ClockThứ Năm, 14/07/2016 14:24

Công bố điểm thi THPT Quốc gia năm 2016 có thể trước ngày 20/7

Nếu các cụm thi gửi hết điểm của thí sinh về Bộ GD-ĐT và Bộ rà soát kỹ các dữ liệu thì có thể công bố điểm thi trước ngày 20/7 hoặc là vào ngày 20/7.

Mặc dù theo quy định của Bộ GD-ĐT, chậm nhất là ngày 20/7, các cụm thi phải chấm thi xong nhưng cho đến nay, một số cụm thi đã gửi dữ liệu điểm thi THPT Quốc gia năm 2016 về Bộ GD-ĐT để Bộ đối chiếu kết quả lưu tại Hội đồng thi.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN chiều 13/7, PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, đa phần bài thi đều do các cụm thi, giảng viên các trường ĐH, CĐ, giáo viên các Sở GD-ĐT, THPT phối hợp chấm. Bộ GD-ĐT chỉ ký kết hợp đồng chấm thi phần Trắc nghiệm với một số trường ĐH. Dự kiến, từ ngày 15-16/7, Bộ GD-ĐT sẽ trả kết quả bài thi Trắc nghiệm cho các trường đã ký kết chấm thi với Bộ.

Bộ GD-ĐT sẽ cố gắng hoàn thành, đối chiếu, kiểm soát kết quả điểm thi THPT Quốc gia 2016 của các cụm thi sớm. Sau đó, Bộ sẽ chuyển lại dữ liệu kết quả thi để các trường ĐH, CĐ công bố điểm cho thí sinh biết sớm nhất.

Nếu các cụm thi gửi hết điểm của thí sinh về Bộ và Bộ rà soát kỹ lưỡng các công đoạn, dữ liệu thì có thể công bố điểm thi trước ngày 20/7 hoặc là vào ngày 20/7.

Thí sinh chỉ dùng giấy chứng nhận kết quả để nộp vào trường nhập học

Đối với việc xét tuyển vào đại học, thí sinh cần lưu ý là ngay sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, các em sẽ nhận được 1 giấy chứng nhận kết quả thi. Thí sinh không dùng giấy chứng nhận kết quả này để đăng ký xét tuyển mà dùng để nộp vào trường nhập học.

Theo PGS.TS Trần Văn Nghĩa, để đăng ký xét tuyển, thí sinh không cần phải nộp hồ sơ với đầy đủ các giấy tờ đăng ký xét tuyển như năm 2015 mà chỉ cần điền thông tin vào phiếu đăng ký xét tuyển và nộp phiếu này về các trường mà mình muốn học bằng hình thức đăng ký trực tuyến hoặc qua đường bưu điện hay bằng một phương thức khác do trường đại học quy định.

Trong đợt I, thí sinh được đăng ký tối đa 2 trường ĐH. Mỗi trường tối đa là 2 ngành (nhóm ngành) theo số thứ tự ưu tiên được xếp từ 1 đến 2. Trong đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh được đăng ký tối đa là 3 trường. Mỗi trường tối đa là 2 ngành (nhóm ngành) theo số thứ tự ưu tiên được xếp từ 1 đến 2.

Ở mỗi đợt xét tuyển, sau khi thí sinh đăng ký xét tuyển thí sinh không được điều chỉnh nguyện vọng của mình. Vì vậy, các em phải lưu ý thật kỹ trước khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Do ngay từ đợt I, thí sinh được đăng ký tối đa 2 trường đại học nên sẽ có nhiều thí sinh có thể trúng tuyển cả 2 trường. Điều này sẽ dẫn đến hiện tượng “thí sinh ảo” và gây khó khăn cho các trường. Chính vì vậy, Bộ đưa ra quy định: Sau khi các trường đại học công bố kết quả xét tuyển, thí sinh bắt buộc phải xác nhận là sẽ học ở trường nào bằng cách nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi vào trường đó. Những thí sinh không nộp sẽ được coi như không có nguyện vọng học và trường sẽ không gọi thí sinh đó vào nhập học.

Điểm đặc biệt lưu ý là, không chỉ thí sinh trúng tuyển cả 2 trường mà cả thí sinh trúng tuyển vào 1 trường vẫn phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi vào trường đại học. Điều này cũng là để giúp các trường đại học biết được chính xác số lượng thí sinh sẽ học tại trường mình cũng như biết được còn bao nhiêu chỉ tiêu để công bố cho đợt xét tuyển bổ sung.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thứ trưởng Bộ Giáo dục: Mức điểm trung bình của thí sinh cao hơn năm trước

Trao đổi với PV Dân trí, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, hiện chưa tổng hợp được kết quả của tất cả các cụm thi nên chưa so sánh được phổ điểm so với năm 2015. Tuy nhiên với hơn 50% kết quả các cụm thi đã gửi về Bộ có thể dự đoán được mức điểm trung bình có thể cao hơn năm ngoái đôi chút và phổ điểm đều hơn ở phía điểm cao.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục Mức điểm trung bình của thí sinh cao hơn năm trước
Return to top