng Thọ cho biết, trước đây cò thường xuất hiện vào mùa mưa hoặc thời điểm gieo sạ nên không làm ảnh hưởng đến cây lúa. Chỉ duy nhất năm nay, dù đã bước sang hè, cò lại về với số lượng từng đàn lớn, đúng thời điểm lúa đang làm đòng, nhánh cây bị gãy nên ảnh hưởng nặng đến năng suất, sản lượng. Nông dân Nguyễn Tuyên (thôn La Vân Hạ) lo lắng: “Trước đây loài cò mỏ trắng, trọng lượng chừng trên dưới 1 kg/con, hàng năm đều về không gây ảnh hưởng đến cây lúa. Năm nay lần đầu tiên xuất hiện loại cò mỏ vàng, trọng lượng nhỏ hơn cò thông thường, có sải cánh dài. Chúng di chuyển từng đàn lên đến vài trăm con, khi sà xuống kiếm mồi gây rạt lúa hết. Bà con rất lo lắng những diện tích lúa vụ sau”.

Ông Nguyễn Lương Trí, Giám đốc HTX NN Quảng Thọ 2 cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, do cò xuất hiện đúng thời điểm lúa đang làm đòng nên khoảng 40% diện tích bị ảnh hưởng. Trong đó, các hộ dân bị thiệt hại cao nhất từ 60-70% diện tích. Cò xuất hiện nhiều giai đoạn hiện nay là hiện tượng lạ, chưa từng có”.

Theo ông Trí, loài cò mỏ vàng này xuất hiện để bắt sâu xanh, nhện. Đối với những diện tích bị bệnh đạo ôn, làm cây lúa thấp hơn các xứ đồng bên cạnh thì tỷ lệ thiệt hại càng nặng hơn. Cò bắt loại nhện- vốn là thiên địch của nhiều loài sâu, bướm, châu chấu gây hại lúa nên cơ bản, ngoài gây gãy đổ lúa, còn làm ảnh hưởng năng suất, tốn thêm chi phí phòng trừ sâu bệnh.

Ông Hoàng Công Phong, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ thông tin: “Xã đã báo cáo lên huyện hiện tượng cò về phá lúa. Đến thời điểm hiện nay, địa phương cũng huy động nhân lực cùng bà con trồng lúa dùng nhiều vật dụng để đuổi cò, bảo vệ những diện tích lúa còn lại. Xã cũng khuyến cáo bà con không được đánh bẫy, bắt loại cò mỏ vàng này làm thực phẩm, tránh lây lan dịch bệnh gia cầm”.

HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi công xây nhà cho hộ nghèo ở Quảng Điền

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quảng Điền phối hợp Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế và Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Quảng Phú tổ chức khởi công nhà tình thương cho bà Nguyễn Thị Mong ở thôn Phú Lễ, xã Quảng Phú.

Khởi công xây nhà cho hộ nghèo ở Quảng Điền
Quảng Điền: 85,4% trường đạt chuẩn quốc gia

Ngày 11/4, Trường THCS Nguyễn Hữu Dật (huyện Quảng Điền) tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và chứng nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2.

Quảng Điền 
85,4 trường đạt chuẩn quốc gia
Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận

Sáng 5/4, Huyện ủy Quảng Điền tổ chức hội nghị nhằm tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình số 12 gắn với sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động số 20 của Huyện ủy về tiếp tực thực hiện Nghị quyết số 25 của Trung ương về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.

Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận
Return to top