ClockThứ Sáu, 10/03/2017 06:11

Cờ Tổ quốc ra đảo

TTH - Những ngày đầu tháng 3, chuyến xe chở thầy trò Trường đại học Sư phạm – ĐH Huế đã trao tận tay hàng ngàn lá cờ Tổ quốc cho quân dân hai huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) và Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Lan tỏa tình yêu biển đảo

Hơn 11.000 lá cờ Tổ quốc được gửi về sau 9 tháng phát động chương trình “Vì biển đảo quê hương”.

 Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: GDCT

Tiến sĩ Vũ Đình Bảy, Trưởng khoa Giáo dục chính trị, người phát động chương trình cho biết, chương trình được phát động để hưởng ứng kỷ niệm 20 năm thành lập khoa và 60 năm thành lập trường, đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình cộng đồng, từ đồng nghiệp, sinh viên, cho đến các cựu sinh viên, các cô chú tiểu thương, các em nhỏ từ mọi miền gửi về với những lời nhắn gửi xúc động.

Chương trình liên tục nhận được những cuộc gọi về cách thức gửi tặng, kích cỡ cờ. Sau khi tham khảo, trường thống nhất chọn kích thước cờ 0,8 - 1,2m. Cờ gửi tặng phải mới, chất lượng vải tốt để chống chịu được khí hậu thời tiết khắc nghiệt ở các đảo và nhà giàn, kéo dài được thời gian treo và lâu phai màu.

Cứ thế, hàng ngày nhiều tổ chức, cá nhân trực tiếp đến tận trường để tặng cờ. Nhiều người ở xa gửi tiền đến nhờ trường đặt may. “Có những cựu sinh viên lặn lội từ Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng ra tận nơi để ủng hộ cờ. Cũng có những giáo viên, học sinh ở tận Bắc Kạn hay kiều bào ở Mỹ, Úc, Lào...tổ chức kêu gọi ủng hộ rồi đóng thùng gửi về cho chúng tôi. Tất cả góp phần vun đắp lòng yêu nước, yêu quê hương vô bờ của mỗi người con đất Việt”, TS.Bảy tâm sự.

Trong suốt hành trình “Vì biển đảo quê hương”, khi đi qua các tỉnh, đoàn còn nhận được nhiều sự ủng hộ từ các cán bộ phường, xã, trường học, các chiến sĩ cảnh sát giao thông. “Nhờ mọi người cho chúng tôi gửi tình yêu nhỏ này đến các ngư dân, chiến sĩ”, “Mong rằng, lá cờ này sẽ bay giữa Trường Sa thân yêu” – đó là những nhắn gửi của các cán bộ, thầy cô giáo, chiến sĩ công an… trên hành trình đoàn đi qua.

Vững chắc biên cương

Dừng chân tại cảng Sa Kỳ (TP.Quảng Ngãi), 3.000 lá cờ Tổ quốc được trao tận tay ngư dân huyện đảo Lý Sơn. Từ đây, lá cờ Tổ quốc thiêng liêng mang theo tình cảm nồng ấm của đất liền sẽ sát cánh cùng ngư dân trong những chuyến khơi xa.

Tiến sĩ Vũ Đình Bảy (thứ 2 bên phải) cùng giảng viên Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế bên những kỷ vật từ Trường Sa, Hoàng Sa

Rời Lý Sơn, chuyến xe tiếp tục lên đường tiến về quân cảng Cam Ranh, tiếp tục trao những món quà ý nghĩa đến với quân và dân Trường Sa. Hơn 4.000 lá cờ Tổ quốc và 2.000 tập vở đã được gửi đến đại diện Lữ đoàn 146 – Vùng 4 Hải quân để chuyển thẳng cho quân và dân đang sinh sống, làm nhiệm vụ trên 21 điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Chính ủy Lữ đoàn 146 – Vùng 4 Hải quân cho biết, ông vô cùng cảm động trước những tấm lòng dành cho người dân, chiến sĩ đang ngày đêm cầm súng bảo vệ biển đảo Tổ quốc. “Ở đảo xa lúc nào cũng nhận được hơi ấm đất liền. Đó là nguồn động viên vô giá để chúng tôi dù trong hoàn cảnh nào cũng quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo”, đại tá Nguyễn Văn Thắng khẳng định.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Luyện, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế, chương trình khi phát động chỉ đề ra mục tiêu khoảng 1.000 lá cờ. Thật bất ngờ là chương trình đã có sức lan tỏa lớn, khi mà có hơn 11.000 lá cờ của nhân dân từ Bắc đến Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, từ các em nhỏ cho đến các cụ lớn tuổi và đồng bào ở nước ngoài gửi về. “Mong rằng những lá cờ Tổ quốc sẽ tiếp sức cho các chiến sĩ, ngư dân yên tâm, vững chắc hơn trong công cuộc bảo vệ, khẳng định chủ quyền biển đảo. Thông điệp của chúng tôi là luôn ở bên các chiến sĩ và ngư dân”, PGS.TS Luyện tâm tình.

Kỷ vật Trường Sa

Đáp lại tình cảm của thầy và trò Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế, Lữ đoàn 146 - Vùng 4 Hải quân đã tặng 30 lá cờ Tổ quốc được đem về từ 21 điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là những lá cờ được treo ở các đảo, thể hiện chủ quyền của Việt Nam. Vượt qua muôn trùng biển khơi, những lá cờ này được các chiến sĩ đem trở về đất liền. Có những lá cờ tuy không không còn nguyên vẹn bởi phong ba bão táp nhưng đã được các chiến sĩ nâng niu, gấp xếp đem về tặng lại Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế. Điểm đặc biệt ở mỗi lá cờ sau khi được hạ xuống đều được đóng dấu, và ký tên của Chính trị viên điểm đảo đó.

Dịp này, đoàn còn được ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) tặng túi cát được đem về từ Hoàng Sa và lá cờ từng được treo trên đỉnh núi Thới Lới. “Đây như là những kỷ vật. Chúng tôi rất cảm kích khi nhận được món quà vô giá này và sẽ gìn giữ, đưa vào phòng lưu niệm của trường, giới thiệu đến với các em sinh viên cũng như mọi người”, T.S Vũ Đình Bảy xúc động.

PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thiêng liêng tiếng gọi Trường Sa - Kỳ 1: Tổ quốc từ biển

Đầu năm 2024, tôi vinh dự được cùng 100 phóng viên báo, đài trên khắp mọi miền đất nước, cùng đoàn công tác Vùng 4 Hải quân, do Đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn 146, làm Trưởng đoàn, mang quà tết; thăm, chúc tết nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024 đối với cán bộ, chiến sĩ (CBCS) và Nhân dân đang sinh sống, thực hiện nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa. 18 ngày trải qua khắc nghiệt của sóng gió và cách trở, để thấu những hi sinh, kiên trung thầm lặng, lớn lao, của biết bao thế hệ người lính, làm nên lá chắn vững chắc từ hướng biển, điểm tiền tiêu thiêng liêng, bảo vệ Tổ quốc.

Thiêng liêng tiếng gọi Trường Sa - Kỳ 1 Tổ quốc từ biển
Return to top