ClockThứ Ba, 15/06/2010 10:25

Con đường của ngày xưa

TTH - Tôi có người bà con nay tuổi đã ngoài 80, hiện sống ở TP Hồ Chí Minh. Xa quê đã lâu ngày nhưng ông vẫn giữ được ký ức đẹp về Huế xưa. Hôm mới rồi có dịp đi công tác, tôi ghé thăm ông. Chuyện trò một hồi, nghe ông bất giác thở dài: “Có người quen ở đường Bộ Tham. Lâu quá rồi, không biết bây giờ sống chết ra sao?”. Nghe là lạ, tôi vặn hỏi mới hay đó là một tên gọi khác của đường Đặng Dung.
Theo cách giải thích của ông thì Thành Nội xưa chính là Kinh thành Huế nên ta không lấy gì làm lạ khi nhiều con đường, nhiều khu vực có tên mang âm hưởng triều đình dù chẳng bao giờ chính thức được đặt tên như thế. Đó là sản phẩm của dân gian. Ví như đường Nguyễn Chí Diểu còn có tên là đường Lục Bộ bởi đơn giản xưa kia 6 bộ của Triều đình là Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công đóng tại đây. Xưa, đứng đầu mỗi bộ là một quan Thượng thư. Phụ tá Thượng thư có Tả và Hữu Tham tri. Kế đến là Tả và Hữu Thị lang. Vậy nên, con đường chay ngang qua công đường của 6 bộ thì gọi là đường Lục Bộ; ngang qua công đường của các Tham tri 6 bộ gọi là đường Bộ Tham; ngang qua công đường các Thị lang gọi là đường Bộ thị, tức đường Nguyễn Biểu.
 
Đường Tống Duy Tân
 
Ngay ở khu vực Thành Nội mà tôi được biết, hầu như con đường cũng có ít nhất hai tên gọi, còn ba hay bốn tên gọi trở lên cũng là chuyện bình thường và mỗi tên gọi đều gợi mở trong lòng ta bao ký ức về dấu tích của một vùng đất văn hoá giàu truyền thống. Bước chân đến Huế, một trong những ấn tượng mạnh đập vào mắt du khách là Kỳ đài gió ngàn lồng lộng. Kỳ đài là chữ dùng trong sách vở. Với người dân, họ cứ Cột Cờ mà gọi. Con đường ngang qua Kỳ đài Huế do thế không có tên gì hơn là đường Cột Cờ, đọc lên ai cũng có thể hình dung được ngay vị trí của nó, tức là đường Ông Ích Khiêm hiện nay.
 
Cũng trên con đường này, mỗi đoạn lại mang một tên khác. Chẳng hạn, đoạn gần Quan Tượng Đài- đài quan sát thiên tượng của cơ quan Khâm Thiên Giám được gọi là đường Nam Đài. Dân chẳng rõ Quan Tượng Đài là gì. Họ gọi là đường Nam Đài bởi thấy có một cái đài được dựng lên trên mặt thành phía nam rất dễ thấy và trông rất đẹp.
 
Đường Đinh Tiên Hoàng
 
Hay con đường Mai Thúc Loan nay. Xưa có tên là đường Đông Ba vì dẫn ra ca Đông Ba. Người Pháp gọi Mirador IX, có tên chính thức là Chính Đông. Một thời, Nhà nước cho xây hai bên đường những ngôi nhà kiểu mới bán cho công chức Nam Triều, đa số là các ông Thừa phái nên đường Mai Thúc Loan còn có một tên gọi ít người biết, mang dấu tích của một thời đã qua: Đường Thừa Phái.
 
Tôi không phải là nhà nghiên cứu nhưng bị hấp dẫn bởi tên gọi của những con đường ở Huế. Nó quả đúng là câu chuyện thú vị, mang dáng dấp, đặc trưng riêng biệt của một Huế xưa, xứ Thần kinh, đất Kinh thành, nhiều hoài niệm, lắm đổi thay và không ít những nhớ thương.
 
Cửa Quảng Đức
 
Con đường ở Huế như những đứa con trong gia đình Huế. Có tên gọi trong những giấy tờ văn bản và cũng có tên gọi của một thuở. Cha mẹ đặt cho con những cái tên không chính thức để gọi hằng ngày, thể hiện tâm trạng cùng những khát vọng ấp ủ, đọc lên nghe gần gũi và thân thương. Huế là đô thị duy nhất ở Việt Nam còn lại Kinh thành của một thời đế đô.
 

Đường Đoàn Thị Điểm

 

Trong sự phát triển đi lên hôm nay, Huế đang trông cậy nhiều đến du lịch. Cũng như nhiều người, tôi nghĩ sự hấp dẫn đặc biệt của Huế dành cho khách thập phương vẫn là mong muốn được khám phá về một Huế vàng son một thuở. Thì đây, những con đường ở Huế, qua tháng năm, qua biến động, trong hành trình đổi mới để hội nhập và phát triển có thể có những thay đổi nhưng đừng để phôi pha đi những câu chuyện đẹp, những tên gọi một thời đã qua. Sẽ hấp dẫn và thú vị biết bao khi được khám phá Huế từ tên gọi của những con đường.  
Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top