ClockThứ Sáu, 15/01/2016 10:17

Cờ vua vào trường học

TTH - Khi nói về phong trào cờ vua trong trường tiểu học ở Huế, ai cũng trầm trồ về thành tích của thầy và trò Trường tiểu học Thuận Hoà, ngôi trường nhỏ nằm sâu trong Thành Nội.

Gần 10 năm nay, trong những cuộc thi tài về bộ môn này, học sinh Thuận Hoà luôn vượt trội. Riêng tại Hội khoẻ Phù Đổng cấp thành, trường 5 năm liền đạt giải nhất đoàn; ngoài ra, còn hai lần đạt giải nhì, một giải ba. Về giải cá nhân, học sinh Thuận Hoà luôn ở tốp đầu. Tại Cúp Hương Giang hàng năm do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, học sinh tiểu học Thuận Hoà thực sự khiến Ban giám khảo khâm phục về chất lượng thi đấu.

Tại giải thi cờ vua cấp tỉnh năm học 2014-2015

Hỏi về bí quyết làm nên thành tích này, thầy Nguyễn Tùng Quang, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thuận Hoà trả lời: “Không có bí quyết gì đâu, chẳng qua là cách làm của chúng tôi phù hợp với điều kiện nhà trường cũng như tâm lý phụ huynh, học sinh. Chúng tôi cũng đã chia sẻ cho các trường bạn cách làm này nhiều năm nay”. Quả thật, cách làm của thầy Quang hiện đã được nhiều trường “học theo” tuy kết quả khác nhau, nhưng hiệu quả của cách làm nói chung khá rõ nét.

Thứ nhất, trường vận dụng giờ tăng tiết môn thể dục  thành giờ dạy cờ vua ngay trong hai năm đầu cấp. Sau hai năm làm quen ở lớp 1 và 2, các em có thể coi đây là một môn giải trí nếu như không đủ say mê để tiếp tục đi sâu vào bộ môn. Hai năm này, giáo viên dạy môn học thông qua các bài kiểm tra, đặc biệt là giải cờ vua truyền thống của trường, chọn ra những em có năng khiếu và say mê để tập trung vào sinh hoạt ở câu lạc bộ cờ vua của trường. Tại CLB, các em được hướng dẫn chuyên sâu bởi giáo viên có kinh nghiệm để nâng cao khả năng và định hướng thi đấu. Các thành viên CLB cũng là lực lượng để trường tuyển chọn, thành lập đội tuyển cờ vua của trường tham gia các giải của ngành và của địa phương. Quy trình là vậy, nhưng điều làm nên chất lượng của phong trào lại là tâm huyết của Ban giám hiệu và nhiệt tình của giáo viên. Ngoài ra, phụ  huynh ở đây hết sức quan tâm đến chất lượng môn học.

Môn cờ vua được “phổ cập” vào trường tiểu học, nhưng chưa có giáo viên chuyên trách. Nhiều trường đơn giản giao cho giáo viên thể dục kiêm nhiệm; trong khi đó, cờ vua chỉ là một chuyên đề nhỏ trong chương trình dạy ở trường sư phạm. Như vậy, chính những nhà giáo (giáo viên thể dục kiêm) cũng ít người có chuyên môn sâu... Hiểu được điều đó, BGH trường Thuận Hoà thống nhất mời giáo viên là huấn luyện viên chuyên nghiệp về đứng lớp. Được học đúng bài bản từ đầu, lại “liên thông” trong các câu lạc bộ, những học sinh có năng khiếu về cờ vua ở trường Thuận Hoà thực sự có môi trường để thể hiện khả năng.

Để khuyến khích phong trào phát triển sâu rộng, là sân chơi chung và các đội tuyển dự thi cấp cao hơn thực sự là tinh hoa của phong trào chung chứ không “nuôi gà chọi”, Ban giám hiệu tổ chức giải cờ vua thường niên cấp trường vào dịp 20/11 hàng năm. Sân chơi có năm lên đến hàng trăm học sinh tham gia chính thức, nhà trường còn tạo được không khí vui chơi cho học sinh toàn trường, bồi dưỡng tinh thần phấn đấu cho các em không chỉ trong môn cờ vua mà cả trong các môn học khác. Được hỏi điều gì khiến thầy tâm đắc với việc đưa phong trào cờ vua sâu rộng đến từng học sinh của trường cũng như giúp các em nuôi dưỡng tình yêu với môn thể thao trí tuệ này, thầy Tùng Quang  tâm sự: Cờ vua được ví như một thứ công cụ dạy học đặc biệt. Nó kích thích tư duy của học sinh, giúp chúng hình thành và phát triển các kỹ năng. Học chơi cờ vua, các em được dạy về tác dụng của việc quan sát cẩn thận và tập trung. Đồng thời, trẻ được khuyến khích để được tưởng tượng sau mỗi nước đi sẽ dẫn đến cái gì. Các em được rèn luyện khả năng tư duy cụ thể, cách đánh giá, phân tích tình huống; khả năng lập kế hoạch, khả năng sáng tạo và tính kỷ luật. Học sinh giỏi cờ vua có khả năng tư duy tốt, giải quyết vấn đề nhanh và tự tin hơn, mà đó là một trong những kỹ năng quan trọng của trẻ khi vào đời”.

Tuy nhiên, theo thầy Quang, do quy định cứng về mời giáo viên dạy thêm, dạy bù nói chung, cờ vua nói riêng, quá thấp (15.000 đồng/tiết học) nên để giáo viên nhiệt tình giảng dạy, trường luôn phải tìm chính sách khuyến khích, không nhiều nhưng luôn kịp thời. Vừa rồi, khi học sinh đạt giải, trường đã thưởng nóng 1.000.000 đồng, kinh phí tuy khó khăn, nhưng biết chi đúng nên không chỉ trường  mà cả hội phụ huynh ủng hộ và “huấn luyện viên” cũng rất vui mừng. Mỗi lần như thế, tôi tin là giáo viên hiểu công sức của họ được ghi nhận và gắn bó với học sinh, với trường, có trách nhiệm hơn với chuyên môn.

Bài, ảnh: Hương Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dân vũ cần được phát huy trong trường học

Dân vũ là một hoạt động tập thể lành mạnh, mang tính văn hóa sâu sắc. Đây là loại hình nghệ thuật có sự lan tỏa rộng và kết nối nhanh, rất thích hợp với phong trào thanh niên trường học.

Dân vũ cần được phát huy trong trường học
Tuyên truyền về quản lý, sử dụng vật liệu nổ, pháo trong trường học

Chiều 18/1, tại Trường THCS Nguyễn Chí Diểu, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Công an tỉnh tổ chức chương trình ngoại khóa tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Tuyên truyền về quản lý, sử dụng vật liệu nổ, pháo trong trường học
Hướng dẫn kỹ năng công tác xã hội trường học

Từ ngày 17 đến 19/1, tại tỉnh Sơn La, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn kỹ năng công tác xã hội trường học. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với hơn 350 điểm cầu trên toàn quốc. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại hội trường Sở GD&ĐT.

Hướng dẫn kỹ năng công tác xã hội trường học

TIN MỚI

Return to top