ClockThứ Ba, 28/05/2019 06:45
PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY TRONG NHÀ Ở KẾT HỢP KINH DOANH:

Còn lơ là, chủ quan

TTH - Nhà ở cũng là nhà kho, là nơi sản xuất kinh doanh buôn bán các mặt hàng dễ cháy nổ, thế nhưng lối thoát nạn và hệ thống báo cháy không có; người dân chủ quan với việc phòng ngừa hỏa hoạn… là thực tế đáng báo động tại các nhà ở kết hợp kinh doanh trên địa bàn TP. Huế.

Phòng cháy chữa cháy ở trường học, ký túc xáHơn 200 hộ kinh doanh được tập huấn kiến thức và thực hành phòng cháy chữa cháy

Kiểm tra phương tiện PCCC luôn được lực lượng chức năng thực hiện thương xuyên

Không có lối thoát nạn, hệ thống báo cháy

Kết luận của lực lượng công an và cơ quan chức năng có liên quan cho thấy, vụ cháy xảy ra cách đây 1 tháng (18/4) ở cửa hàng xe đạp điện tại địa chỉ 81 đường An Dương Vương, phường An Đông (TP. Huế) làm 3 người trong một gia đình tử vong là do chập điện.

Lúc xảy ra cháy, ngôi nhà chứa nhiều hàng hóa dễ cháy như xăm, lốp, dầu mỡ… Đây vừa là cửa hàng, nhưng cũng là nơi ở của chủ nhà, nhưng lối thoát nạn và hệ thống báo cháy không hề có. Ngôi nhà chỉ có 1 cửa chính ra vào, 1 lối cầu thang đi lên tầng 2, nên khi xảy ra hỏa hoạn rất  khó khăn cho công tác cứu hộ.

Thiếu tá Nguyễn Văn Hà, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an tỉnh cho biết: “Trên địa bàn TP. Huế, cơ sở sản xuất kinh doanh nằm trong nhà ở rất phổ biến, chiếm gần 100% ở các tuyến phố, mặt phố. Các mặt hàng kinh doanh chủ yếu là hàng hóa dễ cháy nổ, nhưng không phải người dân nào cũng chấp hành nghiêm quy tắc an toàn PCCC đối với cơ sở kinh doanh của mình”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy tại nhà dân; trong đó, nguyên nhân chính là do chập điện, bất cẩn trong sử dụng các nguồn nhiệt. Các loại nhà này được thiết kế, xây dựng theo kiểu nhà ống, chỉ có lối đi lại ở cửa chính, đồng thời, cũng là cửa thoát nạn, không có lối thoát nạn dự phòng, không có giải pháp ngăn cháy lan, chống khói. Nhiều hộ kinh doanh còn cơi nới, cải tạo, lắp đặt biển quảng cáo có kích thước lớn, xây dựng các lồng bằng thép kiên cố ở khu vực ban công. Ngoài ra, các loại nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh chủ yếu nằm trong khu vực đông dân cư, nhà liền kề, dẫn đến nguy cơ cháy lan cao, công tác tiếp cận để khi có sự cố gặp nhiều khó khăn. 

Thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh cho biết, năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 20 vụ cháy nhà dân, làm tử vong 4 người. Thực tế khám nghiệm hiện trường các vụ cháy cho thấy, dây điện sử dụng đối với loại nhà vừa sản xuất kinh doanh vừa kết hợp nơi ở hầu hết không đủ điều kiện phụ tải, lắp đặt đấu nối không đúng kỹ thuật phục vụ việc kinh doanh và sinh hoạt. Người dân ít quan tâm đến việc bảo trì, cải tạo hệ thống điện; có thói quen treo mắc hàng hóa, vật dụng, để các chất dễ cháy lên đường dây điện, nên nguy cơ cháy rất cao.

Tuyên truyền kết hợp kiểm tra, xử lý

Thiếu tá Lê Văn Thứ, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh cho biết: “Các hộ kinh doanh buôn bán rất chủ quan, mất cảnh giác trong công tác PCCC. Họ luôn xem việc PCCC là trách nhiệm của cơ quan chuyên trách. Vì vậy, khi có hỏa hoạn xảy ra phương án PCCC và CNCH tại chỗ hầu như không phát huy tác dụng nên gây thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng…

Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã phân công lực lượng trực tiếp đến từng hộ gia đình tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân sử dụng các vật dụng hàng ngày như: bếp ga, máy giặt, các thiết bị điện dân dụng trong gia đình; cách phát hiện cháy nổ, cách thoát hiểm khi có hỏa hoạn xảy ra. Bên cạnh công tác tuyên truyền, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cũng tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá các tiêu chí an toàn; các điều kiện về thoát nạn ở khu vực hành lang, ban công… Hướng dẫn cách bố trí hàng hóa, quản lý vùng lửa nguồn nhiệt ở những nơi thờ cúng, đun nấu; vận động người dân mua sắm trang thiết bị an toàn PCCC.

“Công an TP. Huế đã và đang phối hợp với các đơn vị chức năng lập hồ sơ, danh sách các khu dân cư trọng điểm về phòng cháy; các cơ sở nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà trọ tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ để chủ động kiểm tra, chấn chỉnh, phòng ngừa. Tiến hành rà soát, xây dựng, hoàn thiện và tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ, trang bị phương tiện cho lực lượng chữa cháy dân phòng và các lực lượng chữa cháy tại chỗ theo phương châm “chủ động phòng ngừa, sẵn sàng chữa cháy” nhằm hạn chế tối đa các vụ cháy, nổ xảy ra. Đồng thời, khuyến cáo người dân, nhất là các hộ gia đình có nhà mặt phố kết hợp kinh doanh cần nâng cao trách nhiệm, chủ động phòng ngừa, khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót về PCCC, các biện pháp đảm bảo thoát nạn khi có sự cố… không để xảy ra cháy gây thiệt hại về người và tài sản”, Đại tá Hoàng Long, Trưởng Công an TP. Huế cho biết.

Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh khẳng định, thời gian tới, sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý để chấn chỉnh những thiếu sót, sơ hở trong công tác PCCC và CNCH. Tuy nhiên, rất cần sự chung tay, góp sức của từng cơ quan, doanh nghiệp và từng người dân. Có như vậy, mới mong hạn chế được các vụ cháy nổ thương tâm xảy ra.

Bài, ảnh: ANH PHONG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy chợ

Với 42 chợ truyền thống, dân sinh kinh doanh đa dạng các dịch vụ với nhiều mặt hàng dễ cháy nên công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) đã và đang được TP. Huế siết chặt bằng nhiều giải pháp.

Đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy chợ
Rà soát các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy

Chiều 13/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh đã chủ trì cuộc họp với các sở, ban, ngành và các địa phương để nghe báo cáo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các nghị quyết của HĐND tỉnh về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn tỉnh.

Rà soát các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy
Return to top