ClockThứ Hai, 23/09/2019 14:02

Cội nguồn ba thế kỷ (1894 - 2019): Nhà thương lớn ở Huế

TTH - Dù có nhiều tên chính thức, từ trạm xá ở Thuận An, rồi Nhà thương bản xứ, Nhà thương chính (Principal), Nhà thương Trung ương Huế (Central), nhưng cái tên Nhà Thương Lớn (Grand Hôpital) đã thực sự sống mãi tận lòng người miền Trung, trong sứ mệnh y tế, đi cùng nền đông y truyền thống.

Hơn 400 người cao tuổi được khám, tầm soát bệnh lý miễn phíBệnh viện Trung ương Huế khánh thành Đơn vị thính học

Phòng khám Đông y ở Bệnh viện Huế

Trong mối quan hệ bang giao Đại Nam - Đại Pháp, từ cuối thế kỷ XIX - đầu XX, thực sự nổi bật dấu ấn của ngài Thành Thái, từ sự thay đổi nhận thức, làm nên chiến lược canh tân đất nước với hiện tượng cầu Trường Tiền, Ga Huế, Trường Bá Công, Trường Quốc Học... và nhất là Nhà Thương Lớn, điển hình trên phương diện y tế.

Từ vị trí chiến lược của vùng biển, người Pháp đã xây dựng bệnh viện Thuận An từ năm 1890. Theo Nghị định 133 ngày 24/02/1889 của Toàn quyền Đông Dương thì cơ sở này là Bệnh viện hạng II với 100 giường. Nhưng do thực tế đầu tư, về sau đã chuyển đổi thành trạm xá 50 giường, có chức năng phục vụ quân đội cũng như dân sự ở vùng Huế. 

Bước ngoặt lớn là sự ra đời của “Nhà thương bệnh sở” năm 1894, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Normand, trên khu đất riêng ở đồng lúa, bên ngoài Tòa Khâm, sát kho bạc. Ban đầu, nó được xây dựng lớn hơn trạm xá cũ, có phòng khám, phòng phát thuốc, phòng băng bó và một phòng bệnh nhân khoảng 10 giường. Tuy nhiên, do nhu cầu xã hội quá lớn nên cần xây dựng một nhà thương. Vật liệu do Nam triều bảo trợ từ việc tháo dỡ một toà nhà của Sở Nội vụ, tạo nên dãy dài 60m, phân nhiều phòng, có phòng khám bệnh và băng bó cùng 6 phòng bệnh. Bác sĩ chính Henry là thầy thuốc trưởng của bệnh viện, cùng ngự y Liên (tòng tứ phẩm) và Bùi Tư (chánh bát phẩm, làm phụ tá), hai y sinh từ Thái Y viện và thông ngôn Đàm của Nam triều.

Vùng bờ Nam sông Hương của làng Dương Xuân Hạ, trở thành đất quan phòng của Kinh kỳ Thủy sư do triều đình quản lý. Do thiên tai tàn phá bệnh viện Thuận An nên năm Giáp Ngọ (1894), hai phía Pháp - Nam đã quyết định chọn mảnh đất trống trên nền cũ của trại thủy sư để xây dựng bệnh viện Huế. Trong quy hoạch tổng thể, phía trước là một tòa nhà 3 gian 2 chái, phía sau một dãy nhà 5 gian cùng nhà bếp. Đến năm 1895 lại đầu tư xây dựng thêm dãy nhà 7 gian làm khu dưỡng bệnh; rồi tòa nhà 3 gian 2 chái ở giữa, hướng đông, làm chỗ cho vị quan tư người Pháp cư trú. Gần đó về phía nam, dựng lầu hai tầng, tầng trên dành cho quan lại người Pháp dưỡng bệnh, tầng dưới cho người Pháp (dân sự) và khu thai sản Pháp. Đi về hướng bắc, dựng hai nhà lầu cổ đều 2 gian 2 chái; một nhà ở phía tây làm nơi làm việc của người Pháp, người Nam; một nhà phía đông để cấp phát thuốc. Phía tây tòa nhà chính giữa có xây cửa tam quan, hai bên đều cất nối một nếp nhà, mỗi nhà 2 gian; nhà phía bắc làm khu phẫu thuật và nhà phía nam là khu hậu phẫu, điều trị cấp thuốc.

Trong vùng trung tâm, ở giữa có con đường phân ra những khu chuyên biệt. Phía tây dựng một một nhà tắm rửa 2 gian, phía bắc dựng tòa 2 gian 2 chái làm khu phụ sản, rồi đến hai dãy nhà dài, mỗi dãy 9 gian 2 chái, một dành cho nam, một cho nữ. Cũng về phía bắc gần hàng rào, dựng nên ba tòa nhà đều 3 gian 2 chái: nhà kho thuốc, nơi ở của nữ nhân viên y tế người Pháp, người Việt. Về phía nam còn có bốn dãy nhà: một dãy làm khu điều trị của các ký lục, thông ngôn; một dãy làm khu điều trị của lính tập, khu nhi khoa; chếch về phía nam là tòa nhà làm khu điều trị phạm nhân và tâm thần; chếch về phía tây nam là tòa nhà làm nơi điều trị, cấp thuốc cho các kỹ nữ. Đằng sau nhà tắm dựng một toà làm khu xử lý rác thải y tế, còn lại cho những người trọng bệnh sắp qua đời.

Tháng 6/1897, bác sĩ Pethelloz thay thế bác sĩ Henry, đề nghị mở rộng bệnh viện, xây thêm một dãy nhà mới. Ông được giao phó lập dự án di chuyển bệnh xá lưu động từ Thuận An lên Huế, đề án bệnh viện mới gần Hổ Quyền. Do khó khăn tài chính nên không được duyệt, chỉ xây dựng nên nhà chữa bệnh cho lính đồn trú, cải tạo thành nhà thương lưu động, do bác sĩ Marque làm giám đốc. Trong dự án mở rộng nhà thương đó, có việc xây dựng hai nhà lớn cho bệnh nhân thường do quá tải (200 bệnh nhân/100 công suất); dựng 2 nhà dành riêng bệnh nhân cao cấp, một nhà thuốc để tiện đi lại. Về sau, dự án được tiếp tục triển khai bởi bác sĩ Mesnard và bác sĩ Le Guen, với ngân khoản 4.000 đồng do Nam triều chi cấp.

Ngày 8/11/1899, trạm xá Thuận An bị phá hủy bởi cơn bão lớn nên bị đóng cửa vĩnh viễn, đặt ra nhu cầu xây dựng trong khuôn viên của Nhà thương bản xứ một khu chữa bệnh dành riêng cho người Âu. Đến tháng 4/1901 thì khu này hoàn tất, bày biện những thiết bị được lấy từ trạm xá Thuận An; một số nhân viên cũng được điều động về, như bác sĩ Marque, hai bà sơ người Âu, hai y tá người Việt. Ngày 11/9/1904, bão Giáp Thìn phá đổ nhiều công trình trong nhà thương nên cần di chuyển và xây dựng bệnh viện ở nơi khác. Một ủy ban, gồm đại diện Tòa Khâm và Sở Công chính, một bác sĩ trưởng và Phủ doãn Thừa Thiên Trần Đình Phác, họp vào tháng 5/1905 để định vị địa điểm. Ủy ban đề nghị mảnh đất gần Nam Giao nhưng bị bác do ở xa. Tháng 5/1906, sau khi Khâm sứ Lévecque đi thị sát, nhờ có bác sĩ Dumas, đã lập nên dự án xây cất lại trên địa điểm cũ, được thực hiện đầu năm 1907.

Năm 1911, Khâm sứ Charles rất lưu tâm phát triển y tế, thỏa thuận với Nam triều lập đề án tổng thể để phát triển bệnh viện hạng I. Những năm 1915 - 1921, nhờ các thầy thuốc cấp cao Gaide và Thorax, đã có nhiều công trình ra đời: nhà hộ sinh lớn, một bệnh xá cho các quan. Nhờ Sở Y tế Trung kỳ và Bệnh viện Huế mà nhiều thiết chế quan trọng đã ra đời, phát huy hiệu quả, như Viện vệ sinh Dịch tễ Trung kỳ, Phòng khám Nha khoa, hoàn thành Khoa Phụ sản... Từ chương trình khám chữa bệnh học đường miền Trung, nhu cầu xã hội cấp thiết nên Viện Nhãn khoa ra đời, mang tên Viện Nhãn khoa Albert Sarraut.

Nhờ được quan tâm đầu tư trọng điểm từ cả Nam triều lẫn phía Pháp mà ngay từ ngày thành lập, Nhà Thương Lớn - Bệnh viện Trung ương Huế thực sự trở thành một trung tâm y tế quan trọng, điển hình ở miền Trung và cả nước, ứng dụng và đạt được nhiều thành tựu y tế đỉnh cao qua các thời kỳ, thiết thực phục vụ cho vấn đề an sinh sức khỏe cộng đồng. Ba thế kỷ hình thành và phát triển, hành trang truyền thống đó đã trở thành niềm tự hào, nguồn lực nội tại để bệnh viện tiếp tục khẳng định mình trong sứ mệnh y tế trên dải đất miền Trung.

TRẦN ĐÌNH HẰNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cội nguồn đoàn kết dân tộc

Hằng năm, cứ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10/3 âm lịch, người Việt dù ở nơi đâu cũng tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng hướng về cội nguồn, bởi từ bao đời nay, trong tâm thức của "con Lạc cháu Hồng", Hùng Vương là vị Vua thủy tổ dựng nước, là tổ tiên của dân tộc Việt Nam.

Cội nguồn đoàn kết dân tộc
Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn.

Những hoạt động của chiến dịch “Hãy làm sạch biển” không chỉ góp phần lan tỏa ý thức, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong công tác bảo vệ môi trường biển mà còn truyền thông điệp về tình yêu với biển, với Tổ quốc.

Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
Nhu cầu xã hội về ngành dinh dưỡng rất lớn

Nắm bắt xu hướng nhu cầu về dinh dưỡng trong đời sống ngày càng cao, năm 2024, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế bắt đầu mở khóa đào tạo chuyên ngành dinh dưỡng đầu tiên.

Nhu cầu xã hội về ngành dinh dưỡng rất lớn
Thông tin doanh nghiệp:
Gợi ý 5 trải nghiệm du lịch ở Huế vui quên lối về

Cố đô Huế là điểm đến du lịch mà ai cũng muốn được một lần đặt chân đến. Với sự lãng mạn, thơ mộng và sự nhẹ nhàng Huế đã đi vào thơ ca của rất nhiều tác giả nổi tiếng. Đến Huế bạn có thể khám phá và trải nghiệm đa dạng các hoạt động thú vị và ý nghĩa. Nếu đang có ý định du lịch Huế và chưa hiểu rõ về mảnh đất này hãy cùng Traveloka khám phá 5 hoạt động thú vị nhất ở nơi đây.

Gợi ý 5 trải nghiệm du lịch ở Huế vui quên lối về
Du lịch đường thủy ở Huế: Giàu tiềm năng, nghèo dịch vụ

Thừa Thiên Huế có nhiều lợi thế để khai thác du lịch đường thủy. Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, các dòng sông, cảnh quan hai bên bờ sông và đời sống dân cư ven sông là nguồn tài nguyên quý phát triển du lịch. Tiềm năng lớn, nhưng bao nhiêu năm khách vẫn đang đợi chờ những dịch vụ du lịch.

Du lịch đường thủy ở Huế Giàu tiềm năng, nghèo dịch vụ
Return to top