ClockThứ Bảy, 11/11/2017 13:26
ÁP DỤNG CƠ CHẾ ĐẶC THÙ ĐÀO TẠO CÁC NGÀNH DU LỊCH:

Còn nhiều băn khoăn

TTH - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) vừa ban hành Công văn 4929/BGDĐT-GDĐH về việc áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành du lịch giai đoạn 2017 - 2020. Đây là hướng đi đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và hội nhập quốc tế, song các cơ sở giáo dục, trong đó có Khoa Du lịch – Đại học (ĐH) Huế vẫn còn nhiều băn khoăn.

Sinh viên Khoa Du lịch - ĐH Huế thực tập nghề ở Bà Nà Hill

Theo công văn này, Bộ GD & ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục khẩn trương xây dựng đề án áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực du lịch trình độ ĐH với một số điểm đáng chú ý: chương trình đào tạo các ngành phải điều chỉnh theo hướng mở, dễ dàng chuyển đổi, liên thông; phối hợp giữa giảng viên và chuyên gia của doanh nghiệp trong đào tạo; tăng thời gian đào tạo tại doanh nghiệp, không ít hơn 50% tổng thời gian thực hiện chương trình.

Còn nhiều bất cập

PGS. TS. Trần Hữu Tuấn, Trưởng khoa Du lịch – ĐH Huế đánh giá, tinh thần công văn là hướng đến giải pháp giáo dục hiện đại. Tuy nhiên, Bộ GD & ĐT chưa có hướng dẫn cụ thể để các đơn vị đào tạo triển khai thực hiện. Thời gian áp dụng lại khá gấp. Bộ GD & ĐT ban hành Công văn 4929 ngày 20/10/2017, thời điểm này sinh viên năm thứ nhất đã bước vào năm học theo chương trình đào tạo truyền thống.

Theo ông Tuấn, muốn triển khai, phải xây dựng chương trình mới theo hướng rút ngắn đào tạo lý thuyết, tăng thực hành. Nếu thuận lợi, đến năm học 2018 - 2019 mới triển khai được. Lộ trình đề án là 3 năm (2017 - 2020), trong khi đó để đánh giá sản phẩm đào tạo, cần ít nhất 4 năm (mỗi khóa đào tạo 4 năm), vì vậy đến hết năm 2020, rất khó đánh giá mức độ thành công. Hơn nữa, sau giai đoạn “thí điểm”, nếu có thay đổi, sẽ gây khó cho các đơn vị đào tạo.

Điều chỉnh khung chương trình, tăng thời lượng thực hành, thực tập không phải quá khó nhưng lo ngại nhất là phía đối tác. Hiện, thời gian thực tập của sinh viên Khoa Du lịch – ĐH Huế là 4 tháng, gồm 2 tháng thực tập nghề nghiệp và 2 tháng thực tập quản lý. Đơn vị tiếp nhận sinh viên thực tập cũng muốn tăng thời lượng, nhưng chủ yếu là thực tập nghề nghiệp để hỗ trợ họ làm các công việc tiếp xúc với khách hàng. Trong khi đó, việc thực tập quản lý (quan sát, thu thập số liệu, viết báo cáo) khó hơn, vì không gian làm việc các phòng tại doanh nghiệp giới hạn.

Ông Võ Quý Tươi, Trưởng phòng Nhân sự Công ty Cổ phần Dịch vụ Cáp treo Bà Nà cũng khẳng định: “Khoa Du lịch có mối quan hệ hợp tác truyền thống với công ty trong vấn đề phối hợp đào tạo, thực hành, hằng năm gửi 500 - 700 sinh viên đến thực tập. Chúng tôi thấy việc tăng thời lượng thực tập, thực tế tại doanh nghiệp là tốt, nhưng cần giãn đều thời gian và ưu tiên thực tập nghề nghiệp để tiện lợi cho doanh nghiệp”.

Ths. Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, Trưởng bộ môn Lữ hành – Hướng dẫn du lịch, Khoa Du lịch trăn trở, theo khung chương trình đào tạo truyền thống, hiện có khoảng 1/3 thời lượng tiết học đào tạo các môn về chính trị, đại cương, kiến thức chung của ngành. Đây là phần cứng không thay đổi. Thực trạng sinh viên còn thiếu chủ động trong việc tự tiếp cận kiến thức, tự nghiên cứu thêm tài liệu, nếu rút ngắn thời lượng giảng dạy lý thuyết còn 50%, sẽ lo ngại sinh viên thiếu kiến thức cơ bản để thực tập, thực tế.

Một điểm nữa trong chương trình đào tạo theo cơ chế đặc thù là khuyến khích chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, quản lý… có kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp của doanh nghiệp tham gia giảng dạy. Theo bà Cẩm, điều kiện quy định chuyên gia là người tốt nghiệp thạc sĩ trở lên hoặc tốt nghiệp ĐH có từ 3 năm kinh nghiệm trở lên đúng ngành tham gia đào tạo thì doanh nghiệp chắc chắn đáp ứng được. Song khi áp dụng chương trình này, sẽ phải trao quyền cho phía chuyên gia nhiều, trong đó có vấn đề thời gian, lựa chọn hình thức, phương pháp giảng. “Họ khá bận ở doanh nghiệp, vì vậy phải để họ chủ động sắp xếp. Đây cũng là một cái khó cho đơn vị đào tạo”, bà Cẩm trăn trở.

Vận dụng linh hoạt

Hiện, Khoa Du lịch đã bắt tay xây dựng đề án áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực du lịch trình độ ĐH. Trước mắt, sẽ điều chỉnh khung chương trình ở hai ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn. Đây là hai ngành Khoa Du lịch đang đào tạo và nằm trong danh sách những ngành được áp dụng cơ chế đặc thù theo công văn của Bộ GD & ĐT. Hướng lâu dài, một số ngành sẽ điều chỉnh tên, mã ngành đúng theo danh mục giáo dục đào tạo cấp IV hiện hành. Theo kế hoạch, Khoa Du lịch sẽ làm việc với doanh nghiệp và khẩn trương điều chỉnh chương trình mới dựa trên việc cải tiến chương trình truyền thống nhưng rút ngắn thời lượng giảng dạy lý thuyết, tăng thực hành, thực tế.

Để tránh bị động khi hướng đào tạo này đang “thí điểm”, Khoa Du lịch dự kiến thực hiện song song hai hình thức là vẫn đào tạo truyền thống và tuyển sinh thêm các lớp theo cơ chế đặc thù (dưới các hình thức đào tạo như: chính quy, văn bằng 2 và liên thông); trong đó, sẽ có chương trình tập huấn cho cán bộ giảng viên của khoa theo cách đào tạo mới; thiết kế chương trình giảng dạy, tài liệu phù hợp.

Khoa Du lịch và các bộ môn cũng sẽ đẩy mạnh liên kết và mời các chuyên gia giàu kinh nghiệm tại doanh nghiệp phối hợp đào tạo và sẽ ngồi lại với họ, trao đổi thẳng thắn để xác định phần nội dung nào doanh nghiệp có thể đảm nhận và đề ra những quy chế phối hợp. Việc đào tạo kỹ năng cũng sẽ được chú trọng triển khai sớm hơn, từ khi sinh viên nhập học. Trong đó sẽ có sự phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên, các tổ chức câu lạc bộ, đội, nhóm nhằm giúp sinh viên có những kỹ năng cơ bản khi thực hành, thực tế với môi trường công việc và doanh nghiệp.

PGS. TS. Trần Hữu Tuấn khẳng định, cách làm hiện tại cơ bản có thể đáp ứng theo tinh thần công văn của Bộ GD & ĐT, song để hiệu quả lâu dài, cần có chính sách nhất quán về cơ chế đặc thù. Đồng thời, có thể tính đến phương án đầu tư cơ sở vật chất thực hành (nhà hàng, khách sạn) tại đơn vị đào tạo theo mô hình nhiều trường du lịch uy tín áp dụng.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ văn nghệ sĩ

Tại buổi gặp các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu, trình HĐND tỉnh ban hành sớm cơ chế, chính sách cho đội ngũ văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh để động viên, khuyến khích cho những công hiến, tài năng của các nghệ sĩ.

Cần có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ văn nghệ sĩ
HƯỚNG DÒNG VỐN VÀO LĨNH VỰC ƯU TIÊN:
Nhiều cơ chế, chính sách cho vay được mở rộng

Vấn đề này đã được ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chia sẻ cùng Thừa Thiên Huế Cuối tuần khi trao đổi về hoạt động tín dụng năm 2024, trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế đang tác động tiêu cực đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Nhiều cơ chế, chính sách cho vay được mở rộng
Thúc đẩy du lịch phát triển từ cơ chế hợp tác ASEAN+3

Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ thực hiện kế hoạch công tác hợp tác du lịch ASEAN+3 và tích cực đóng góp vào các dự án, hoạt động du lịch chung. Cơ chế hợp tác ASEAN+3 nếu tận dụng và khai thác tốt sẽ mang lại nhiều cơ hội cho du lịch quốc gia nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng.

Thúc đẩy du lịch phát triển từ cơ chế hợp tác ASEAN+3
“Nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” của thực thi pháp luật

Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 132-QĐ/TW (QĐ 132) “Về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”. Nội dung này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ đạo: “Phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”.

“Nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” của thực thi pháp luật
Tinh giản bộ máy và trường đào tạo đặc thù: Cần tiếp tục nghiên cứu những giải pháp phù hợp

Được xem là “cái nôi” đào tạo đặc thù các ngành liên quan đến văn hóa nghệ thuật, Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật (TCVHNT) Thừa Thiên Huế đang đứng trước nỗi lo một khi bị sáp nhập sẽ đối mặt rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến vấn đề bảo tồn, phát huy các ngành nghệ thuật truyền thống.

Tinh giản bộ máy và trường đào tạo đặc thù Cần tiếp tục nghiên cứu những giải pháp phù hợp
Return to top