ClockThứ Năm, 04/05/2017 13:49

“Cơ thể con là của con”

TTH - “Ngày càng nhiều các vụ việc về xâm hại tình dục trẻ em xảy ra trên cả nước nhưng nhiều phụ huynh vẫn luôn ngại ngùng khi nhắc tới vấn đề giới tính với con cái, khiến chủ đề giới tính và xâm hại tình dục như một “tảng băng chìm” với các em”. Hồ Nguyễn Bảo Nhi, sinh viên lớp Sư phạm văn 3, Trưởng dự án “Cơ thể con là của con” cho biết về lý do ra đời của dự án.

Trẻ em tham gia trò chơi tương tác “vương quốc con cũng có vùng cấm”

Lời cảnh tỉnh

Tại triển lãm tranh “Vương quốc con cũng có vùng cấm” - sự kiện ra mắt đầu tiên của dự án “Cơ thể con là của con” với chủ đề xâm hại tình dục ở trẻ em được tổ chức vào đầu tháng 4/2017, rất nhiều phụ huynh cùng con nhỏ, các học sinh, sinh viên đã đến tham quan và thu nhận cho mình nhiều kiến thức bổ ích về kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục.

Được phát động tháng 3/2017, cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Vương quốc con cũng có vùng cấm” thu hút nhiều em nhỏ ở độ tuổi từ 3 đến 15 trên toàn quốc gửi bài dự thi. 20 bức tranh xuất sắc nhất trong số đó đã được tuyển chọn để trưng bày tại triển lãm. Các bức tranh không chỉ thể hiện được góc nhìn của các em về giới tính, quá trình khám phá cơ thể của chính mình mà còn là lời cảnh tỉnh dành cho phụ huynh về vấn nạn xâm hại tình dục. Từ đó, gửi đến một thông điệp chung về tầm quan trọng của giáo dục giới tính trong quá trình xây dựng môi trường phát triển an toàn, lành mạnh cho trẻ em.

Khi đến với triển lãm, các phụ huynh và con mình còn được tham gia vào một chuỗi các trò chơi tương tác thú vị, mang tính giáo dục và giúp nâng cao nhận thức về xâm hại tình dục. Đó là trò chơi “vương quốc con cũng có vùng cấm” -  gọi tên các vùng riêng tư và vùng thân thiện trên cơ thể, trò chơi “buồng kín” - nơi mẹ cùng con có thể trò chuyện cởi mở về giới tính và xâm hại tình dục qua những câu hỏi gần gũi: Con sinh ra bằng cách nào? Những ai ôm con mà con cảm thấy không an toàn? Nơi nào là nơi không được ai đụng chạm vào? Con có nghĩ mình đang sống trong một môi trường an toàn không? Đâu là vùng kín của con?...

Dự án “Cơ thể con là của con” ra đời trong khuôn khổ của cuộc thi “Tìm kiếm sáng kiến truyền thông phòng, chống các hình thức bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em”, dưới sự bảo trợ của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cùng các đơn vị tài trợ: Đại sứ quán Hà Lan, Đại sứ quán Canada, Văn phòng Liên hiệp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC), Câu lạc bộ Phụ nữ Quốc tế Hà Nội (HIWC).

Với mục tiêu mang lại cho trẻ em một môi trường thật sự an toàn và lành mạnh để giữ được tiếng cười hồn nhiên trên môi cũng như bảo vệ trẻ em khỏi vấn nạn xâm hại tình dục, dự án “Cơ thể con là của con” của nhóm Thần Đèn do Hồ Nguyễn Bảo Nhi làm trưởng dự án đã xuất sắc giành chiến thắng trong cuộc thi và trở thành 1 trong 5 dự án trong cả nước được nhận tài trợ toàn phần từ Ban tổ chức.

Bước ra từ trò chơi “buồng kín”, chị Hoàng Phương, phụ huynh em Phương A, học sinh Trường tiểu học Lê Lợi, chia sẻ: “Lâu nay mình rất muốn đề cập đến vấn đề giới tính và dạy cháu cách phòng, tránh bị xâm hại nhưng thực sự là rất khó nói. Mình cứ phân vân mãi nói làm sao cho phù hợp và để cháu cảm thấy dễ hiểu. Với trò chơi tương tác này, mẹ con mình có thể trò chuyện một cách dễ dàng hơn rất nhiều về chủ đề này. Qua đó, cháu hiểu về cơ thể mình và thu nhận được rất nhiều kỹ năng phòng tránh bị xâm hại”.

“Nhiều cha mẹ rất thích và dẫn cả con, cháu đến tham quan và hứa sẽ tiếp tục theo dõi chương trình của dự án để giáo dục cho con. Cha mẹ khi giáo dục cho con về giới tính nên gọi thẳng tên của bộ phận sinh dục chứ không nên né tránh, dùng từ dễ thương hóa các bộ phận đó đi, vì như vậy sau này sẽ khó cho các em trong việc tự biết bảo vệ mình”, Bảo Nhi chia sẻ.

Không thể im lặng

Xâm hại tình dục có thể diễn ra với trẻ em bằng nhiều cách và thủ phạm thì không loại trừ. Trong đó, việc xâm hại bằng lời nói, đánh đập và làm tổn thương trẻ, xâm phạm các bộ phận riêng tư trên cơ thể trẻ và ép buộc trẻ quan hệ tình dục là những hành vi thường thấy ở các vụ xâm hại tình dục trẻ em. Điều đáng nói là, đa số thủ phạm thường là những người cận kề với trẻ.

“Nếu như chúng ta không thay đổi cách nhìn nhận thì “phần chìm” của tảng băng vẫn sẽ mãi mãi bị lấp liếm, che giấu đi. Hậu quả là những chấn thương nghiêm trọng và lâu dài cả về thể chất lẫn tâm lý đối với nạn nhân trẻ em. Những hậu quả này còn ảnh hưởng nặng nề đến gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Trong tất cả sự việc, trẻ em không bao giờ có lỗi về việc mình bị xâm hại, điều đáng lên án chính là sự thờ ơ của xã hội, các bậc làm cha mẹ, những hạn chế về giáo dục và lỗ hổng của luật pháp”, Bảo Nhi nói.

Tiếp theo thành công của triển lãm tranh “Vương quốc con cũng có vùng cấm”, dự án “Cơ thể con là của con” của Hồ Nguyễn Bảo Nhi sẽ tổ chức chuỗi các buổi học ngắn về hội họa, dùng tranh vẽ để giáo dục giới tính cho trẻ em, đồng thời giúp trị liệu cho trẻ gặp sang chấn tâm lý trên cơ sở áp dụng liệu pháp nghệ thuật (child art therapy). Dự án cũng sẽ thực hiện gây quỹ cộng đồng trên nền tảng của quỹ Wake it up để thực hiện mobile game (ứng dụng di động) “Cát hay Sỏi” - trò chơi vẽ tranh tô màu dành cho trẻ em kết hợp giáo dục giới tính, ứng dụng dựa trên nền tảng của liệu pháp nghệ thuật (child art therapy), kết hợp phương pháp “học mà chơi, chơi mà học” giúp phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ tiếp cận kiến thức giáo dục giới tính một cách tự nhiên nhất.

Bài, ảnh: Ngọc Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ

Làm gì để giữ gìn văn hóa Huế trong dòng chảy cuộc sống hôm nay? Đó là nỗi trăn trở của những người yêu Huế. Muốn giữ gìn, phát huy, lan tỏa thì phải chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục đối với mọi tầng lớp nhân dân, trong đó phải kể đến đối tượng học sinh – sinh viên đang học tập, sinh hoạt trong mỗi trường học.

Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ
1.000 học sinh, sinh viên tham gia tìm hiểu về tài chính

“Hiểu biết về tài chính” là cuộc thi được Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp tổ chức cho học sinh Trường tiểu học Thủy Biều và sinh viên Trường đại học Khoa học - Đại học Huế trong ngày 5/4. Chương trình thu hút hơn 1.000 học sinh, sinh viên tham gia.

1 000 học sinh, sinh viên tham gia tìm hiểu về tài chính
Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau

Chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên (1 trong 20 người đầu tiên trên thế giới được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu - người sáng lập Diễn đàn Giáo dục sáng tạo Việt Nam) mới đây đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế xung quanh những vấn đề về giáo dục hiện nay. Bà chia sẻ về áp lực của giáo viên, học sinh cùng trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong bối cảnh chương trình giáo dục liên tục thay đổi.

Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau
Giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới

Ngày 30/3, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tổ chức cho 115 chiến sĩ mới dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan Phòng Truyền thống BĐBP tỉnh. Đây là một trong những hoạt động giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ; đặc biệt là chiến sĩ mới (CSM) nhập ngũ năm 2024.

Giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới
Return to top