ClockChủ Nhật, 16/07/2017 14:21

Con ong giữa vòng “lệ phí”

TTH - Nghề nuôi ong “du mục” vốn đã khó khăn, nay lại càng chật vật hơn khi chủ trại di trú đàn ong đến Huế phải chịu đủ thứ “lệ phí” của địa phương. Để yên ổn làm ăn, nhiều chủ trại phải “bấm bụng” nộp tiền, dần dà trở thành một “quy luật” khi mang đàn ong đến xứ người kiếm sống.

Cả người nuôi lẫn con ong đang giữa vòng vây “lệ phí”

“Chua xót” mật ong

Tiếp xúc với những chủ trại ở một số địa phương trên địa bàn thị xã Hương Trà, mới thấy hết “nghịch cảnh” con ong đang “sống” trong vòng vây “lệ phí”. Hầu hết các chủ trại ong đều e dè, cảnh giác khi nói đến việc đóng phí. Bởi sau khi một số chủ trại ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) “dám” đứng ra phản ứng với báo chí về việc thu phí nuôi ong, trại ong của họ liên tục bị côn đồ quấy phá.

Anh M., một chủ trại ong ở xã Hương Thọ bảo rằng, khi đặt trại ong đến vùng đất này anh phải đi qua ba “cửa”: chính quyền xã, thôn và lực lượng công an xã. “Ban đầu mình lên trụ sở UBND xã gặp trưởng công an đăng ký tạm trú tạm vắng, mỗi nơi mình được yêu cầu “nộp” 500 nghìn đồng. Hỏi cán bộ tiền gì thì họ nói tiền đảm bảo an ninh. Do chưa kịp gặp trưởng thôn nên nhiều ngày sau vị này đến “hỏi thăm” rồi hoạnh họe, bắt bẻ đủ điều, thậm chí đòi đuổi trại ong đi nơi khác. Tất cả lệ phí mình phải nộp đều không có biên lai hay giấy tờ gì. Vì muốn yên ổn mình phải nộp thôi”, anh M. tâm sự.

“Giấy nhận tiền viết tay” của một lãnh đạo xã Bình Thành

Ngược lên vùng Bình Thành, Bình Điền, Hồng Tiến, “lệ phí” nuôi ong cùng với “cò” đặt trại còn đắt đỏ hơn nhiều. Nhiều chủ trại ong bị dịch bệnh, không đủ tiền đóng phí phải nhổ trại di chuyển đến vùng đất khác. Đã đặt trại mấy tháng nay rồi, nhưng anh V., vẫn còn ức lắm khi phải đóng lệ phí cho xã Bình Thành 2,5 triệu đồng, mà người trực tiếp đứng ra thu là Trưởng công an xã. Đưa 300 đàn ong từ vùng Tây Nguyên ra, anh V., bảo rằng, chưa thấy nơi nào người nuôi ong phải đóng các loại phí “vô lý” như nơi này. Hỏi mãi, anh V. mới chịu cung cấp thông tin nhưng với một cam kết: “Cần phải bảo vệ thông tin bí mật cho anh em, vì bọn mình còn sống dài dài ở đây, còn đưa ong ra quay mật nhiều mùa vụ sau nữa”.

Nói đoạn, anh V. vào giở sổ lấy một “giấy nhận tiền” viết tay nhận 2,5 triệu đồng, có chữ ký của lãnh đạo công an xã Bình Thành. “Từ khi mình đặt trại đến nay, anh em luôn chấp hành thủ tục làm tạm trú tạm vắng, pháp luật ở địa phương, nhưng khoản nộp 2,5 triệu đồng thì không biết phải nộp tiền gì, không thấy biên lai hay giấy tờ gì. Vừa đặt trại ong xuống là địa phương kêu lên nộp, hôm đó chị kế toán đi vắng nên lãnh đạo công an xã yêu cầu không lấy phiếu thu, chỉ ký giấy nhận tiền viết tay”, anh V. ấm ức kể.

Ngoài phải nộp phí cố định cho chính quyền địa phương từ 500 nghìn - 2,5 triệu đồng, các chủ trại ở đây còn bị “làm phiền” bởi vô số “giấy mời” của các hội, đoàn thể. “Họ mời mình tới, không lẽ tới tay không...”, anh V. tặc lưỡi cho biết.

Trong số muôn vàn thứ phí, “đau” nhất với người nuôi ong du mục là phí “cò” đặt trại ong. Thông thường, khi đến một vùng đất mới, chủ trại thường phải đi “nghiên cứu” địa hình, thuê người phát quang rừng keo tràm để đặt trại. Nhưng vài năm trở lại đây, các công việc này đã có “cò” đặt trại lo. Mỗi xã trên địa bàn Hương Trà thường có 2-3 “cò” trại như thế. Họ chọn đất rừng xong xuôi thì chỉ chỗ để chủ trại đưa ong vào rồi đứng ra thu phí “cắt cổ”, mỗi trại từ 2,5-3 triệu đồng. Hỏi nhiều chủ trại ong ở Bình Thành, Bình Điền tại sao lại chịu mức phí cao, phi lý như thế, họ đều lý giải rằng, nếu không thuận theo ý “cò” trại thì chắc chắn sẽ bị họ làm khó dễ, ăn ở không yên, đến khi quay ong lấy mật thì kêu nhân công không có người làm. “Cò đến chọn chỗ sẵn, họ hô chỗ nào mình chịu chỗ đó. Có khi họ lấy luôn tiền trả cho chủ vườn cây một thể. Nếu mình không thuận theo họ thì ở đây không bao giờ làm ăn được gì đâu”, ông L., một chủ trại ong ở Bình Điền kinh nghiệm.

Trong quá trình tiếp xúc với các chủ trại, đa số họ đều là người lao động chân chất, vì sinh kế mà phải mang đàn ong đi quay mật ở xứ người. Mang 250 đàn ong từ vùng một tỉnh vùng nam Trung bộ ra, với ông L., là cả một sản nghiệp. Nhiều tháng nay, giá mật ong xuống thấp, chỉ 10-12 nghìn đồng/kg, vừa bán vừa thua lỗ, nhưng phải đóng thêm loại phí an ninh trật tự cho địa phương, khiến ông L. rơi vào hoàn cảnh khốn khó. “Xã kêu lên đăng ký tạm trú tạm vắng vừa về hôm thứ nhất, hôm thứ hai họ gọi lên bắt đóng 2 triệu đồng tiền an ninh trật tự. Số tiền có phiếu thu hẳn hoi do kế toán trưởng của xã Bình Điền ký. Tui thắc mắc hỏi tiền phí này là tiền gì thì họ bảo, trại ong đặt trên địa bàn, không đóng phí ai tuần tra bảo vệ cho? Nói thế mình không đóng tiền cũng không được nên đành ‘bấm bụng’ ra về”, ông L. thuật lại sự việc. Nói rồi, ông mang hẳn một tờ phiếu thu ra làm bằng chứng.

Nhiều chủ trại ong trên địa bàn Hương Trà cho biết, việc họ đặt nuôi ong trên địa bàn là hoàn toàn vô hại đối với cây trồng và môi trường. Mỗi lần quay mật, mỗi trại ong giải quyết từ 9-10 lao động tại địa phương với tiền công từ 240-250 nghìn đồng/người. “Chúng tôi cũng muốn đóng góp cho địa phương vì đã tạo điều kiện cho đặt trại, có nơi ăn ở sinh hoạt, nhưng phí như thế thì vô lý và quá cao trong khi thu nhập gia đình đang khó khăn”, ông L. trải lòng.

Không nằm trong quy định

Theo Hội Nuôi ong tỉnh, ngoài các trại ong của cư dân miền Nam mang ra, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 10 nghìn đàn ong của hàng trăm hộ dân tham gia nuôi ở các địa phương Nam Đông, A Lưới, Hương Trà, Phú Lộc với thời gian khai thác mật từ 7-8 tháng, sản lượng đạt 500-600 tấn/năm. Thời điểm giá ổn định, nuôi ong không chỉ mang lại thu nhập khá cho hàng trăm hộ dân mà còn giúp cân bằng sinh thái, tăng năng suất, sản lượng cho cây trồng

Trả lời việc “thu phí nuôi ong” trên địa bàn, ông Nguyễn Trung Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thành cho rằng, đó là “phí hoa lợi” mà các chủ trại ong tình nguyện đóng góp cho ngân sách để chi vào các họat động tại địa phương. Phí này do lực lượng công an xã trực tiếp đứng ra thu nhận. “Trước sự tham mưu của công an xã, chúng tôi cho tiến hành thu “phí hoa lợi” chủ yếu dùng chi vào hoạt động tuần tra kiểm soát của anh em công an thôn, dân quân tự vệ nhằm đảm bảo an ninh trên địa bàn. Địa phương không thể bỏ kinh phí ra mà làm việc đó được”, ông Nhân khẳng định.

Theo ông Nhân, việc thu phí nuôi ong các chủ trại không nằm trong quy định nào tại địa phương. Chính quyền “linh động nguồn thu” và dựa trên tinh thần đóng góp tự nguyện chứ không ép buộc. Về việc lãnh đạo công an xã “ký giấy viết tay” để thu tiền của một chủ trại, ông Nhân nói rằng sẽ cho kiểm tra thông tin trên. “Trước đây trên địa bàn có nhiều chủ trại ong nhưng thời gian này dịch bệnh hoành hành, nhiều chủ trại đã đi vùng khác. Đến nay còn khoảng 11 trại, địa phương đã “thu phí hoa lợi” các trại này khoảng hơn 10 triệu đồng”, ông Nhân cho biết thêm.

Cùng quan điểm, giải thích về việc thu phí nuôi ong, ông Nguyễn Đình Vũ Hạ, Trưởng công an xã Bình Điền cho rằng, đây là phí chi vào hoạt động đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, được các chủ nuôi ong tình nguyện đóng góp, địa phương không ép buộc. Còn về thông tin nhiều chủ trại ong phản ánh là họ bị “ép buộc” nộp tiền thì phải làm việc phía lãnh đạo xã Bình Điền. “Vì chính quyền chủ trương thu tiền”, ông Hạ nói.

Ông Lâm Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Điền cho biết, việc thu phí nuôi ong tại địa phương mới chỉ áp dụng trong 3 năm trở lại đây. Trước đây, khi chủ trại đến nuôi ong thì chỉ đăng ký tạm trú tạm vắng, họ thỏa thuận trả tiền cho chủ vườn cây. “Tuy nhiên, mấy năm trước có xảy ra chuyện đánh nhau giữa hai chủ trại ong nằm giáp ranh xã Bình Điền và Hương Bình. Sau đó còn xảy ra chuyện cháy nổ làm thiệt hại một số diện tích keo tràm của người dân nên địa phương có thu phí từ 1-2 triệu đồng/trại ong. Năm 2017 đã thu được khoảng 11 triệu đồng. Số tiền này không nằm trong quy định nhưng chúng tôi đưa vào ngân sách để chi cho hoạt động phòng cháy chữa cháy, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn và một phần cho quỹ phúc lợi, giúp các em nhỏ khó khăn trên địa bàn xã”, ông Bình phân trần.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoàn thiện quy trình nuôi ong ký sinh phòng trừ ruồi đục hại rau

Sáng 30/7, Sở Khoa học và công nghệ thành lập hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học:“Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân nuôi ong ký sinh Neochrysocharis okazakii Kamijo phòng trừ ruồi đục lá rau tại Thừa Thiên Huế” do GS.TS Trần Đăng Hòa, Trường đại học Nông Lâm làm chủ nhiệm thực hiện từ tháng 4/2020.

Hoàn thiện quy trình nuôi ong ký sinh phòng trừ ruồi đục hại rau
Nghề nuôi ong ở Hồng Tiến

Gần đây, nuôi ong lấy mật được nhiều hộ gia đình ở xã Hồng Tiến, thị xã Hương Trà xem là nghề chính đem lại thu nhập ổn định bên cạnh trồng cao su, trồng rừng. Với giá thu mua từ 160 - 200 ngàn đồng/lít mật, mỗi lao động có thu nhập ổn định 4-5 triệu đồng/tháng nên đây cũng là nghề mà người dân ở các xã vùng cao, bán sơn địa có thể nhân rộng.

Nghề nuôi ong ở Hồng Tiến
Mùa thu hoạch mật ong

Ngược hướng Tây Nam của TP. Huế, dễ dàng bắt gặp những trại nuôi ong dựa vào lợi thế thiên nhiên. Sau một thời gian ong nuôi tạo mật từ nguồn thức ăn được chủ trại cung cấp, người nuôi bắt tay thu hoạch mật và cung cấp cho thị trường.

Mùa thu hoạch mật ong
Tiếp sức cho nghề nuôi ong

Tiếp sức cho nghề nuôi ong lấy mật, chương trình khuyến công (KC) địa phương vừa hỗ trợ kinh phí trang bị máy sơ chế mật ong cho một hộ nuôi tại xã Hương Hòa (Nam Đông).

Tiếp sức cho nghề nuôi ong
Nuôi ong tay áo

Ngày 21/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Huế đã ra lệnh bắt khẩn cấp và tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Bảo Toàn (24 tuổi, trú tại 14/310 đường Lý Nam Đế, phường Hương Long, TP. Huế) để tiếp tục điều tra làm rõ hành vi trộm cắp tài sản.

Nuôi ong tay áo

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top