ClockThứ Hai, 03/04/2017 05:56
DỰ ÁN CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG NƯỚC TP. HUẾ:

Còn chậm hoàn trả mặt bằng

TTH - Quá trình thi công dự án Cải thiện môi trường nước (CTMTN) TP. Huế, hầu hết các tuyến đường đều bị sụt lún, hư hỏng, việc hoàn trả mặt bằng khá chậm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân.

Tấm đan nhà dân trên đường Dương Văn An bị sập do thi công cống thoát nước

Sập, lún đường, nứt vỉa hè

Điển hình của sụt lún, hư hỏng đường, vỉa hè do thi công hệ thống cống thoát nước thuộc dự án CTMTN TP. Huế có thể thấy rõ ở đường Hà Huy Tập, đoạn trước Trung tâm Thi đấu thể thao tỉnh. Toàn bộ phần mặt đường hư hỏng, nứt nẻ và lún. Vỉa hè nhiều đoạn cũng đứt, gãy, sụt lún. Phần gạch phía trên nhiều đoạn bị vỡ vụn khiến người đi bộ phải dè chừng. Cây xanh khu vực này cũng bị ảnh hưởng do việc đào xới.

Đường Dương Văn An đoạn trước UBND phường Xuân Phú cũng bị sụp, lún đất làm lấp gần hết mương thoát nước.  Đoạn đang thi công gần ngã tư Nguyễn Tuân-Dương Văn An, cống thoát nước, tấm đan, tấm đậy cống thoát nước do người dân tự bỏ kinh phí để đúc nhằm làm sạch, đẹp vỉa hè cũng bị xe ủi, xe múc của dự án CTMTN làm sập, hư hỏng. Nhiều đoạn, các phương tiện thi công còn làm đứt cáp quang của nhà dân.

Các đường Nguyễn Sinh Cung, Bùi Thị Xuân, Hàm Nghi, Lê Lợi, Nguyễn Công Trứ… và hàng chục tuyến đường khác cũng trong tình trạng tương tự.Người dân sống ở mặt tiền hai bên các tuyến đường thi công cống thoát nước hàng ngày phải đối diện, sống chung với tình trạng nắng thì bụi mù mịt, mưa thì nước đóng vũng, sình lầy, đi lại khó khăn do các đơn vị thi công không chủ động khắc phục. Người dân buộc phải phản ánh đến các cơ quan chức năng, song việc khắc phục cũng chỉ qua loa, tạm thời. Nhiều nhà dân phải tự khắc phục hoặc “để liều” đến đâu hay đến đó.

Người dân còn phản ánh về việc hoàn trả mặt bằng không đến nơi đến chốn, như đường Phan Bội Châu, chỉ thảm nhựa một bên. Bên còn lại dù hư hỏng nhiều đoạn nhưng đơn vị thi công không thảm nhựa. Đường Hai Bà Trưng đoạn từ Nguyễn Huệ rẽ vào Phan Đình Phùng cũng tương tự.

Chỉ khắc phục trong phạm vi thi công

Liên quan đến ảnh hưởng trong quá trình thi công dự án cải thiện môi trường nước TP. Huế,  Chủ tịch UBND TP. Huế Nguyễn Văn Thành từng yêu cầu Ban quản lý dự án CTMTN phải đảm bảo an toàn trong thi công, có biện pháp giảm bớt bụi bẩn, tưới nước vào mùa nắng nóng, tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân để tạo sự đồng thuận, tổ chức họp báo để thông tin về quá trình triển khai dự án trong tháng 3/2017, song đến nay hoạt động trên vẫn chưa được tổ chức.

Liên quan đến phản ánh của người dân về một số tuyến đường sau khi thi công xong đường cống thoát nước, đơn vị thi công chỉ thảm nhựa ở khu vực thi công, những vị trí ảnh hưởng dù hư hỏng, sụt lún vẫn không được khắc phục, Giám đốc Ban quản lý dự án CTMTN TP. Huế thông tin, do trong gói thầu dự án chỉ chi trả kinh phí cho việc hoàn trả mặt bằng trong phạm vi dự án nên đơn vị thi công không có kinh phí để thảm nhựa toàn bộ tuyến đường. Hơn nữa, hạ tầng giao thông của Huế hiện chưa đồng bộ, nhiều tuyến đường xuống cấp, khi phương tiện, mật độ lưu thông lớn khó tránh khỏi hư hỏng, sụt lún.

Tuy nhiên, theo người dân, qúa trình thi công, các phương tiện  nặng như xe múc, xe cẩu hoạt động ngày đêm để múc đất, di chuyển vật liệu khiến đường giao thông xuống cấp. Vậy ảnh hưởng này vì sao không được đặt ra trong quá trình lập dự án?

Trả lời câu hỏi trên, ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc Ban quản lý dự án CTMTN TP. Huế  cho hay, nếu đưa vào dự án, kinh phí sẽ “đội” lên rất nhiều, như thế nhà tài trợ sẽ không đồng ý, do đó, chỉ tính kinh phí hoàn trả trong phạm vi dự án. Một số nhà thầu hiện nay cũng khá vất vả với việc hoàn trả mặt bằng, bởi ở một số điểm thi công, họ không lường trước được mức độ hư hỏng sụt lún do địa chất yếu, đường kính cống thoát nước khá lớn, từ phi 400-800, cống hộp dài 1.000- 2.000m và độ sâu 5-6m nên dù áp dụng các biện pháp thi công tiên tiến nhất cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng đến nền đường, vỉa hè, cây xanh.

Hiện, Ban quản lý dự án CTMTN TP. Huế đang trình phương án xin kinh phí hoặc trích một phần kinh phí từ nguồn quỹ dự phòng để hoàn thiện toàn bộ mặt đường ở những tuyến đường thi công.  Đối với việc chậm hoàn trả mặt bằng, chủ đầu tư dự án cho hay, đã họp ban chỉ đạo và các nhà thầu thi công theo hình thức cuốn chiếu, thi công đến đâu, hoàn trả đến đó, tuy nhiên, do số lượng điểm thi công khá lớn, hàng trăm điểm nên việc hoàn trả chưa như mong đợi. Hơn nữa, có một số tuyến đường phải thi công cùng lúc hai ba đường cống thoát nước nên phải đợi thi công hoàn thiện toàn bộ mới hoàn trả mặt bằng.

Bài, ảnh: TÂM HUỆ

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030

Ngày 27/3, Ban Giám đốc Sở Y tế có buổi tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) về khả năng triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025-2030”, trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030

TIN MỚI

Return to top