ClockChủ Nhật, 08/01/2017 13:14

Có một “Huế” ở miệt bưng biền

TTH - Nhìn nét vẽ lúc mềm như lụa, lúc nhanh gọn và dứt khoát như đòn quật Hane Makikomi trong Nhu đạo, đằng sau sự gân guốc, góc cạnh của vị võ sư người Huế nổi tiếng là một cây bút đa dạng với 10 năm làm tổng biên tập tờ báo thể thao theo nguyên tắc tự thu - tự chi...

Võ kiểu Huế

Năm nay võ sư Lê Thanh Vĩnh đã bước qua tuổi 70, nhưng người con của đất Thuận An (Phú Vang - Huế) vẫn miệt mài trên thảm tập. Với phẩm “lục đẳng”, ông được xem là một trong những người có “đai” Judo cao ở Việt Nam, cũng như sở hữu nghiệp võ khó ai bì kịp: “Vừa là tuyển thủ quốc gia, vừa là HLV quốc gia với thành tích kỷ lục mang về 13 huy chương Đông Nam Á ngay năm đầu huấn luyện đội tuyển Judo quốc gia”.

Võ sư Lê Thanh Vĩnh trong một lần huấn luyện cô gái vàng Judo khu vực Nguyễn Thị Như Ý

Tuy nhiên, con đường đến với nghiệp võ của võ sư Lê Thanh Vĩnh lại rất... Huế. Bởi nếu không có tố chất kiên trì, say mê và tinh thần quyết thắng của đất “Thần Kinh” chắc hẳn, ông sẽ không thể gắn bó với võ, bởi như ông nhiều lần thổ lộ: “Tôi đến với Judo từ  một... tình cờ”.

Chuyện bắt đầu vào năm 1963, chàng trai 18 tuổi xứ Huế khăn gói vào Sài Gòn lập nghiệp. Rồi như duyên số, năm 1964, có một nhà sư lập Viện Nhu đạo gần ngay nơi ông ở trọ. Lê Thanh Vĩnh đăng ký học vì tò mò, nhưng không ngờ đó là giờ phút bắt đầu cho hành trình gắn với nghiệp võ đến trọn đời của ông...

Sau 2 năm mày mò, khổ luyện, ông bước đầu tìm thấy cho mình hướng đi mới và quyết định về Bình Dương mở võ đường để truyền đạt lại những điều tâm đắc. Khi đất nước thống nhất, người con xứ Huế lại nặng nghĩa phu thê nên về quê vợ ở Đồng Tháp làm đủ thứ nghề mưu sinh. Nhưng dù là giăng câu, bắt ốc, hay tưới rẫy, trồng cây... ông vẫn bền lòng với Judo. Hằng đêm, ông chong đèn dầu đọc, nghiên cứu và viết những điều tâm huyết về môn võ cổ truyền của đất nước Phù Tang. Vì vậy năm 1984, khi ngành thể thao Đồng Tháp cần HLV Judo, ông là người đầu tiên và duy nhất đáp ứng được nhu cầu khai sinh và xốc dậy phong trào Judo từ con số không.

Ông Sáu Thành (tức Phạm Ngọc Thành), giám đốc Sở TDTT Đồng Tháp lúc bấy giờ nhớ lại: “Lúc đó chỉ có căn phòng rộng 80m2 trong sân vận động thị xã Sa Đéc, nhiều người đến thử việc, thấy phòng trống rỗng đã từ chối khéo, nhưng khi anh Vĩnh đến thì nói ngay: Anh cấp cho tôi trấu và tấm bạt...”. Hì hục trải trấu ra nền rồi tẩn mẩn che bạt lên trên, người con đất Huế khai sinh phòng luyện tập Judo đầu tiên của Đồng Tháp. Nhưng từ căn phòng đơn sơ này, Lê Thanh Vĩnh đã làm chấn động giới Judo cả nước khi đưa 2 học trò “chân đất” là Kiều Hạnh và Ngọc Hùng đoạt HCV tại giải vô địch trẻ toàn quốc tổ chức tại Cần Thơ (1998). Hai năm sau, ông tiếp tục đưa Đồng Tháp trở thành “hiện tượng” tại cúp CLB Judo mạnh toàn quốc lần I tổ chức ở Bình Thuận khi đứng nhất toàn đoàn.

Nhưng ấn tượng nhất là việc ông đưa Judo Việt Nam lên tầm khu vực khi mang về cho Tổ quốc 6 HCV, 1 HCB, 6 HCĐ ngay trong lần đầu làm HLV trưởng tuyển quốc gia dự SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam. Mà trước đó, bằng cặp mắt tinh tường, ông đã phát hiện và biến một vận động viên từ chỗ tưởng chừng như “bỏ đi” trở thành cô gái vàng của Judo khu vực.

Sau thời gian dài gắn bó với môn ném đẩy (điền kinh) của tỉnh mà không phát huy được thế mạnh, Nguyễn Thị Như Ý phải giã từ nghiệp VĐV. Thời điểm ấy, phát hiện tố chất Judo tiềm tàng ở Như Ý cũng như biết gia cảnh khó khăn của em, ông Vĩnh đã ra tay nghĩa hiệp một cách đầy chất... Huế: Không chỉ bỏ tiền túi cho Như Ý bồi dưỡng và tặng luôn chiếc xe đạp để Như Ý làm chân đi tập judo, ông Vĩnh còn đưa ra quyết định chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Judo: “Áp dụng giáo án “đốt cháy giai đoạn”. “Thấy Như Ý hội tụ đủ các yếu tố tự nhiên, tôi quyết định bỏ qua các bước căn bản, đi thẳng vào các đòn biến thế...”, ông Vĩnh nhớ lại quyết định táo bạo của mình.

Và thực tế cho thấy, người đàn ông xứ Huế đã đúng khi chưa đầy 1 năm làm quen Judo, Như Ý đã giành HCĐ hạng 63kg nữ giải VĐQG tổ chức tại Cần Thơ, mở đầu cho chiến tích vang dội sau này: “Chủ nhân của 5 chiếc huy chương trong 5 lần tham dự SEA Games (23-28)”.

“Huế” cả văn...

Không như phần đông người chơi thể thao, nhất là người luyện võ... rất ngại cầm bút theo hàm nghĩa viết lách, sáng tác chuyên nghiệp... vị võ sư xứ Huế - Lê Thanh Vĩnh có văn nghiệp rất sớm và đa dạng mà có lẽ trước và sau ông nhiều năm cũng khó tìm được người thứ 2.

Thư pháp của Võ sư Lê Thanh Vĩnh

Chưa đầy 3 năm sau khi làm quen với Judo, ở tuổi 21 ông đã cho xuất bản tác phẩm “Judo – Phương pháp ôn đòn” (NXB Đời Mới- 1966). Nhưng đó không phải là cú ăn may hay phút ngẫu hứng, bởi sau đó, ông còn tự tay viết và vẽ minh họa hàng chục tác phẩm võ thuật khác, như: “Judo – Liên phản đòn”, “Căn bản Judo”, “Judo - Kỹ thuật thi lên đai đen từ 1 đến 4 đẳng”, “Biến thế Judo”... Thậm chí ở tuổi 70, ông vừa hoàn thành tác phẩm “Judo thành tích cao”. Ngay khi còn ở dạng bản thảo, quyển sách này đã được ThS Lý Đại Nghĩa, Tổng thư ký Liên đoàn Judo Đông Nam Á đánh giá đây là tài liệu quý, giúp cho HLV, VĐV cấp cao và các môn sinh luyện tập Judo”.

Ngoài ra, điều khiến nhiều người cầm bút chuyên nghiệp bái phục là vị võ sư này không chỉ viết báo mà còn làm song song cùng lúc nhiều thể loại báo chí và ở thể loại nào ông cũng tạo được sức hút đặc biệt ở bạn đọc.

Nói rặc giọng Huế, nhưng khi phụ trách mục “Bình luận bóng đá” trên kênh truyền hình của Đài PTTH Đồng Tháp, ông Vĩnh lại được nhiều khán giả mến mộ bởi lối diễn đạt giàu hình tượng, gần gũi với người miền Tây. “Tuần nào cũng có thư bạn xem đài gởi đến xin “kết nghĩa”, có tuần thư lên đến cả bao tải, tôi phải nhờ môn sinh Judo phụ trách việc xem thư và “điểm tin”… để tôi kịp trả lời”, ông Vĩnh nheo mắt cười, một nụ cười Huế.

Và cũng chính nhờ cái chất Huế mà ông đã “cả gan” đứng ra xin lập báo “Bóng đá Đồng Tháp”, trước là tăng “tiếng nói” cho bóng đá Đồng Tháp trên diễn đàn báo chí, sau là tìm thêm nguồn thu cho cơ quan (Sở TDTT Đồng Tháp). Ông Phạm Ngọc Thành nhớ lại: “Khi nghe anh Vĩnh đến trình bày nguyện vọng muốn thành lập tờ báo mà không cần xin bất cứ cái gì, tôi lấy làm lạ, nhưng vì biết tính người đàn ông Huế này hễ nói là làm và làm cho kỳ được nên tôi tin”. Thế là tòa soạn không sử dụng tiền bạc, trụ sở từ ngân sách nhà nước ra đời ngay thời điểm bao cấp. Có thể nói đó là cuộc khai sinh đậm chất... Huế, nhưng việc nuôi dưỡng tờ báo lại càng thể hiện rõ chất Huế hơn, theo ngữ nghĩa có duyên “ngoại giao”.

Bằng cái duyên ngoại giao, ông Vĩnh đã tiếp cận và được nhóm các cây bút thể thao “đình đám” lúc bấy giờ, như: Hồ Nguyễn, Minh Hùng, Quang Tuyến… nhiệt tình ủng hộ. Thậm chí nhà báo Hồ Nguyễn còn dùng nhà riêng của mình làm điểm nhận bài vở cộng tác và tổ chức biên tập, trình bày cho ông Vĩnh. Và tuy chỉ phát hành khoảng 15-20 ngàn tờ/kỳ, nhưng tờ báo vẫn có lãi để Công đoàn cơ quan Sở TDTT Đồng Tháp bấy giờ có nguồn hỗ trợ thêm cho nhân viên toàn cơ quan. Tiếc là sau khi sáp nhập 2 ngành thể thao, văn hóa, tờ báo này chỉ “hưởng dương” được 10 năm.

Báo “chết”, người cũng hết tuổi lao động, nhưng ông Vĩnh vẫn không chấp nhận ngừng bút. Thậm chí có đồng nghiệp còn ví von ông Vĩnh gắn bó với nghiệp viết như là “đạo”, mà sự kiện ra đời của tác phẩm “66 năm bóng đá Đồng Tháp (1944-2010) là minh chứng cũng như được đánh giá như “kho tư liệu cho người hâm mộ, người làm công tác quản lý và những người làm báo thể thao” (lời ông Phạm Ngọc Thành, nguyên GĐ Sở TDTT Đồng Tháp).

Vài năm gần đây, nhiều người còn biết đến ông qua khả năng “cầm cọ” với năng lực mới: Vẽ tranh và thư pháp. Và khi đề cập đến việc lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp thường xuyên đặt hàng ông để làm quà biếu cao cấp, ông Vĩnh chỉ nhỏ nhẹ cười hiền: “À, đầu tiên mình từ Huế vào Sài Gòn để học hội họa nên có biết đôi chút...”.

Vậy đó, ngay cả khi đứng trên cao của thành công, ông vẫn luôn nép mình, khiêm cung đầy chất Huế. “Huế” cả văn lẫn võ.

Bài, ảnh: LỤC TÙNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024

Hội sách Alpha Books Huế 2024 do Công ty Cổ phần sách Alpha tổ chức vừa khai mạc phục vụ mọi người vào sáng 27/3 tại Vincom Plaza Huế (ngã 6 trung tâm TP. Huế) với đa dạng các đầu sách đến từ nhiều NXB, mức chiết khấu cao.

Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024
Bắn cung Huế đặt mục tiêu giành 1 HCV

Tại giải Vô địch Cung thủ xuất sắc Quốc gia năm 2024 được tổ chức ở sân nhà, bắn cung Huế đặt mục tiêu giành 1 HCV. Mục tiêu này được kỳ vọng vào cung thủ Nguyễn Thị Thanh Nhi.

Bắn cung Huế đặt mục tiêu giành 1 HCV
Huế yên bình

Nhiều du khách chọn Huế là địa điểm du lịch lý tưởng khi muốn tìm kiếm một chút chữa lành nào đó. Cảnh đẹp nên thơ, với vô vàn địa điểm hấp dẫn của vùng đất Cố đô sẽ giúp du khách tìm thấy sự yên bình thật sự.

Huế yên bình
Giao lưu Văn học Nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh

Sáng 21/3, tại Nhà khách Quốc hội (Hà Nội) diễn ra hội thảo “Văn học Nghệ thuật (VHNT) Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh sau ngày đất nước thống nhất: Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động giao lưu văn hoá nghệ thuật do Liên hiệp các Hội VHNT của ba địa phương tổ chức.

Giao lưu Văn học Nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh
Return to top