ClockThứ Tư, 22/06/2016 05:31

Cờ Tổ quốc ra Trường Sa

TTH - Vừa phát động chưa đầy 20 ngày, chương trình “1.000 lá cờ Tổ quốc cho Trường Sa” của Khoa Giáo dục chính trị Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhiều thế hệ sinh viên đã tốt nghiệp, cũng như đang theo học tại trường.

Sinh viên khoa Giáo dục chính trị sắp xếp lại các lá cờ Tổ quốc ngay ngắn, đóng thùng cẩn thận trước khi gửi ra Trường Sa

“Chúng tôi khá bất ngờ khi nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các thầy cô giáo, giảng viên, cựu sinh viên đang công tác khắp mọi miền đất nước, cũng như các bạn sinh viên của khoa, trường. Bản thân lá cờ Tổ quốc đã quá thiêng liêng với mỗi chúng ta, thì nay việc làm này sẽ trở nên ý nghĩa hơn bởi tình yêu của đất liền luôn hướng về biển đảo”, anh Lê Thuật, Bí thư Chi đoàn Khoa Giáo dục chính trị nói.

Ý tưởng trên do Bí thư Chi bộ, Trưởng khoa Vũ Đình Bảy phát động để hưởng ứng kỷ niệm 20 năm ngày thành lập khoa và 60 năm thành lập Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế. Mỗi người góp ít nhất 1 lá cờ Tổ quốc gửi tặng các nhà dàn DK và điểm đảo trên quần đảo Trường Sa. Anh Thuật nhấn mạnh: “Hành động này của chúng ta không chỉ ý nghĩa mà còn tiếp sức cho các chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo”.

Khi phát động, khoa thống nhất chọn kích thước cờ 0,8-1,2m. Cờ gửi tặng phải mới, chất lượng vải tốt để chống chịu được khí hậu thời tiết khắc nghiệt ở các đảo và nhà giàn, kéo dài được thời gian treo và lâu phai màu. Nghe vậy, nhiều nhóm sinh viên chủ động liên hệ với các cửa hàng may cờ tận TP. Hồ Chí Minh để đặt may hàng trăm lá cờ. Ngoài ra, các bạn còn kêu gọi, chia sẻ lên các trang mạng xã hội để mọi người biết, hưởng ứng và “góp sức” cho chương trình ý nghĩa này.

Th.S Vũ Đình Bảy (trái), Trưởng khoa Giáo dục chính trị Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế tiếp nhận cờ Tổ quốc gửi Trường Sa

Chị Phạm Thị Vân Trinh (sinh viên Khoa Giáo dục chính trị, khóa 2003-2007), hiện giáo viên Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, TP. Đà Nẵng là một trong những người đầu tiên hưởng ứng chương trình góp cờ. Chị Trinh kể, ngày ngồi ở ghế nhà trường đã được nghe, học, đọc rất nhiều về biển đảo Trường Sa, về những người lính, người dân ngày đêm sống, chiến đấu ở đó mà không cầm được nước mắt. Chị đã liên lạc nhiều bạn bè cùng khóa gửi cờ, tiền mặt để mua cờ rồi thông qua khoa gửi ra Trường Sa.

Với sinh viên Lê Kim Thanh (sinh viên lớp GDQP-An ninh 2, Khoa Giáo dục chính trị), được góp một vật phẩm gì đó cho biển đảo là ước mong bấy lâu nay đã thành hiện thực. Trân trọng, ý nghĩa hơn khi đó chính là lá cờ Tổ quốc. Thanh trải lòng: “Lá cờ Tổ quốc tượng trưng cho máu và màu da của người dân mình. Một khi xem truyền hình thấy lá cờ Tổ quốc tung bay giữa bầu trời biển đảo em thấy vô cùng xúc động. Bây giờ ước mong tặng cờ đã thành hiện thực, hy vọng một ngày không xa em sẽ đến các đảo ở Trường Sa và chứng kiến hình ảnh thiêng liêng này”. Và nhiều, nhiều lá cờ Tổ quốc khác được liên tiếp gửi về, với ước mong gửi tình yêu của mình ra biển lớn.

Th.S Vũ Đình Bảy, Trưởng khoa Giáo dục chính trị Trường ĐH Sư phạm hồ hởi kể, chỉ sau một tuần phát động số lượng cờ Tổ quốc gửi về gần 2.000 lá, vượt gấp đôi con số mà chương trình đề ra ban đầu. Nói về ý tưởng phát động chương trình, thầy Bảy nhớ lại trong một lần tình cờ đọc báo thấy những người lính đảo tâm sự ở đảo gì cũng thiếu nhưng thiếu nhất là cờ Tổ quốc. Bởi rằng, giông bão, gió mạnh nên cờ mau hỏng, phải thay thường xuyên.

Không lâu sau, hàng trăm bạn cựu sinh viên của khoa, trường từ hơn 50 tỉnh, thành đã gửi cờ về để quyên góp, có người gửi tiền nhờ khoa may cờ. Không dừng lại, nhiều chị tiểu thương, các em học sinh phổ thông, các nhà sư…khi hay tin cũng tìm đến khoa để tặng cờ Tổ quốc. “Dự kiến sẽ có từ 4.000 – 5.000 lá cờ Tổ quốc được gửi tặng. Tất cả những tấm lòng này sẽ được chúng tôi xếp ngay ngắn, đóng thùng và mời đại diện Vùng 4 Hải quân đóng ở Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa ra nhận để vận chuyển đi các đảo ở Trường Sa vào dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Khoa Giáo dục chính trị (tháng 3-2017)”, thầy Bảy vui mừng.

PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 8: Trái tim của huyện đảo Trường Sa

Rất nhiều người Việt Nam yêu và thuộc bài hát “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Huỳnh Phước Long. Bài hát có những câu khi hát lên thật bồi hồi, xúc động “Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi! Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em…”. Là người Việt Nam, ai cũng có ao ước được một lần đặt chân lên đảo Trường Sa, chúng tôi thật may mắn cùng Đoàn công tác số 5 đặt chân lên đảo.

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 8 Trái tim của huyện đảo Trường Sa
Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 7: Điểm hẹn đảo đá Tây A

Đảo Đá Tây A nhìn từ xa như một chiếc bè lớn giữa biển khơi, nhưng khi đến gần, nhận ra ngay sự sống sôi động, sung túc từ những vườn cây, cho đến ánh mắt người và nụ cười của trẻ thơ. Điều bất ngờ là khi chúng tôi vừa đặt chân lên đảo, tiếng gà gáy sáng chợt vang lên kiêu hãnh. Từ lâu, đảo Đá Tây A được xem là điểm hẹn của ngư dân Việt Nam trên biển.

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 7 Điểm hẹn đảo đá Tây A
Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6: Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi

Cuộc đánh chiếm đảo Cô Lin của kẻ thù vào năm 1988 đã thất bại trước sự anh dũng, kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ Hải quân. Hình ảnh con tàu HQ 505 huyền thoại bốc cháy thành ngọn lửa quyết tử để giữ được đảo Cô Lin luôn in hằn trong trí nhớ người dân Việt Nam. Cô Lin ngày xưa kiên cường, Cô Lin ngày nay luôn chắc tay súng, thường trực cảnh giác để canh giữ trời biển. Gió biển vẫn mát rượi thổi vào đảo như tình yêu quê hương…

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 6 Đảo chìm Cô Lin, ngọn lửa quyết tử còn cháy mãi
Return to top