ClockThứ Năm, 12/04/2012 14:58

Con đường lễ hội

TTH - Ở Huế, Lê Lợi được xem là đường phố chính và là con đường đẹp nhất Cố đô. Trong lịch sử hình thành các đường phố ở Huế, đường Lê Lợi có rất sớm từ đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc các trại thủy sư nhà Nguyễn đóng ở bờ Nam sông Hương. Từ 1943 trở về trước, người Pháp đặt tên là đường Jules Ferry (Rue Jules Ferry), còn dân gian thì gọi là đường Thủy sư; giữa năm 1943, đoạn từ cầu Trường Tiền đến Đập Đá được cắt ra đặt tên đường Graffeuil (Rue Gaffeuil); đoạn còn lại vẫn mang tên Jules Ferry. Năm 1956, gộp hai đoạn làm một, đặt tên là đường Lê Thái Tổ. Sau năm 1965, đổi thành đường Lê Lợi và tồn tại cho đến ngày nay. Dân gian vẫn có cách gọi riêng là đường Tòa Khâm.

Người Huế tự hào về con đường Lê Lợi với hàng chục cây cổ thụ còn lại của Huế xưa. Bao người Huế cũng từng gắn bó với những công viên rợp bóng cây xanh trải dài dọc bên đôi bờ sông Hương, tạo nên một cảm giác thư thái nhẹ nhàng, đặc biệt trong những ngày hè nắng nóng. Cũng không có đường phố nào ở Huế lại có nhiều công trình mang tính biểu tượng cho cả một vùng đất như Lê Lợi, với những tên tuổi như các trường Quốc Học, Hai Bà Trưng, như Bệnh viện Trung ương Huế… Và tháng tư về, với Festival Huế, lại có một cảm giác lạ khi đi trên con đường thân quen này.

Khởi đầu từ phía đường Bùi Thị Xuân, nơi tiếp giáp là ga Huế, đi qua ngã ba tiếp giáp các đường Nguyễn Huệ, Phan Bội Châu, Hà Nội, Hùng Vương…rồi đến Trường đại học Sư phạm Huế (Toà Khâm cũ) và kết thúc ở Đập Đá, với trên 2,2 km chiều dài, đường phố Lê Lợi hôm nay ngập tràn sắc màu. Thì ra, cái cảm giác lạ bắt nguồn từ những sắc màu rộn ràng của lễ hội kia. Tôi nghĩ, nó là sự tưng bừng náo nhiệt của lễ hội sakê; là những cảm xúc mạnh, ắp đầy ước vọng chinh phục của sân chơi biểu diễn máy bay mô hình hay ngày hội đua thuyền trên sông Hương; là sự rộn ràng, khoe sắc của lễ hội áo dài; là những khám phá nhẹ nhàng, sâu sắc và ý nhị của phòng tranh, những triển lãm và còn nữa là không gian rất Huế của quán hàng cà phê ngày thường ngày, nay bỗng thêm đông vui bởi có nhiều gương mặt lạ…
 

Đường Lê Lợi trong những ngày lễ hội. Ảnh: Internet

Tôi đã có một cảm giác thật rộn ràng và bất ngờ đến oà vỡ khi bắt gặp cảnh tượng đường phố bị khuấy động bởi những đoàn diễu hành nhiều sắc vẻ, những vũ điệu rộn ràng âm thanh và những màn trình diễn độc đáo, thú vị đã đem đến những luồng sinh khí cho đường phố Lê Lợi khi xuống phố chiều nay. Lễ hội đường phố và chương trình nghệ thuật đường phố là một điểm nhấn tuyệt vời của Festival Huế. Trên thế giới, lễ hội đường phố là câu chuyện không xa lạ. Ở Việt Nam cũng đã có những lễ hội đường phố nhưng ở Huế vẫn là cái gì đó thật lạ, thật riêng và rất Huế. Nó là sự phản ánh đúng cái tinh thần của chủ đề Festival Huế “Di sản hội nhập và phát triển”.

Ngót nghét 500 lễ hội trong năm, hiện có đến hơn 100 lễ hội trong số đó được khôi phục, phát huy và với 7 kỳ festival thành công, Huế xứng đáng với danh xưng là thành phố lễ hội của Việt Nam. Còn với Festival, Huế đã có một không gian lễ hội là Kinh thành Huế và con sông Hương thơ mộng và cũng đang dần có một con đường lễ hội. Và tôi đã nghĩ đến đường phố Lê Lợi bởi vị thế, cảnh quan và cũng bởi tầm vóc của một con đường có lịch sử hàng trăm năm tồn tại, đã đi vào tiềm thức của bao thế hệ và giờ đây vẫn tiếp tục là biểu tượng của Huế trong hành trình phát triển hội nhập.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top