ClockThứ Năm, 16/03/2017 14:11
PHỤ CẤP CHO NHÂN VIÊN Y TẾ TỔ DÂN PHỐ:

Còn chờ kinh phí đợt hai

TTH - Theo phản ánh của đội ngũ nhân viên y tế tổ dân phố phường Thuận Hòa, TP. Huế, những năm trước đến tháng 12/2015, họ được hưởng phụ cấp 100.000 đồng/tháng. Năm 2016 đến nay, số tiền phụ cấp này không được hưởng mà không rõ nguyên nhân. Trong khi đó, nhân viên y tế tổ dân phố (NVYTTDP) làm rất nhiều việc để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân.

Nhân viên y tế tổ dân phố tham gia phát tờ rơi tại chương trình truyền thông về sức khỏe tại phường Vỹ dạ, TP. Huế

“Cánh tay nối dài” của ngành y tế

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, NVYTTDP 21, phường Thuận Hòa cho biết, năm 2009, bà được cử đi học lớp NVYT khu phố (thôn, bản) tại Trường cao đẳng Y tế Huế trong thời gian 3 tháng. Sau khi học xong, bà được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình học và làm NVYT tại tổ 21, trực thuộc Trạm Y tế Thuận Hòa. Nhiệm vụ của bà là tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, tham gia hoạt động chuyên môn y tế tại cộng đồng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; sơ cứu ban đầu và chăm sóc các bệnh thông thường; tham gia thực hiện các chương trình y tế tại tổ; nắm bắt tình hình dịch bệnh tại địa bàn; tuyên truyền và vận động người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh... Hàng tháng đều có báo cáo về trạm y tế phường. Với nhiệm vụ như vậy, bà được nhận mức phụ cấp 100.000 đồng/tháng. Nhưng từ năm 2016 đến nay, bà không nhận được bất cứ khoản phụ cấp nào. Trong khi đó, công việc trong năm bà vẫn đảm bảo.

Cũng như bà Hà, bà Hoàng Thị Ngọc Ánh, NVYT tổ 7, phường Thuận Hòa tham gia công tác y tế tại địa phương từ năm 2009. Năm 2010, bà tham gia lớp đào tạo 3 tháng. Theo bà Ánh, công việc của NVYTTDP thì nhiều, rất vất vả. Có những lúc phải đi lại 2 đến 3 lần do gia chủ đi vắng; đôi lúc gia chủ không hợp tác, bị chó cắn…Vậy nhưng năm 2016 đến nay không được nhận phụ cấp, dù bà và các NVYTTDP đã nhiều lần kiến nghị lên trạm y tế, UBND phường nhưng vẫn không được xem xét, giải quyết.

Không chỉ NVYTTDP, các cộng tác viên dân số- kế hoạch hóa gia đình (CTV DS-KHHGĐ) cũng gặp nhiều bất cập trong chế độ, chính sách. Theo nhiều CTV DS-KHHGĐ phường Thuận Hòa, năm 2016, mỗi CTV chỉ nhận được 6 tháng phụ cấp tương đương 600.000 đồng từ nguồn kinh phí do Trung ương cấp. Còn lại 600.000 đồng chưa được nhận.

Bà Đoàn Thị Minh, CTV DS-KHHGĐ tổ 2, phường Thuận Hòa phản ánh, bà được Trung tâm DS-KHHGĐ TP. Huế ký hợp đồng làm CTV DS-KHHGĐ từ năm 2000. Nhiệm vụ của bà hàng tháng phải điều tra, tổng hợp và báo cáo về trạm y tế phường những biến động về dân số, tăng, giảm, sinh, tử; các trường hợp chuyển đi, chuyển đến, kết hôn; tuyên truyền các biện pháp sinh đẻ có kế hoạch, các biện pháp tránh thai; đăng ký mô hình xã, phường, cụm dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên …và những nhiệm vụ do Trung tâm DS-KHHGĐ TP. Huế, trạm y tế phường giao. Trước đây, hàng tháng bà được hưởng mức phụ cấp 0,2 so với lương cơ bản do ngân sách tỉnh chi trả và 100.000 đồng do Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số chi trả. Năm 2016, ngoài mức phụ cấp do tỉnh chi trả, bà chỉ nhận được 600.000 đồng của chương trình mục tiêu Y tế - Dân số. Số tiền còn lại bà không được nhận.

Sớm xem xét, giải quyết

Ông Hoàng Giang Thanh, Chủ tịch UBND phường Thuận Hòa cho biết, toàn phường có 22 tổ dân phố, trong đó có 28 người làm NVYT và CTV DS-KHHGĐ. Đây là lực lượng cán bộ cơ sở, góp phần giúp trạm y tế phường trong công tác tuyên truyền và trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ về y tế và DS-KHHGĐ tại cộng đồng dân cư. Phải khẳng định rằng, đội ngũ này là “cánh tay nối dài” của ngành y tế trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân. Việc các NVYT phản ánh, UBND phường đã chất vấn HĐND phường và TP.Huế, nhưng chưa được trả lời thỏa đáng.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 729 thôn, bản và 644 tổ dân phố, bao gồm cả TP. Huế và các thị xã, thị trấn. Hiện nay, NVYT của 729 thôn, bản được nhận phụ cấp 0,5 so với mức lương cơ bản, đối với những xã đặc biệt khó khăn và 0,3 mức lương cơ bản ở những xã còn lại. 644 tổ dân phố không được hưởng phụ cấp.

Theo báo cáo của Sở Y tế , chế độ phụ cấp cho NVYT thôn bản, tổ dân phố qua các thời kỳ có nhiều mức do UBND tỉnh quy định: năm 1998 là 40.000 đồng/người/tháng, năm 2003 là 70.000 đồng/người/tháng và từ năm 2008 đến tháng 12/2015 là 100.000 đồng/người/tháng. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 75/2009/QĐ-TTg về việc quy định chế độ phụ cấp cho NVYT thôn bản. Quyết định này không áp dụng với NVYTTDP. Ngày 14/1/2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 02/2015/QĐ-UBND quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách, mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị- xã hội ở xã phường, thị trấn và thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh; trong đó không có đối tượng NVYTTDP. Vì vậy, từ tháng 1/2016 đến nay, NVYTTDP ở phường, thị trấn chưa có chế độ phụ cấp.

TS-BS Nguyễn Nam Hùng, Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện nay Sở Y tế đã lập dự thảo đề án về việc quy định số lượng, mức phụ cấp cho NVYTTDP để trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. Theo đó, mỗi NVYTTDP được hưởng phụ cấp là 0,1 so với mức lương cơ bản. Sở mong rằng, đề án này sẽ sớm được cấp có thẩm quyền phê duyệt để đội ngũ NVYTTDP tiếp tục công tác góp phần thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân.

Bài, ảnh: HẢI HUẾ

ThS. BS Trần Đức Sáo, Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế :

Vai trò NVYTTDP rất quan trọng

 Đội ngũ NVYT thôn bản, tổ dân phố là những người nắm bắt những diễn biến bất thường sớm nhất về tình hình dịch bệnh, môi trường tại nơi mình phụ trách, đã vận động, tuyên truyền kịp thời về cách phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân thiết thực và hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của gia đình và cộng đồng. Từ khi đội ngũ NVYTTDP đi vào hoạt động, công tác phòng chống dịch bệnh ngày càng đạt kết quả tốt, cụ thể trên địa bàn TP. Huế từ năm 1998 đến nay, các dịch bệnh tả, thương hàn không xảy ra; dịch sốt xuất huyết, H5N1,… được phát hiện sớm và khống chế kịp thời; trong đó, vai trò của NVYTTDP là rất lớn. Hiện nay, nếu không có chế độ phụ cấp, NVYTTDP sẽ không làm nữa, gây lãng phí kinh phí đào tạo của Nhà nước cũng như ảnh hưởng lớn đến công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

BSCKII Tôn Thất Chiểu - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh:

Xin ý kiến UBND tỉnh xem xét, quyết định

Năm 2016, Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số mới chỉ cấp đợt 1 là 50% kinh phí nên chế độ cho CTV DS-KHHGĐ chỉ mới được cấp 6 tháng là 600.000 đồng/CTV. Hiện nay, chúng tôi đang chờ kinh phí đợt 2 của Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số. Nếu Trung ương chi trả đợt 2, chúng tôi sẽ tiếp tục cấp cho CTV.

Năm 2017, mức thù lao 100.000 đồng/tháng cho CTV DS-KHHGĐ ở các thôn, xóm, ấp, bản, tổ dân phố và cụm dân cư do Ngân sách Trung ương chi nhưng Bộ Y tế đã có văn bản số 7715/BYT-TCDS chuyển về cho địa phương chi trả. Hiện nay, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đang tham mưu Sở Y tế phối hợp Sở Tài chính xin ý kiến của UBND tỉnh xem xét, quyết định.

THANH HẢI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai

Chiều 28/3, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành phẫu thuật cho nhóm bệnh nhi Gia Lai. Đây là các trường hợp được Quỹ Friedens Kinder (Đức) tài trợ chi phí mổ.

Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai
Hàn Quốc sẽ mở rộng hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển

Theo Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSC), Hàn Quốc sẽ mở rộng các hoạt động của hội đồng hợp tác tài chính quốc tế của quốc gia này nhằm hỗ trợ tốt hơn cho việc mở rộng ra nước ngoài của các doanh nghiệp địa phương, cũng như giúp phát triển lĩnh vực tài chính của các quốc gia khác.

Hàn Quốc sẽ mở rộng hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển
Lập kế hoạch sử dụng vốn phục hồi sinh kế cho 1.000 nữ nông dân

Ngày 21/3, Ban điều hành Dự án phục hồi sinh kế sau COVID-19 cho nữ nông dân tại các xã khó khăn đã tổ chức tập huấn cho 170 người ở xã Phú Diên, Phú Vang. Hoạt động có sự tham gia, giám sát của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, cán bộ dự án Oxfam, giảng viên trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện.

Lập kế hoạch sử dụng vốn phục hồi sinh kế cho 1 000 nữ nông dân
Return to top