ClockThứ Hai, 20/11/2017 20:28

Cô Liên

TTH - Mới đầu tháng 11 mà cô con gái học lớp 6 của tôi đã thỏ thẻ: “Mẹ nhớ chở con lên thăm cô Liên mẹ nhé!”. Cô Liên là cô giáo dạy văn và chủ nhiệm con gái tôi năm lớp 4. Trong mắt con gái, cô Liên là cô giáo mà con luôn yêu mến và nhớ đến nhiều nhất…

Con gái tôi chưa hề tỏ ra thích môn văn cho đến năm học lớp 4 được gặp cô Liên. Cách dạy văn nhẹ nhàng, sâu lắng của cô Liên đã khơi gợi thật nhiều cảm xúc và tình yêu với môn văn ở con bé. Các bài tập làm văn của con ngày càng mềm mại và nhiều cảm xúc. Không chỉ dạy văn hay, cô Liên là một giáo viên chủ nhiệm rất tâm lý và hòa đồng với học trò. Cô thường kể những câu chuyện vui và pha trò khiến trò đám học trò nhỏ cười như nắc nẻ. Qua những câu chuyện kể của con, tôi đoán tất cả học sinh trong lớp 4/5 của con gái tôi hồi đó đều quý mến cô, kể cả những bạn nghịch ngợm nhất. Lên lớp 5, dù không được học với cô nữa nhưng nhớ cô, con gái tôi thường rủ vài bạn tìm về lớp 4 thăm cô Liên. Hôm nào đi thăm cô về con gái cũng hớn hở khoe: “Gặp tụi con cô vui lắm, cô còn ôm con nữa đó mẹ!”.

Cũng trong năm học này, con gái được chọn vào đội tuyển của trường đi thi giao lưu Olympic các môn học bậc tiểu học môn tiếng Việt. Biết học trò được vào đội tuyển, cô Liên nói với con gái tôi: “Tối nào rảnh, con nói ba mẹ chở về nhà cô bồi dưỡng thêm cho”. Vậy là tối nào cháu rảnh, tôi chở con về nhà cô học. Vừa soạn bài giảng ngày mai cô vừa ra đề văn và bồi dưỡng thêm cho cho con gái tôi về cách viết văn. Nhờ sự khơi gợi và chỉ dạy của cô Liên cộng thêm tố chất về văn của mình, con gái tôi đã đạt giải A môn tiếng Việt giao lưu Olympic các môn học bậc tiểu học cấp thành phố và rồi giải nhất cấp tỉnh.

Ngày Nhà giáo 20/11, con gái tôi tự tay làm một tấm thiệp nhỏ và viết một bức thư thật dài để gửi tặng cô Liên. Bức thư kể về những tình cảm chân thành của con với người cô mà con yêu quý, người cô mà con coi như mẹ thứ hai, người đã khơi gợi nên tình yêu môn văn trong con… Lúc đi thăm cô về, con kể: “Cô nói cô không cần quà chi mẹ ạ, cô chỉ mong tụi con ngoan là cô vui rồi!”.

Dịp sinh nhật, con xin phép gia đình tôi mời cô Liên đến dự cho bằng được. Ngày hôm sau, đi học về con bé hí hửng như bắt được vàng: “Cô nói cô sẽ đến dự sinh nhật con!”. Tối sinh nhật, trời mưa rất to khiến con bé lo lắng. Vậy mà cô Liên vẫn đến cầm theo món quà là chiếc áo đầm xinh xắn. Con gái tôi vui lắm, chưa có sinh nhật nào con lại vui như thế.

Tự đáy lòng, tôi vô cùng biết ơn cô Liên về tình yêu với môn văn và cả những bài học cuộc sống đầy nhân văn mà cô đã trao cho con gái tôi. Cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp biết bao nếu có thật nhiều những nhà giáo như thế, những nhà giáo vẫn thầm lặng gieo con chữ, gieo những bài học về cuộc sống để các em lớn lên trở thành người sống nhân hậu, có ích. Ngày Nhà giáo đến, tôi viết những dòng này để gửi tặng cô Liên như một lời tri ân. Mong cô luôn mạnh khỏe, luôn giữ trong mình ngọn lửa yêu nghề và mãi là “mặt trời” tỏa những tia nắng ấm áp trong trái tim của những cô cậu học trò nhỏ.

Đỗ Ngọc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cậu học trò năm ấy

Xuân ngẩng đầu lên nhìn tôi rồi ngoảnh mặt đi nơi khác. Nhiều lần tôi cố tình nhìn chăm chăm về phía Xuân để cậu ta không còn “cơ hội” đánh lảng sang hướng khác. Vậy mà dường như đoán biết được lúc nào là có ánh mắt của tôi đưa xuống chỗ ngồi của mình, khi thì cậu cúi mặt xuống, khi thì cậu nhìn mông lung ra cửa sổ, nơi có cây khế sai quả của nhà bác cai trường.

Cậu học trò năm ấy
Học trò “săn” giải quốc tế

Dù mới học tiểu học nhưng nhiều cô, cậu học trò nhí đã làm quen với việc tranh tài ở các sân chơi toán quốc tế, trong đó có nhiều em đoạt huy chương vàng (HCV).

Học trò “săn” giải quốc tế
Cô giáo nhiệt huyết ở vùng biên

Sinh năm 1994, tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ nhưng cô giáo Hồ Thị Dói, người đồng bào Pa Cô, giáo viên Trường mầm non Hương Lâm, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, luôn được đồng nghiệp và học sinh hết lòng yêu mến.

Cô giáo nhiệt huyết ở vùng biên
Mơ về bữa ăn bán trú

Cách đây 1 năm, Trưởng phòng Giáo dục A Lưới Hồ Văn Khởi hào hứng cho biết về đề án xây dựng bếp ăn bán trú ở Trường tiểu học Kim Đồng. Mong muốn, quyết tâm là có, song đến nay, ngoài bậc mầm non, toàn huyện A Lưới vẫn chưa có cơ sở nào tổ chức ăn bán trú cho học sinh.

Mơ về bữa ăn bán trú
Return to top