ClockThứ Bảy, 19/11/2016 13:31

Cô, trò & biển…

TTH - Lạ một điều, những thầy, cô giáo mà chúng tôi có dịp gặp gỡ đều không nói gì về mong ước của bản thân. Có chăng là những trăn trở trước khó khăn của học trò, của đồng nghiệp…

Học trò là con, biển là nhà

Căn nhà cô Trương Thị Út nằm gần cạnh bờ biển Phú Diên. Nói là nhà, nhưng thực ra chỉ là căn phòng xập xệ chưa tới 15m2 trong khu tập thể cấp 4 được xây dựng từ mấy chục năm trước, nay đã xuống cấp trầm trọng.

Cô trò trường tiểu học Vinh Hải (Phú Lộc). Ảnh : Hữu Phúc

Năm 2002, cái nghèo đeo bám khiến vợ chồng cô Út một cảnh hai quê. Từ Phong Điền (quê cô Út), người chồng dẫn con ra Quảng Trị theo nghề thợ xây trong khi cô Út dạy học tại Trường tiểu học số 2 Phú Diên (Phú Vang). Lúc mới về, gia cảnh khó khăn nên khu tập thể bỏ hoang trở thành nơi cư trú mới của cô Út. Thật ra, về Phú Diên dạy học là dự định ban đầu để tạm thoát khỏi cảnh thất nghiệp, nào ngờ, tình thương với học trò trường biển đã níu cô Út ở lại với Phú Diên suốt 15 năm qua. Ngần ấy năm cô Út phải đấu tranh tư tưởng, nuốt nước mắt vào trong vì phải xa chồng, xa con để theo nghiệp gieo chữ ở vùng quê nghèo.

Rất may, nỗi buồn xa chồng, xa con được bù đắp bằng những tình cảm mộc mạc mà chân thành của những người con xứ biển. Cô Út bảo, người làng biển Phú Diên chân tình, phụ huynh nghèo nhưng rất quý giáo viên. “Đám cưới, đám tang, kỵ giỗ họ cũng mời. Có đồ chi ngon họ đem tới. Những lần ra thăm chồng, thăm con ở Quảng Trị gặp mưa gió, nhiều lúc hai mẹ con (cô đang ở với người con sau, còn chồng cô ở cùng con đầu) đứng giữa đường mà khóc rồi nghĩ đến chuyện bỏ nghề. Nhưng rồi đất và người Phú Diên cứ như chất keo vô hình, níu kéo cô ở lại. “15 năm rồi, Phú Diên đã trở thành quê hương thứ hai của tôi”, cô Út nói.

Thầy Vương người Quảng Bình, cũng gắn bó với học trò làng biển ngót nghét 15 năm, là đồng nghiệp, là hàng xóm láng giềng với cô Út. Nghĩa là gia đình thầy cũng tá túc trong căn phòng cấp 4 ở khu tập thể bỏ hoang mà mỗi khi mưa bão, vợ chồng con cái bồng bế nhau và “rủ” cô Út cùng con qua trú tạm tại nơi đang dạy học, đến khi gió yên biển lặng lại dắt díu nhau về. Thầy Vương bảo, 40% của tổng số 243 học sinh trường tiểu học Phú Diên có gia đình sống bằng nghề biển, tập trung phần lớn ở thôn Thanh Mỹ, là nơi có số lượng hộ nghèo, cận nghèo khá nhiều. Bây giờ, học sinh và gia đình chịu thêm những khó khăn do sự cố môi trường biển. “Nhiều học sinh không có kinh phí đóng tiền đồng phục, tôi với đồng nghiệp cũng hỗ trợ. Thiếu vở, thiếu bút, tôi nói các em ra quán cạnh trường mua thiếu rồi thầy ra trả sau. Tận sâu trong máu thịt, đã xem học trò là con, Phú Diên là quê hương thứ 2, đi sao đành”, thầy Vương tâm sự.

Thật ra cô Lê Thị Vân - Chủ nhiệm lớp 3/1 trường tiểu học Phú Diên - là người chúng tôi có dịp trò chuyện đầu tiên. Giờ chỉ còn 1 năm nữa về hưu, ước mong lớn nhất trước lúc rời bục giảng là trường có kinh phí tu sửa lại một số phòng học, chứ nhìn cảnh học trò ngồi học trong căn phòng một năm phải đảo ngói 3 lần để tránh mưa dột, nắng xiên thì không thể nào yên tâm. Khó khăn là vậy nhưng thời điểm nhiều gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển học sinh không bỏ học. Nói rồi cô quay qua hỏi đã gặp cô Út, thầy Vương chưa. Nếu chưa thì cô chỉ nhà cho. Nhưng lúc tới các bạn đừng… giật mình. Đoạn cô chắt lưỡi “Cũng may họ yêu nghề, yêu trẻ chứ không thì chia tay Phú Diên lâu rồi”.

Mong biển bình yên

Vinh Hải (Phú Lộc) là vùng đất còn khó khăn, nhưng tình người luôn nồng ấm. Giáo viên từ TP. Huế, TX. Hương Thủy, thị trấn Phú Lộc về xã biển này công tác phải ở nhờ nhà dân. Có vậy, họ thấm thía nỗi khổ của những ngư dân đối mặt với thiên tai, bão lũ hằng năm và mới đây là sự cố môi trường biển.

Giờ ra chơi của học sinh Trường tiểu học số 2 Phú Diên (Phú Vang). Ảnh : VĐN

Cùng đi dọc biển, cô Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Vinh Hải ngậm ngùi, người dân ở đây sống nhờ nghề biển, không đánh bắt gần bờ thì cũng nuôi trồng thủy hải sản, làm dịch vụ biển. Thu nhập của gia đình một số giáo viên trong trường cũng phụ thuộc vào những ngày biển bình yên hay bất ổn. Như cô Lê Thị Phương, giáo viên chủ nhiệm lớp 2, từ ngày biển gặp sự cố, tàu gần bờ của chồng cô chưa ra khơi được, hai vợ chồng đành trông chờ vào đồng lương giáo viên vốn không mấy dư dả của cô. “Những ngày sự cố môi trường biển, mình khổ một nhưng học sinh và phụ huynh khổ gấp đôi, có khi hơn. Hầu hết thanh niên ở đây vào miền Nam tìm việc, còn lại người già và trẻ em. Nhiều nhà chỉ đủ lo cho các em ăn uống, còn áo quần, sách vở, dụng cụ học tập đều do thầy cô phụ giúp”, cô Thủy tâm sự.

Chỉ tay theo từng đợt sóng vỗ vào bờ, nơi bờ biển đang bị xâm thực, cô Thủy thở dài, dân biển miền Trung nói chung, Huế nói riêng hằng năm nhờ trời, biển yên mới sống tốt. Người giáo viên trường biển vì vậy tuy vất vả nhưng không mong đòi hỏi nhiều cho bản thân, chỉ mong cơ sở vật chất các nơi đủ điều kiện để các em có môi trường học tập tốt. “Tôi nghe nhiều trường biển còn thiếu các phòng học, chức năng. Như Trường tiểu học Vinh Hải, chỉ có 8 phòng, trong đó 5 phòng học, 1 phòng tin học, 1 phòng thư viện, phòng còn lại gộp giữa hiệu trưởng, hội đồng, y tế và các chức năng khác. Định hướng đến năm 2017, trường xây dựng đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, nhưng hiện tại mới xây thêm được 2 phòng, vẫn còn thiếu đến 4 phòng. Thiếu cơ sở vật chất và nhiều khó khăn khác đã trở thành lực cản khiến ao ước của chúng tôi không dễ thành hiện thực. Giáo dục bây giờ kêu gọi xã hội hóa, nhưng nếu người dân còn khổ thì khó lắm. Chỉ mong biển bình yên, học trò mới có cơ hội tiếp cận với môi trường học tập tốt”, cô Thủy chia sẻ.

Một giờ ngoại khóa của cô trò Trường THCS Nguyễn Tri Phương. Ảnh: Hàn Đăng

Khó khăn là vậy nhưng cũng như Phú Diên, Vinh Hải không có học sinh bỏ học giữa chừng, nhất là trong và sau thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển. Hiệu trưởng Trường tiểu học Vinh Hải – Trần Thị Huyền phấn khởi: “Lúc đầu giáo viên rất lo lắng nên phối hợp với chính quyền địa phương tới từng nhà vận động, may mắn là bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, phụ huynh và học sinh đều nhận thức tốt và quyết tâm không để tình trạng bỏ học xảy ra”.

Khi chia tay với thầy, cô giáo ở đây, tôi nhận ra một điều rằng chính các thầy, cô đã trở thành một biển khác, ấm áp, bao dung và miệt mài đem tri thức đến cho học trò...

"Theo quy định, giáo viên các trường thuộc vùng bãi ngang ven biển ngoài lương còn được hỗ trợ thêm 70% (lương). Tùy hoàn cảnh thực tế, ngành Giáo dục sẽ linh động trong việc giúp giáo viên thuyên chuyển công tác gần nhà theo nhu cầu trong điều kiện có thể.

Bên cạnh chính sách miễn học phí cho học sinh bậc tiểu học, học sinh các vùng khó khăn, vùng bãi ngang ven biển luôn được ưu tiên giúp đỡ. Đơn cử như sau sự cố môi trường biển, học sinh tại các vùng bị ảnh hưởng ở Thừa Thiên Huế được các cấp, các ngành hỗ trợ vật chất, sách vở… khoảng 700 triệu đồng"

Ông Thân Nguyên Khánh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục & Đào tạo

LÊ HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ra quân làm sạch môi trường tại Phong Điền, A Lưới

Chiều 17/3, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Ban Thư ký Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh phát động chiến dịch “Hãy làm sạch biển” và đồng loạt ra quân hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh - Hãy làm sạch biển năm 2024 tại bãi tắm thôn Tân Bội, xã Điền Lộc (huyện Phong Điền).

Ra quân làm sạch môi trường tại Phong Điền, A Lưới
Cậu học trò năm ấy

Xuân ngẩng đầu lên nhìn tôi rồi ngoảnh mặt đi nơi khác. Nhiều lần tôi cố tình nhìn chăm chăm về phía Xuân để cậu ta không còn “cơ hội” đánh lảng sang hướng khác. Vậy mà dường như đoán biết được lúc nào là có ánh mắt của tôi đưa xuống chỗ ngồi của mình, khi thì cậu cúi mặt xuống, khi thì cậu nhìn mông lung ra cửa sổ, nơi có cây khế sai quả của nhà bác cai trường.

Cậu học trò năm ấy
Cần nguồn vốn xây kè ứng phó sạt lở biển

Nhằm ứng phó với tình trạng sạt lở biển về lâu dài, UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, các địa phương kiểm tra, khảo sát đề xuất phương án xử lý chống sạt lở và lập chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở bờ biển khẩn cấp, nhằm từng bước đầu tư khi có nguồn vốn.

Cần nguồn vốn xây kè ứng phó sạt lở biển
Hành trình bao gạo nghĩa tình của thầy giáo trẻ

Bao gạo nghĩa tình của thầy giáo trẻ Trần Văn Anh bắt đầu từ năm 2015 đến nay đã được 9 năm đồng hành cùng với quý người già neo đơn, nghèo khó. Đây là chương trình giúp đỡ và bảo trợ đến những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các địa phương Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Nam Đông, A Lưới (Thừa Thiên Huế) và Hải Lăng (Quảng Trị).

Hành trình bao gạo nghĩa tình của thầy giáo trẻ
Return to top