ClockThứ Sáu, 13/01/2017 05:51

Có một Huế của Đinh Cường

TTH - Dịch giả Bửu Ý, người bạn thân thiết của họa sĩ Đinh Cường từng nói: “Đinh Cường đâu, Huế đó, không gian Huế, con người Huế ám ảnh vào cuộc sống và tranh Đinh Cường rất dữ dội, như định mệnh, không thể khác”. Có lẽ, đó cũng là lý do người họa sĩ tài hoa này để lại niềm tiếc thương khôn nguôi cho Huế, cho bạn bè ở Huế.

Đa tài

Sau 1 năm họa sĩ Đinh Cường (1939-2016) rời cõi tạm, bạn bè, thân hữu, những người yêu mến ông đã ra mắt cuốn sách “Đinh Cường - ra đi mới biết lòng vô hạn” để hoài niệm về người họa sĩ tài danh. Sách được NXB Hội Nhà văn ấn hành, do hai vợ chồng Bửu Nam - Phạm Thị Anh Nga chủ biên, với sự tham gia biên soạn của dịch giả Bửu Ý và nhà thơ Nguyễn Quốc Thái. Cuốn sách dày đến 748 trang với hơn 90 bài viết của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ từ Trịnh Công Sơn, Bùi Giáng, Bửu Ý, Nguyễn Trọng Tạo về thế giới tranh, những hoài niệm, những bức tranh, bài thơ tiêu biểu của Đinh Cường... đã phác thảo gần như toàn vẹn cuộc đời và nghệ thuật của con người góp phần làm rạng danh Huế.

Cuốn sách lấy lời đề từ bằng hai câu thơ rất hay của Đinh Cường: “Ra đi mới biết lòng vô hạn/ Sương có mờ thêm trên sông Hương”. Bìa của cuốn sách chính là bức tranh cuối cùng ông vẽ 3 ngày trước khi mất, với màu xanh biếc u mật gợi bao niềm mơ chưa kịp đặt tên. Như thể đó là lời dặn dò, di nguyện cuối cùng về cái đẹp của người nghệ sĩ gửi lại cõi trần.

“Đinh Cường dưới nhiều góc nhìn” viết về thế giới tranh, thế giới thơ của ông với nhiều lăng kính khác nhau. Nhiều bài viết hoài niệm về họa sĩ Đinh Cường cho thấy ông được bạn bè và người thân yêu mến đến dường nào! Biết bao kỷ niệm được ghi khắc dành cho ông. Chúng còn cho thấy nhiều nét đẹp của con người Đinh Cường với tư cách là một nghệ sĩ và một con người đời thường trong nhiều mối quan hệ, đặc biệt là trong tình bạn. Rõ nét hơn cả là khoảng trống to lớn ông để lại cho bạn bè.

“Thế giới nghệ thuật Đinh Cường” gồm 56 bức tranh tiêu biểu cho các phong cách, tạo nên 6 dòng tranh trong vũ trụ hội họa phong phú đa sắc thái, đa vẻ, đa chiều các gương mặt họa sĩ của ông. Dòng “Tranh xưa” được ông sáng tác từ 24 đến 32 tuổi là những thử nghiệm đa dạng các phong cách. Bút pháp trừu tượng với bức “Trăng qua miền động đất”, bút pháp lập thể pha siêu thực trong “Hoa cắm trên đầu”, bút pháp dã thú trong “Đồng nhập”, bút pháp hồn nhiên trong “Ngựa vằn Đà Lạt”, bút pháp hậu ấn tượng pha lẫn biểu hiện trong “Chiều tan”... Năm dòng tranh còn lại được sáng tạo trong thời kỳ "chín muồi và xế chiều”, nhất là khi ông đã định cư ở Hoa Kỳ. Tranh trừu tượng phần đông là phi thể, vô thể hoặc bán hình thể với những gam màu khác nhau, cách thể hiện khác nhau, mang các thông điệp đa dạng. Nếu tranh thiếu nữ là dòng tranh mang đặc hiệu độc đáo của Đinh Cường có đến hàng trăm bức thì tranh Phật, Thiền là dòng tranh tâm linh mới lạ ở tuổi xế bóng của ông.

Không chỉ là họa sĩ, Đinh Cường còn là một thi sĩ. Thơ Đinh Cường thiên về trữ tình đời tư, nhiều cảm xúc chân thật, nhiều hình ảnh thi tính, có chất nhạc lẫn chất họa. Trong đó, một kiểu thơ đặc biệt của Đinh Cường là kiểu “thơ nhật ký” với lối viết gợi nhiều kỷ niệm và cách diễn đạt hồn nhiên, chân thật, thoải mái, mở lối cho “dòng thơ nhật ký” sau này của các nhà thơ khác. 

Nhà thơ Bửu Nam, chủ biên cuốn sách, chia sẻ: “Cuốn sách “Đinh Cường - ra đi mới biết lòng vô hạn” được ấn hành để tỏ lòng tiếc thương người họa sĩ tài hoa và tài danh. Đó là sự kết tinh của tình bạn, lòng yêu mến và sự trân trọng của những người thực hiện, cũng như của nhiều bạn bè, đồng nghiệp, người thân đối với người họa sĩ, thi sĩ hết sức say mê sáng tạo. Thực hiện cuốn sách này, chúng tôi muốn ôn lại một cách tinh gọn và tiêu biểu di sản về nghệ thuật sáng tạo của Đinh Cường. Đây còn là lời hứa của những người thực hiện với họa sĩ lúc sinh thời”.

Làm rạng danh Huế

Họa sĩ Đinh Cường sinh ra tại Thủ Dầu Một (Bình Dương). Ông từng sống ở Huế, Đà Lạt, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và cuối đời ở Mỹ, nhưng lại gắn bó với Huế nhiều nhất. Dịch giả Bửu Ý cho biết: “Đinh Cường sinh ra ở Thủ Dầu Một nhưng rõ ràng cả tâm trí anh dành cho Huế. Anh làm thơ rất sớm, trình bày và vẽ bìa sách rất đẹp. Tranh của anh dù vẽ dòng nào đi nữa đều có chất lãng mạn bên trong, hoặc lộ rõ, hoặc lung linh. Cái lãng mạn của anh không phải chỉ biểu lộ ở nét mặt con người, lãng mạn luôn ở trong từng tia nắng, bức thành quách...”.

Đinh Cường là người mà tên tuổi và tài năng đã được khẳng định trong nước, ở hải ngoại và cũng đã được biết tiếng trên thế giới. Tên tuổi ông góp phần làm rạng danh Huế, tác phẩm của ông chu du khắp thế giới, với những nét mềm mại, tinh tế, thanh tao rất riêng. Trong hành trình sáng tạo hơn 50 năm, ông đã để lại một sự nghiệp hội họa lẫn văn chương phong phú, với hàng ngàn bức tranh lớn nhỏ, hàng ngàn bài thơ, đoạn ghi, tùy bút, tiểu luận hội họa... Sinh thời, ông từng nói: “Nghệ thuật là đời sống riêng biệt, hiếm hoi. Tôi đã vẽ trong mọi hoàn cảnh, nơi chốn, không biết để làm gì. Có lúc gần như tuyệt vọng, đôi khi thấy mình như được cứu rỗi. Và tôi lại tiếp tục vẽ, tiếp tục chiêm nghiệm”.

Hơn 50 cuộc triển lãm tranh trong cuộc đời nghệ thuật là điều mà không phải họa sĩ nào cũng làm được. Hầu như tất cả tranh của ông đều được giới thưởng ngoạn và sưu tập tranh nhau chào đón. Tranh ông cũng được một số viện bảo tàng hội họa có tiếng sưu tập. Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương cho rằng: “Suốt cuộc đời, họa sĩ Đinh Cường đã vẽ tranh với sự xúc động tận cùng, khiến người xem bị cuốn hút lạ lùng và có cảm giác ngập chìm trong hạnh phúc bởi được cảm nhận mơ hồ từ phần sâu thẳm ở phía sau bức tranh”.

Trong ký ức của bạn bè, Đinh Cường là một con người hết sức khiêm tốn, nhã nhặn, đôn hậu, lịch thiệp, tinh tế, quảng giao. Ông sống chân tình, hết lòng với bạn bè nên nhiều người anh em quý mến. Về phương diện sáng tạo, ông luôn miệt mài, dẻo dai, hăng say, có niềm đam mê cháy bỏng với hội họa và văn chương. Ông cũng là tấm gương sáng tạo bền bỉ, dẫu chống chọi với ốm đau, bệnh tật nhưng trong 3 năm cuối đời ông vẽ rất nhiều tranh.

Sau khi phát hành sách và trang trải các chi phí in ấn, xuất bản, toàn bộ số tiền thu được sẽ được sử dụng để làm quỹ “Tặng thưởng Đinh Cường”, nhằm trao các giải thưởng cho những tài năng họa sĩ trẻ ở miền Trung và Tây Nguyên - Dịch giả Bửu Ý.

Trang Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp:
Điểm danh 3 không gian làm việc lý tưởng tại The Sentry

Sau 4 năm thành lập, The Sentry hiện nay với 3 cơ sở hướng đến phát triển một cộng đồng dành riêng cho các nhà sáng tạo và doanh nhân công nghệ, đồng thời thu hút các nhân tài thế hệ trẻ của nước nhà.

Điểm danh 3 không gian làm việc lý tưởng tại The Sentry
Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Return to top