ClockThứ Sáu, 22/12/2017 13:18

Có nên bỏ miễn học phí cho sinh viên Sư phạm?

Bên cạnh ý kiến nên bỏ miễn học phí cho sinh viên Sư phạm, nhiều giảng viên, chuyên gia giáo dục cho nếu bỏ sẽ có những hạn chế nhất định.

Gần 1.100 tân sinh viên Trường ĐH Sư phạm bước vào năm học mớiĐiểm chuẩn vào Sư phạm thấp: Các trường đang tuyển sinh bằng mọi giá?Khảo sát chính thức phục vụ đánh giá ngoài Trường ĐH Sư phạmTrường đại học Sư phạm Huế: Giảm lượng, nâng chấtSẽ rà soát, sắp xếp lại hệ thống các trường Sư phạm

Tại hội nghị tham vấn ý kiến chuyên gia về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục ĐH do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội tổ chức mới đây, PGS.TS Nguyễn Trường Giang, Bộ Tài chính có đề xuất chỉ miễn học phí đối với sinh viên sư phạm làm đúng nghề.

Việc có nên bỏ miễn học phí cho sinh viên sư phạm đang gây ra tranh luận trái chiều. Ảnh minh họa

Bởi thực tế chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm lâu nay vẫn chưa đạt được mục tiêu. Bất cập nảy sinh một phần vì sau tốt nghiệp, Nhà nước không sắp xếp, điều động được việc làm cho sinh viên.

Sinh viên không kiếm được việc làm trong các cơ sở giáo dục đào tạo dẫn đến lãng phí nguồn lực ngân sách nhà nước.

Trước bất cập trên, ông Trường Giang đưa ra giải pháp, sinh viên sư phạm ra trường nhưng không được đứng trong ngành sư phạm thì học phí miễn giảm gần như là sử dụng không đúng mục đích. Thay vì miễn giảm có thể cấp tín dụng sinh viên để trang trải học phí thì sau khi tốt nghiệp nếu sinh viên công tác trong lĩnh vực sư phạm đáp ứng đủ điều kiện, thời gian theo quy định thì sẽ được miễn hoàn trả phần vay. Nếu các em không công tác thì phải bồi hoàn cho Nhà nước.

Đề xuất trên của đại diện Bộ Tài chính đã khiến có nhiều ý kiến khác nhau về việc có nên bỏ miễn học phí cho sinh viên sư phạm hay không.

Có thể để sinh viên đóng một phần học phí rất nhỏ

Theo bà Lê Thị Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục chính trị (ĐH Sư phạm Huế), ở ĐH Sư phạm Huế, số lượng sinh viên dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn chiếm số lượng khá lớn (70-80% số sinh viên). Nhiều em chọn lựa ngành Sư phạm vì được miễn giảm học phí, được cấp học bổng và hy vọng sau khi tốt nghiệp sẽ ở lại địa phương làm việc.

Với chính sách miễn giảm học phí, nhà trường đã thu hút học sinh có học lực khá giỏi vào trường. Năm 2015, số lượng sinh viên tốt nghiệp ĐH Sư phạm Huế có việc làm là trên 80% (trong đó có hơn 60% sinh viên tốt nghiệp làm đúng ngành nghề).

Với lý do trên, bà Thu Hương không đồng ý với việc bỏ miễn học phí với sinh viên sư phạm. Còn nếu Chính phủ yêu cầu sinh viên sư phạm phải đóng học phí thì nên để các em đóng một phần rất nhỏ.

Ông Phan Huy Dũng, giảng viên khoa Sư phạm Ngữ văn, ĐH Vinh

Còn ông Phan Huy Dũng, giảng viên khoa Sư phạm Ngữ văn, ĐH Vinh cho rằng, năm nay, số lượng sinh viên đăng ký vào trường sư phạm giảm mạnh, có trường phải công bố lấy lấy 9 điểm/3 môn thi. Với chính sách miễn học phí như hiện nay, nhiều trường đã phải lấy điểm thấp như vậy. Còn nếu bây giờ bỏ miễn học phí ngành sư phạm thì có thể sẽ dẫn tới việc người dân không quan tâm, tôn trọng nghề giáo nữa.

Theo ông Phan Huy Dũng, giảng viên khoa Sư phạm Ngữ văn, ĐH Vinh, để thu hút sinh viên giỏi vào ngành Sư phạm, ngành Giáo dục cần đẩy mạnh việc đề xuất Chính phủ tăng lương, tạo điều kiện làm việc cho giáo viên. Việc quy hoạch các trường sư phạm cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Bỏ miễn học phí phải gắn với tăng lương và tạo việc làm cho sinh viên

Trái ngược những ý kiến giữ nguyên miễn học phí cho sinh viên sư phạm, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, hiện nay, số lượng các trường đào tạo giáo viên khá lớn (bao gồm cả ĐH và CĐ). Thế nhưng, chất lượng đào tạo của nhiều trường không được như yêu cầu. Vì vậy, Chính phủ nên thực hiện bỏ miễn học phí cho sinh viên sư phạm.

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội

Tuy nhiên, song song với việc bỏ miễn học phí thì ngành Giáo dục nên nghiên cứu để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm và tốt nghiệp là có việc làm; đề xuất với Chính phủ nâng cao đời sống của giáo viên bằng cách tăng lương.

Để sinh viên sư phạm tốt nghiệp có việc làm, theo PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, các trường sư phạm cần có sự liên kết mạnh mẽ với cơ quan quản lý giáo dục, các trường học, địa phương để xác định quy hoạch cần bao nhiêu giáo viên trong tương lai để có định hướng tuyển sinh, đào tạo cho phù hợp với nhu cầu của xã hội.

Trong khi ngân sách Nhà nước còn có hạn, việc tăng lương cho giáo viên có thể không thực hiện đồng loạt mà có thể nâng lên ở một số khu vực, địa phương. Trước tiên, chưa nên tăng lương cho giáo viên ở các tỉnh, thành phố lớn có điều kiện kinh tế phát triển, đời sống giáo viên không đến nỗi quá khó khăn.

Việc tăng lương cho giáo viên nên được áp dụng thí điểm ở những địa phương, vùng miền có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gần 1.000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

Ngày 28/3, tại hội trường của Trường đại học Luật, Đại học Huế, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức phiên tòa lưu động xét xử phúc thẩm hai vụ án hình sự về tội danh “Trộm cắp tài sản” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” dưới sự tham dự của gần 1.000 sinh viên của trường.

Gần 1 000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động
Đặt mục tiêu có được học bổng

Nhiều sinh viên đặt mục tiêu học tập, rèn luyện thật tốt để có thể nhận học bổng, đó là cách để các em phụ giúp gia đình.

Đặt mục tiêu có được học bổng
Return to top