ClockThứ Năm, 20/04/2017 13:56

Có tay nghề, có thu nhập

TTH - Xác định dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập không những giúp phụ nữ ổn định cuộc sống mà còn từng bước khẳng định vị thế trong gia đình và ngoài xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã quan tâm đến công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nữ trên địa bàn.

Cấp dưỡng là một trong những nghề đòi hỏi phải có chứng chỉ. Ảnh: Võ Nhân

Ổn định cuộc sống nhờ học nghề

Không có tay nghề cao, chị Thái Thị Gấm, xã viên Hợp tác xã (HTX) mây tre đan Bao La, xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền) chỉ làm được những sản phẩm đơn giản như rổ, rá, giần sàng, ngày công được trả với giá thấp. Từ khi được tham gia lớp học nâng cao tay nghề do Trung tâm Giới thiệu việc làm và dạy nghề của Hội LHPN tỉnh phối hợp với HTX mây tre đan Bao La tổ chức, tay nghề của chị được nâng lên rõ rệt. Chị đã tự tay làm được những sản phẩm mỹ nghệ đòi hỏi độ tinh xảo cao như: đèn ngủ, đèn lồng các loại, giỏ đựng trái cây, lồng bàn, hoa sen trang trí…, nhờ đó thu nhập của chị từ 1,5 triệu đồng đã lên hơn 2,5 triệu đồng/tháng. Đó cũng là niềm vui của gần 30 xã viên HTX mây tre đan Bao La khi được tham gia lớp học nâng cao tay nghề này.

Chị Phạm Thị Nguyệt trước đây làm công nhân nhà máy in, thường xuyên làm đêm, khi lập gia đình, có con nhỏ chị đành xin nghỉ. Khi được giới thiệu về lớp dạy nấu ăn của Trung tâm Giới thiệu việc làm và dạy nghề Hội LHPN tỉnh, chị đã đăng ký theo học. Học xong, chị xin vào làm cấp dưỡng tại Trường mầm non Vỹ Dạ, TP. Huế. Chị Nguyệt kể: “Cùng xin vào làm làm cấp dưỡng tại trường mầm non có 3 người, nhưng chỉ mỗi tôi có chứng chỉ học nghề nên được nhận vào làm”.

Cũng nhờ được học nghề, chị Đỗ Thị Thanh Châu, phường Thủy Châu (TX. Hương Thủy) đã có cuộc sống ổn định, với mức lương gần 5 triệu đồng/tháng tại Công ty TNHH MVS khu công nghiệp Phú Bài. Chị Châu nhớ lại: “Cách đây 4 năm, không thi đỗ đại học nên tôi định theo bạn bè vào Nam làm thuê, nhưng có người giới thiệu lớp học may công nghiệp của Trung tâm Giới thiệu việc làm của Hội LHPN tỉnh, tôi quyết định đăng ký ngay”. Sau khóa học, chị Châu được giới thiệu vào làm việc ở Công ty TNHH MVS. “Chúng tôi làm ở đây ngoài lương thì mọi quyền lợi của người lao động đều được thực hiện đầy đủ. So với một số bạn học đại học ra trường chưa xin được việc làm, tôi thấy mình đã lựa chọn đúng”, chị Châu phấn khởi.

Để chị em không phải xa gia đình mà vẫn có việc làm thêm, nâng cao thu nhập, Hội phụ nữ các cấp đã tư vấn để nhiều chị tham gia các lớp làm những sản phẩm của nghề truyền thống phù hợp với đặc điểm của địa phương như: nghề mây tre đan, làm chổi đót, làm nón lá... Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh đã “tiếp sức”, hỗ trợ xây dựng 8 mô hình sản xuất kinh doanh thực phẩm sạch an toàn, thân thiện với môi trường nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh thị trường, đồng thời hội cũng làm đầu mối kết nối, liên kết các mô hình với nhau để giới thiệu và bao tiêu sản phẩm. Chị Huỳnh Thị Kiều, Chủ tịch Hội LHPN xã Quảng Thành (huyện Quảng Thành) cho biết: “Trước đây, các chị ở thôn Thành Trung đã trồng rau sạch nhưng còn mang tính tự phát, manh mún nên đầu ra không ổn định. Gần đây, được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ thêm vốn, các chị đã đầu tư làm nhà lưới theo đúng quy trình sản xuất rau an toàn nên đã có một vài cơ sở kinh doanh rau sạch tin tưởng đặt vấn đề giúp tiêu thụ sản phẩm lâu dài”.

Dạy nghề theo nhu cầu thị trường

Để có thêm nhiều hội viên được học nghề, có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, Hội LHPN tỉnh rất nỗ lực trong việc huy động mọi nguồn lực hỗ trợ cho phụ nữ nghèo, phụ nữ nông thôn, vùng dân tộc thiểu số tiếp cận vốn vay, kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm. Các CLB doanh nghiệp nữ được tập huấn về khởi sự doanh nghiệp, tiếp cận thị trường, đăng ký thương hiệu, văn hóa kinh doanh. Qua đó, hàng chục ngàn hội viên phụ nữ đã được học nghề giới thiệu việc làm và tiếp cận các nguồn vốn vay.

Hiện nay, Hội LHPN tỉnh đang tranh thủ sự tài trợ của dự án “Sáng kiến và phát triển địa phương thích ứng với biến đổi khí hậu” của Luxembourg nhằm tiến hành khảo sát nhu cầu việc làm của hội viên thuộc các huyện bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển để đề xuất các phương án hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi ngành nghề phù hợp.

Theo bà Đỗ Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm của Hội LHPN tỉnh, thời gian tới, hội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về học nghề và việc làm cho phụ nữ; tăng cường sự tham gia của các cấp hội cơ sở trong việc nắm bắt kịp thời các nhu cầu học nghề và việc làm của chị em; mở rộng đào tạo các ngành nghề mới vừa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động vừa phù hợp với thế mạnh riêng của lao động nữ; tổ chức đào tạo nghề lưu động ở các vùng sâu, vùng xa để những chị em không có điều kiện về trung tâm vẫn được học nghề. Bên cạnh đó, hội sẽ tăng cường liên kết với các đơn vị có nhu cầu tuyển lao động, có mức lương, chế độ ưu đãi phù hợp để giới thiệu việc làm cho các học viên.

Tuấn Khoa

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mỹ đầu tư 20 tỷ USD vào năng lượng sạch ở các cộng đồng thu nhập thấp

Theo tin từ Nhà Trắng, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và lãnh đạo Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) Michael Regan vừa công bố 8 tổ chức sẽ giám sát việc đầu tư 20 tỷ USD để tài trợ cho hàng chục nghìn dự án năng lượng sạch và giao thông vận tải tại các cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn trên khắp nước Mỹ.

Mỹ đầu tư 20 tỷ USD vào năng lượng sạch ở các cộng đồng thu nhập thấp
Những nông dân thu nhập tiền tỷ

Thông qua phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều điển hình nông dân thu nhập tiền tỷ.

Những nông dân thu nhập tiền tỷ
UNCTAD kêu gọi hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các nước thu nhập trung bình

Phát biểu tại hội nghị cấp cao vừa được tổ chức ở Maroc, Phó Tổng thư ký Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) Pedro Manuel Moreno cho biết, các nước thu nhập trung bình đang phải vật lộn với những thách thức nghiêm trọng và thiếu sự hỗ trợ cần thiết, đặc biệt là trong việc tiếp cận tài chính.

UNCTAD kêu gọi hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các nước thu nhập trung bình
Thu nhập khá từ vườn ao chuồng

Không ngại khó, ngại khổ, bằng đôi tay của mình, chị Trương Thị Bé (sinh năm 1973) hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Phong Sơn, huyện Phong Điền đã quyết tâm vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên đất quê hương. Sau một thời gian gầy dựng, đến nay, mô hình vườn, ao, chuồng (VAC) của chị Bé đã cho thu “quả ngọt”, với thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Chị cũng là điển hình hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi tại địa phương.

Thu nhập khá từ vườn ao chuồng
Return to top