ClockThứ Bảy, 02/07/2016 05:56
BẢO QUẢN, GIỮ GÌN HIỆN VẬT, BẢO VẬT:

Còn nhiều việc phải làm

TTH - Công tác bảo quản tư liệu, hiện vật, cổ vật đang gặp nhiều thách thức là trăn trở của ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao khi chia sẻ với Thừa Thiên Huế Cuối tuần. Ông Dũng cho biết:

Năm 2014, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) là đơn vị đầu tiên trên cả nước tiến hành tổng kiểm kê hiện vật tại các bảo tàng và các di tích được công nhận. Qua đợt tổng kiểm tra, tổng số hiện vật đang lưu giữ trên địa bàn tỉnh là 57.428. Đây là số lượng đồ sộ với nhiều sưu tập hiện vật quý hiếm nhưng diện tích kho bảo quản tại các bảo tàng nhỏ hẹp, phương tiện bảo quản thiếu… nên công tác bảo quản tư liệu, hiện vật gặp nhiều khó khăn.

Ông Phan Tiến Dũng

Thưa ông, vấn đề bảo quản tư liệu, hiện vật, cổ vật hiện nay đã đến lúc đáng báo động?

Đúng là thực trạng này đã đến lúc báo động. Đây là tình trạng chung không chỉ riêng Thừa Thiên Huế mà đối với cả nước. Tư liệu, hiện vật thuộc nhiều chất liệu, tính chất lý hóa khác nhau và tồn tại trong từng môi trường phù hợp. Về nguyên tắc, cần phải có hệ thống kho bảo quản riêng và phương tiện chuyên biệt. Các hiện vật có chất liệu khác nhau, như: kim loại, gỗ, da, giấy, vải phải sắp xếp và bảo quản riêng theo chủng loại. Tuy nhiên, do hệ thống kho tàng có hạn nên hiện nay, hiện vật đang bị “nhốt chung”, gây ra tác động xấu và có nguy cơ xuống cấp rất lớn.

Hiện tại, các bảo tàng và các di tích ở lăng vua, các công trình văn hóa, các di tích tôn giáo hầu hết đều tận dụng mặt bằng cũ để làm kho. Chỉ vài nơi có thiết chế riêng nhưng phương tiện bảo quản lại thiếu. Phương án bảo quản trong các tình huống khẩn cấp (cháy nổ, bão lụt) hay thảm họa động đất, lốc xoáy… chưa được đầu tư triển khai đúng mức nên tiềm ẩn những nguy cơ không thể lường trước.

Hiện vật trong kho còn khó khăn như vậy, với hiện vật trưng bày còn “nguy” hơn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt...? 

Do tác động của môi trường tự nhiên và sự bào mòn của thời gian, các hiện vật được cấu tạo từ chất liệu vô cơ, như: kim loại, đồ đá, thủy tinh và hợp chất hữu cơ, như: giấy, tre gỗ, xương động vật… đa số đều bị tác động, trong đó có nhiều hiện vật không còn nguyên vẹn. Hiện, không gian trưng bày tại các bảo tàng, di tích đều không có đủ các thiết bị cần thiết, mới chỉ được đầu tư một số trang thiết bị cơ bản, như hệ thống giá, kệ, quạt và tủ đựng hiện vật…

Một trong những mục tiêu mà các đơn vị đang hướng đến trong những năm tới là có hệ thống điều hòa nhiệt độ tại các điểm trưng bày; các kho phân loại theo chất liệu và được trang bị các điều kiện tối thiểu; tập trung xây dựng một số kho mới để giảm tải lượng hiện vật chồng chất trong các kho tạm. Nếu được như vậy chúng ta mới tạm yên tâm đối với những hiện vật đang quản lý.

Một vấn đề cần quan tâm nữa là phải tập trung khảo sát, thống kê các hiện vật quý nhằm quy tụ về những kho có điều kiện quản lý tốt. Các hiện vật thu được qua các đợt thăm dò, khai quật khảo cổ cũng được chọn lựa để lập hồ sơ bảo quản và đưa ra trưng bày. Một số hiện vật Chămpa đang nằm rải rác hoặc phân tán ở các cơ quan, chúng tôi đang làm kế hoạch trình UBND tỉnh xin tập trung bảo quản, hình thành phòng trưng bày để giới thiệu di sản độc đáo này.

Triển lãm cổ vật tại Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh

Vẫn biết là do điều kiện kinh phí khó khăn, tuy nhiên, những yêu cầu cơ bản, tối thiểu nhất trong bảo quản tư liệu, hiện vật vẫn thiếu. Tại sao nguồn kinh phí bố trí cho công tác này lại thiếu thốn như vậy, trong khi đây là việc quan trọng để lưu giữ vốn di sản quý?

Hàng năm, Sở Văn hóa và Thể thao luôn phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí cho các hoạt động của bảo tàng. Tuy nhiên, xét về điều kiện, phương tiện để đáp ứng các tiêu chí bảo quản tại các bảo tàng theo đúng quy chuẩn thì cần phải có một dự án với nguồn đầu tư lớn. Hiện tại, mới chỉ có một phần kho của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và kho của Bảo tàng Hồ Chí Minh đang duy trì bảo quản ổn định. Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, Nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị là các đơn vị gặp nhiều khó khăn nhất trong hệ thống bảo quản các hiện vật, tác phẩm mỹ thuật.

Đối với Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng, tình hình kho bảo quản gặp nhiều khó khăn, đơn vị chỉ mới có kho tạm với tổng diện tích gần 300m2. UBND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh cũng đã nhiều lần kiểm tra, giám sát nhưng chưa bố trí được nguồn kinh phí. Hiện nay, các Sở, ban, ngành liên quan đã nhiều lần khảo sát, tìm địa điểm mới cho Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng. Trong tương lai, bảo tàng này được xây mới sẽ có một kho bảo quản đúng theo quy chuẩn để phục vụ công tác bảo quản tư liệu, hiện vật tốt nhất.

Sở Văn hóa và Thể thao nhiều lần báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh và HĐND tỉnh để được mở rộng diện tích, đầu tư trang thiết bị các kho bảo quản của các bảo tàng. Nhưng, do nguồn kinh phí khó khăn chung nên chỉ mới đầu tư được hệ thống camera an ninh chống mất cắp hiện vật cùng một số phương tiện khác. Riêng các dự án về thiết bị bảo quản cần thiết nhằm đảm bảo độ bền cho hiện vật thì vẫn chưa được xem xét. Sở sẽ tiếp tục đề nghị UBND tỉnh và các ban, ngành có kế hoạch cụ thể để đầu tư các hạng mục này.

Một lượng tư liệu, hiện vật, cổ vật quý không nhỏ đang được các tư gia, cơ quan lưu giữ. Trong đó có nhiều hiện vật, tư liệu cũng đang xuống cấp, hư hỏng do không có điều kiện bảo quản. Vậy, ngành văn hóa có những định hướng gì cho họ?

Thừa Thiên Huế có số lượng lớn các tư liệu, hiện vật, cổ vật quý hiếm đang được lưu giữ tại các tư gia, cũng như các tài liệu, tàng thư lưu trữ ở các cơ quan, ban ngành; trong đó, nhiều tư liệu, hiện vật đang bị xuống cấp. Nhiều tư nhân sở hữu hiện vật, tư liệu quý nhưng không có điều kiện hoặc do mưa bão, lụt lội… làm hủy hoại, mất mát.

Thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ báo cáo UBND tỉnh xây dựng kế hoạch khảo sát, điều tra để nắm số lượng tư liệu, hiện vật đang được lưu giữ trong các tổ chức, cá nhân. Trên cơ sở đó phối hợp, giao trách nhiệm các đơn vị có chuyên môn, nghiệp vụ hướng dẫn để các cá nhân, tổ chức hiểu và có ý thức bảo quản tư liệu, hiện vật một cách hiệu quả nhất.

Để bảo quản tư liệu, hiện vật trong ngưỡng an toàn, cần đảm bảo những điều kiện gì? Trong tương lai, có giải pháp gì để phục chế các tư liệu, cổ vật đã bị hư hỏng không thưa ông?

Để bảo quản tư liệu, hiện vật, về nguyên tắc cần đầu tư xây dựng, cải tạo cơ bản hệ thống kho bảo quản hiện vật với các trang thiết bị cần thiết. Kho bảo quản hiện vật phải được phân chia theo chất liệu để vận hành các thiết bị máy móc, khống chế nhiệt độ, độ ẩm cho môi trường kho bảo quản theo yêu cầu kỹ thuật, đúng tính lý hóa của bản thân hiện vật, phù hợp với từng chất liệu cụ thể. 

Công tác phục chế đòi hỏi sự tham gia của những người có năng lực thực sự, dựa trên cơ sở quy tắc đạo đức nghề nghiệp và sự tôn trọng giá trị chân xác các hiện vật. Khâu này chúng ta vẫn còn yếu, cần có chiến lược lâu dài, cả đào tạo con người có kiến thức, chuyên môn lẫn đầu tư trang bị các phương tiện máy móc hiện đại.

Đối với Thừa Thiên Huế, nơi tập trung nhiều hiện vật, bảo vật quốc gia, nhiều bảo tàng, một yêu cầu cần thiết là phải có dự án xây dựng trung tâm để phục chế tu sửa, bảo quản hiện vật. Điều này tạo điều kiện để chúng ta phục hồi nhiều hiện vật quý, duy trì được tuổi thọ của các hiện vật. Chúng tôi sẽ tham mưu, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức giảng dạy nhiều khoá đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ về kỹ thuật bảo quản với sự tham gia của các chuyên gia có kinh nghiệm trong nước và nước ngoài. Qua các đợt tập huấn, nhiều phương pháp, nhiều hóa chất chuyên dụng và máy móc hiện đại sẽ được phổ biến phục vụ công tác bảo quản hiện vật.

Xin cảm ơn ông!

TRANG HIỀN (Thực hiện) 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm sáng trong công tác tuyên truyền

Thực hiện tốt các biện pháp tuyên truyền, hết lòng hỗ trợ ngư dân, Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) cảng Thuận An là điểm sáng, đạt hiệu quả cao trong tuyên truyền về không khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU); tuyên truyền ngư dân đồng lòng trong phòng, chống hoạt động giã cào trái phép.

Điểm sáng trong công tác tuyên truyền
Đẩy mạnh công tác hỗ trợ sinh kế cho người yếu thế

Với các chương trình trợ giúp sinh kế được đẩy mạnh, thực hiện một cách có hiệu quả, Hội Người Khuyết tật – Bảo trợ Người Khuyết tật & Trẻ Mồ côi (NKT – Bảo trợ NKT&TMC) tỉnh đã góp phần giúp nhiều người yếu thế có thêm động lực để vươn lên, ổn định đời sống.

Đẩy mạnh công tác hỗ trợ sinh kế cho người yếu thế
Kết nối đồng hương Quảng Điền hướng về quê hương

Sáng 31/3, Hội Khuyến học đồng hương Quảng Điền tại Huế tổ chức tổng kết 30 năm hoạt động để đánh giá công tác khuyến học trong thời gian qua và xây dựng phương hướng hoạt động cho những năm tiếp theo.

Kết nối đồng hương Quảng Điền hướng về quê hương
Niềm tin về công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIV

Tại Phiên họp của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban đã có bài phát biểu quan trọng: “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng”. Tiếp thu nội dung phát biểu của Tổng Bí thư, cán bộ, đảng viên ở Quảng Bình bày tỏ niềm tin sâu sắc về công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng sắp diễn ra…

Niềm tin về công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIV
Return to top