ClockThứ Tư, 26/04/2017 20:33

Con đường không “bằng phẳng” nhưng tất yếu

TTH.VN - Chặng đường đi từ Hiệp định hoà bình Paris đến hoà bình và thống nhất đất nước trên thực tế của Nhân dân Việt Nam không “bằng phẳng”. Nhưng vượt qua mọi toan tính chiến lược và sách lược của Mỹ, xu thế chiến thắng Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước của quân và dân hai miền Nam - Bắc Việt Nam là tất yếu.

1. Sáu tháng sau khi bước vào Nhà trắng trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Mỹ Richard Nixon bắt đầu thi hành học thuyết của mình, một chiến lược chiến tranh mới: Rút dần quân Mỹ về nước; từng bước thực hiện “Phi Mỹ hoá chiến tranh” rồi “Việt Nam hoá chiến tranh”; “Dùng người Việt đánh người Việt” bằng viện trợ và vũ khí của Mỹ; kết hợp chiến tranh hủy diệt, chiến tranh giành dân và chiến tranh bóp nghẹt để khống chế phần lớn miền Nam, làm cho quân cách mạng mất chỗ dựa, tiến tới bao vây cô lập, bóp nghẹt, làm suy yếu sức chiến đấu của các đơn vị vũ trang còn bám trụ trên chiến trường, làm cho cuộc chiến tranh cách mạng bị “tàn lụi”.

Mặc dù vậy, những cuộc tiến công quy mô lớn ra ngoài biên giới miền Nam Việt Nam (1970); cuộc hành quân Lam Sơn 719 với sự hỗ trợ mạnh mẽ của không quân và pháo binh Mỹ nhằm khống chế vùng đường số 9 - Nam Lào (2/1971); công thức Việt Nam hoá chiến tranh trên chiến trường: Quân đội Sài Gòn + Hoả lực Mỹ + Hậu cần Mỹ = Chiến thắng... đều không mang lại kết quả như Mỹ mong muốn. Những mục tiêu cơ bản là tiêu diệt các đơn vị chủ lực, tiêu diệt căn cứ kháng chiến đầu não của miền Nam, cắt đường vận chuyển chiến lược xuyên Đông Dương đều không đạt được, một phần lực lượng quân chủ lực thiện chiến bị tổn thất. Không những thế, khi bộ phận chiến đấu chủ lực bị đưa ra tác chiến ở vùng rừng núi biên giới đã để lỏng vùng nông thôn và đô thị cho đối phương giành lại thế chủ động.

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ảnh Tư liệu

Trên trường ngoại giao, trước nhiệm kỳ thứ hai của mình, R. Nixon đã có nhiều hoạt động “tìm kiếm hoà bình”. Những chuyến đi Bắc Kinh (2/1972) và Moskova (5/1972) gặp gỡ các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc và Liên Xô mang về cho Nixon những thuận lợi trong sự mặc cả về vấn đề Việt Nam với những cường quốc cộng sản. Nhưng những người Việt Nam cũng đã rút ra những kinh nghiệm của mình từ Hội nghị Giơnevơ năm 1954 - khi những gì đạt được trên bàn hội nghị không tương xứng với những gì họ đã đạt được trên chiến trường do những sức ép chính trị từ nhiều phía khác. Mặc dù những sự hỗ trợ từ phía Liên Xô và Trung Quốc với Hà Nội trong cuộc đối đầu với Washington và Sài Gòn là rất to lớn nhưng một nhà phân tích Nga đã nhận xét: “Hà Nội cố gắng giảm bớt sự gắn bó quan hệ với Liên Xô cũng như Trung Quốc và không muốn để mất đi tính độc lập của mình trước hai đồng minh đầy thế lực”[1].

2. “Pháo đài bay” B52 và “Cuộc ném bom Giáng sinh” tàn bạo 1972 của Nixon đã không lật ngược được thế cờ. Mặc dù Nixon có thể cho phép mình tin rằng, việc phía Việt Nam chấp nhận nối lại những cuộc đàm phán tại Paris là “sự đầu hàng tuyệt vời của địch theo các điều kiện của chúng ta” nhưng ngày 6/1/1973, ông Lê Đức Thọ đã tới Paris trong vòng hào quang Điện Biên Phủ trên không của Nhân dân Việt Nam và Mỹ đã phải chấp nhận Hiệp định Paris được ký chính thức ngày 27/1/1973.

Trong Hiệp định, Mỹ cũng đã đạt được phần nào những gì họ muốn: Đưa quân viễn chinh cùng tù binh Mỹ ra khỏi cuộc chiến ở Việt Nam và xoa dịu dư luận bằng một hiệp định hoà bình. Thiệu giữ được chính quyền của mình và bấu víu vào những cam kết trợ giúp của Mỹ. Tuy nhiên, họ không thể loại bỏ được những gì không muốn: Thừa nhận miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát, ba lực lượng chính trị; trong một thời hạn ngắn (60 ngày) phải rút toàn bộ quân đội, cố vấn quân sự, nhân viên kỹ thuật, vũ khí, vật dụng chiến tranh của Mỹ và các nước ngoài khác ra khỏi miền Nam Việt Nam trong khi lực lượng vũ trang cách mạng vẫn ở tại vị trí của họ.

Mỹ cũng đã dự kiến và gấp rút thực hiện những biện pháp đối phó với những bất lợi bị Hiệp định Paris quy định. Nhiều điều khoản của Hiệp định đã bị vi phạm trước khi ký và chuẩn bị cho sự vi phạm sau khi ký. Chỉ trong thời gian ngắn, từ cuối năm 1972 đến đầu năm 1973, Mỹ đã gấp rút thực hiện kế hoạch Enhance (Tăng cường) và Enhance Plus (Tăng cường thêm nữa) nhằm củng cố sức mạnh cho quân đội Sài Gòn đủ sức đứng vững sau khi quân Mỹ rút đi. Cầu hàng không của Mỹ đã đổ cho quân đội Sài Gòn 700 máy bay, 500 pháo các loại, 400 xe tăng và xe bọc thép, bổ sung 2 triệu tấn dự trữ vật tư chiến tranh[2].

Ngay sau khi thống nhất cụm từ “ba vùng kiểm soát”, dưới sự quy định của một cuộc ngừng bắn tại chỗ trong khi dự thảo văn bản Hiệp định, ngày 11/10/1972, H. Kissinger đã điện cho E. Bunker - Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn “yêu cầu Thiệu cố gắng hết sức để lấn chiếm được càng nhiều càng tốt vùng do Chính phủ cách mạng lâm thời kiểm soát”[3]. Thiệu đã xúc tiến gấp kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”, lấn chiếm, bình định trong thời gian trì hoãn ký Hiệp định. Sau khi Hiệp định có hiệu lực, những vi phạm vẫn tiếp tục diễn ra với quy mô lớn bằng nhiều cuộc hành quân của Thiệu đánh chiếm Cửa Việt (28/1/1973); đánh chiếm Sa Huỳnh và nhiều nơi khác thuộc miền Trung, lấn chiếm vùng đồng bằng sông Cửu Long...  

3. Vụ Watergate bùng nổ làm đảo lộn chính trường Mỹ. R. Nixon ra đi và lực lượng quân sự Mỹ không còn khả năng quay lại miền Nam Việt Nam như trước Hiệp định Paris và như lời hứa của ông ta với đồng minh ở Sài Gòn. Trên chiến trường, sau khi quân Mỹ đã rút, nguồn viện trợ quân sự từ Mỹ bị sụt giảm đáng kể, quân đội Sài Gòn không thể làm nổi những gì mà hơn nửa triệu quân Mỹ và gần 8 triệu tấn bom đạn đã không làm được trong những năm trước đó.

Đến đầu năm 1975, sau khi phân tích tình hình chung và từng chiến trường, Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam với kế hoạch chiến lược 1975 - 1976, nếu có thời cơ thì giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Quyết tâm đấu tranh thống nhất đất nước chưa bao giờ thay đổi từ khi đất nước bị chia cắt, đến thời điểm đó đã được xác định bằng một mốc thời gian cụ thể và dần trở thành hiện thực.

Bằng tất cả quyết tâm và tinh thần quả cảm, bằng tất cả nỗ lực chiến đấu, hy sinh và tận dụng được tình thế, Nhân dân Việt Nam đã giành được chiến thắng. Những cố gắng tuyệt vọng cuối cùng của Mỹ và chính quyền Sài Gòn không thể đảo ngược dòng chảy của lịch sử, không thắng được ý chí thống nhất đất nước của cả một dân tộc./.

Ngô Vương Anh

 

[1] Ilia.V. Gaiduk - Liên bang xô viết và chiến tranh Việt Nam - Nxb Công an Nhân dân , Hà Nội, 1998, tr. 405

[2] Ban tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị - Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - Thắng lợi và bài học - Nxb CTQG, Hà Nội, 1996, tr. 328

[3] H.Kissinger - Ở Nhà trắng - Dẫn lại theo Lưu Văn Lợi; Nguyễn Anh Vũ - Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ Kísinger tại Paris - Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội, 1996, tr. 417

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển đổi số ngành du lịch: Phải đồng bộ, thống nhất

Chuyển đổi số được xác định là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch khi mang lại cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả, cần đẩy nhanh chuyển đổi số trong ngành du lịch theo hướng đồng bộ, thống nhất.

Chuyển đổi số ngành du lịch Phải đồng bộ, thống nhất
Thống nhất, trao đổi thông tin giữa Thừa Thiên Huế và Salavan

Sáng 23/6, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đã có buổi tiếp Đoàn công tác của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Salavan (Lào) do ông Chăn Sa Mỏn – Phôm Ma Sẻng, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Salavan dẫn đầu nhân chuyến thăm, làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thống nhất, trao đổi thông tin giữa Thừa Thiên Huế và Salavan
Phiên họp thứ 23 Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
Bảo đảm kế thừa, thống nhất trong các văn bản lấy phiếu tín nhiệm

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23, sáng 11/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Bảo đảm kế thừa, thống nhất trong các văn bản lấy phiếu tín nhiệm
Return to top