ClockThứ Tư, 20/06/2018 19:40

Có tình trạng chạy trường không?

TTH.VN - Cứ bước vào mỗi năm học mới thì tình trạng “chạy trường” lại diễn ra. Nói chạy trường là hàm ý chuyện “xin xỏ” và thậm chí là “có tiêu cực” chứ thực ra là việc: Xin học “trái tuyến”.

Đừng "chạy" trái tuyếnChuyện học trái tuyến

Việc “chạy trường” có sinh ra tiêu cực không? Không ai dám chắc được điều này. Ảnh: P. Thành

Ngành giáo dục đã có quy định phân tuyến rất rõ: Tiểu học, trung học cơ sở ở khu vực nào thì vào học trường đó. Cứ làm đầy đủ các thủ tục hồ sơ theo quy định là nhập học. Không có vấn đề gì trong việc “chạy chọt, xin xỏ”. Chuyện chạy chọt, xin xỏ xảy ra là vì có một nhu cầu thực tế trong cuộc sống là có nhiều ông bố, bà mẹ muốn con mình học ở trường này trường kia không theo đúng như ngành giáo dục quy định, nghĩa là không đúng tuyến, tức trái tuyến.

Có rất nhiều lý do để giải thích cho nhu cầu này.

Có những người, vì việc làm ở một nơi nào đó, không phải trong khu vực quy định đúng tuyến của ngành giáo dục. Trong khi đó, lại muốn con mình học một trường gần nơi mình làm việc để tiện cho việc đưa đón con, đặc biệt là các cháu còn nhỏ. Thế là phải “xin”.

Môi trường giáo dục của chúng ta hiện nay không đồng nhất về cơ sở vật chất. Nghĩa là, có nhiều trường tốt hơn các trường khác. Không gian đủ rộng và cơ sở vật chất đủ tốt để tổ chức học bán trú. Nhiều phụ huynh mong muốn con em được học trong một môi trường như vậy vì có nhiều sự thuận tiện. Thế là sinh ra “chạy trường”.

Nhưng có một lý do phổ biến rất chính đáng là sự lựa chọn chất lượng giáo dục. Có một thực tế là không phải trường nào cũng có chất lượng giáo dục cao như nhau. Ví dụ như muốn vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương thì phải thi. Tỷ lệ “chọi” thậm chí còn cao hơn nhiều trường đại học. Vì sao vậy? Vì trường này đòi hỏi chất lượng đầu vào rất cao. Đối với nhiều trường khác, theo quy định của ngành giáo dục là không tổ chức thi tuyển nhưng vẫn được nhận trái tuyến với một ỷ lệ nào đó. Trong khi nhu cầu, mong muốn của phụ huynh cho con em mình được học trường tốt, tốt hơn rất cao. Điều này cũng là nguyên nhân sinh ra tình trạng “chạy trường”.

Việc “chạy trường” có sinh ra tiêu cực không? Không ai dám chắc được điều này. Khi trả lời báo chí, những người có trách nhiệm của ngành giáo dục khẳng định như “đinh đóng cột” là không có, bởi vì việc này được giám sát rất kỹ. Tuy nhiên dư luận xã hội thì đôi khi ngược lại: Kiểu như muốn xin vô trường này thì hết bao nhiêu, muốn vô trường kia thì hết bao nhiêu. Có hay không có chuyện tiêu cực trong việc “chạy trường” có lẽ chỉ những người trực tiếp với công việc này mới có thể biết được. Còn ngoài xã hội, dư luận cũng chỉ là dư luận.

Tuy nhiên, nếu xem xét vấn đề này dưới một số góc độ, thì tình trạng tiêu cực hoàn toàn có khả năng xảy ra. Và thậm chí là khả năng xảy ra rất cao. Vì mấy lẽ sau:

Nhìn dưới góc độ kinh tế: có cầu ắt có cung. Trong một nền giáo dục chưa đáp ứng hết nhu cầu của người dân về việc học thì việc một bộ phận người dân có điều kiện về kinh tế, nhận thức… và cả một nhu cầu tưởng là “phù phiếm” khác là… cho sang thì việc lựa chọn những trường có chất lượng tốt cho con mình theo học là một thực tế. Khi kinh tế ngày càng phát triển, nhu cầu đầu tư cho con em nhiều, tức là có nhiều người có nhu cầu về việc này.

Trong khi “cung” chưa đủ đáp ứng thì trình trạng “nhiều người chen chân vào khung cửa hẹp” là một khả năng xảy ra rất cao. Những người có mối quan hệ thì dùng mối quan hệ. Những người không có mối quan hệ thì có khả năng dùng tiền để đáp ứng yêu cầu. Giả sử như có một người có nhu cầu cho con vào học trường này, với gợi ý là sẽ chi ra bao nhiều tiền, ai dám chắc người có quyền để quyết định điều này từ chối!? Chúng ta không bi quan lắm về vấn đề đạo đức, nhưng trong xã hội của chúng ta hiện nay, khi luật chưa đủ mạnh, sự giám sát còn hạn chế, khi quyền lực lắm lúc còn bị chi phối mạnh mẽ… thì đồng tiền có vai trò quyết định trong nhiều mối quan hệ không phải là chuyện lạ.

Xét về mặt quan hệ quyền lực. Người có quyền, họ chỉ nhận biết được quyền khi quyền lực ấy được mang ra sử dụng. Nhưng một khi quyền lực không được kiểm soát chặt chẽ thì sẽ rất dễ sinh ra tiêu cực, tức lạm quyền. Tôi có quyền cho anh cái này, anh phải cho tôi cái khác (cái khác có thể là tình cảm trong mối quan hệ, có thể là tiền. Hoặc có thể không là gì cả, chỉ là một sự ban phát quyền lực).

Về mặt thực tiễn: Trong một số cuộc điều tra, ví dụ như điều tra để xếp hạng Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), một chỉ số thành phần là chi phí không chính thức, tức “chi phí bôi trơn” luôn ở mức cao. Đối với doanh nghiệp là vậy. Làm thế nào để chúng ta tin rằng trong “mối quan hệ giáo dục” không có tiêu cực.

Cho nên, để tình trạng chạy trường không diễn ra, chỉ còn một cách tốt nhất là cung ứng điều kiện giáo dục tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Trong khi chúng ta chưa có điều kiện làm việc này thì phải xem xét những cách thức để minh bạch việc xét duyệt. Cũng có thể là thi tuyển rõ ràng. Ví dụ như mỗi trường hàng năm cho phép bao nhiêu phần trăm đó được tuyển trái tuyến. Tỷ lệ phần trăm này phải nhất thiết tổ chức thi tuyển công khai.

Cảnh giác với "cò chạy trường"

Sở Giáo dục và Đào tạo đã có công văn thông báo đến các trường, toàn thành phố chỉ còn 4 trường còn chỉ tiêu xét tuyển vào lớp 10. Số trường còn lại đã đủ chỉ tiêu. Phụ huynh nên cảnh giác với tình trạng lừa đảo “chạy trường” .

Học sinh thi tuyển vào Trường THPT Quốc Học. Ảnh: P. Thành

TP. Huế hiện chỉ còn 4 trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu, gồm: THPT Đặng Trần Côn, Thuận Hóa, Chi Lăng và Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh. Còn lại các trường đã xét đủ chỉ tiêu. Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, các chỉ tiêu, danh sách trúng tuyển đều được niêm yết công khai nên không còn chỉ tiêu ở các trường như lời đồn đại.

Sau khi biết thông báo của sở, nhiều phụ huynh đã về trực tiếp tại 4 trường còn chỉ tiêu để tìm hiểu. Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh và Trường trung cấp nghề là hai địa chỉ được phụ huynh quan tâm. Công tác tư vấn ở các trường này khá tốt nên lượng phụ huynh đến đăng ký, tư vấn dần nhiều lên. Anh Trần Công Thắng ở Tây Lộc (TP. Huế) cho hay: "Tôi cảm thấy hài lòng khi được Trung tâm Giáo dục thường xuyên tư vấn rất kỹ về chương trình học. Con tôi sẽ thi tốt nghiệp THPT ở hội đồng thi như các trường khác. Chương trình học giống nhau, lại học mấy môn chính nên có thời gian tập trung ôn luyện nhiều hơn”.

Chuyện "chạy trường" sau mùa thi không có gì mới, nhưng thông tin cứ bát nháo khiến phụ huynh hoang mang và ảnh hưởng đến uy tín của các trường. Sau khi có kết quả kỳ thi, nhiều em chưa đạt kết quả như mong muốn, chưa vào được các trường công lập, dân lập... phụ huynh đã động viên các em chọn trường học phù hợp vì vẫn còn nhiều cánh cửa khác để vào đời.

Huế Thu

                                                              Lê Phương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Định hướng đúng - Tiến bước tự tin

Ngày 16/3, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên tỉnh phối hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp Huế tổ chức chương trình Hành trình trải nghiệm ước mơ năm 2024 dành cho học sinh lớp 9 ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh.

Định hướng đúng - Tiến bước tự tin
Return to top