ClockThứ Năm, 12/04/2018 06:00
XÂY DỰNG LƯỚI ĐIỆN TẠI KHU DÂN CƯ MỚI:

Cộng đồng trách nhiệm

TTH - Hiện, một số chủ đầu tư khu dân cư mới, tái định cư kết hợp phân lô đấu giá chưa quan tâm đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, nhất là điện.

Cải tạo lưới điện nông thôn ở Quảng Điền: Năm 2018 sẽ không còn dây trầnNgầm hóa lưới điện: Không chỉ là kinh phí

Người dân dùng cọc tre chèo chống đường dây điện tại khu quy hoạch Kim Long giai đoạn 5

Thiếu và thừa

Bà Nguyễn Thị Minh Hạnh, sống tại khu quy hoạch (KQH) Kim Long giai đoạn 5 cho hay, đây là khu dân cư (KDC) mới, chưa có lưới điện nên gia đình bà buộc phải kéo điện từ vùng lân cận với khoảng cách rất xa. Đó cũng là tình trạng chung của các hộ dân sống ở KQH này. Họ thường dùng cột tạm, cọc tre chống đỡ đường dây, gây mất an toàn.

Ông Hồ Đăng Đồng, Trưởng phòng Kế hoạch – Kỹ thuật Điện lực Bắc sông Hương cho biết, đã tiếp nhận thông tin trên và xây dựng kế hoạch, chuẩn bị lắp đặt trạm biến áp tại đây giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Đây cũng là thực trạng tại một số KDC mới trên địa bàn, trong đó phải kể đến khu định cư Hương Sơ. Đơn vị đã đầu tư lưới điện, lắp đặt trạm biến áp để đảm bảo cung cấp điện cho người dân nhưng mật độ dân cư tại đây rất thưa, mức độ sử dụng điện quá thấp, khó thu hồi vốn đầu tư. Như tại khu vực trạm biến áp Hương Sơ 3 chỉ có 193 khách hàng, hiệu suất sử dụng của trạm chỉ đạt 42%; hay tại trạm biến áp An Hòa 6 hiệu suất sử dụng đạt 38% với 193 khách hàng… Đơn vị đã có phương án hạ tải hoặc san tải cho các khu vực lân cận, nhưng đó chỉ là giải pháp nhất thời.

Trung bình đầu tư lắp đặt một trạm biến áp khoảng 700-900 triệu đồng, nhưng với lượng khách hàng sử dụng ít ỏi như vậy, không biết khi nào mới có thể thu hồi được vốn, ông Đồng giãi bày.

Hiện nay một số KDC mới gặp khó khăn về cấp điện, ngành điện đang tiếp nhận thông tin để đăng ký kế hoạch vốn nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt, trong đó có KQH Kim Long giai đoạn 5. Đây là vấn đề khó, cần xây dựng kế hoạch đầu tư phù hợp với tiến độ lấp đầy các KDC; tránh tình trạng đầu tư rồi lại bỏ hoang như KQH thị tứ Phú Đa, được đầu tư từ năm 2003, với quy mô rất lớn, trên 15km đường dây hạ áp, 4 trạm biến áp, 2km đường dây trung áp. Đến nay gần 15 năm nhưng mức độ sử dụng điện rất thấp, tiến độ dân vào ở các KQH rất chậm, công ty đã thu hồi vật tư thiết bị một số khu vực để cấp điện cho các khu vực khác, giảm lãng phí.

Chung tay tháo gỡ

Ông Nguyễn Đại Phúc, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế thông tin, việc thực hiện đầu tư đồng bộ, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng (bao gồm điện, nước sinh hoạt) đối với các dự án (DA) hạ tầng phục vụ tái định cư (TĐC) trên địa bàn tỉnh đã được Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất chủ trương tại văn bản số 4061/UBND – XDCB ngày 11/9/2012, nhằm đảo bảo tính đồng bộ, kịp thời phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân khi đến nơi ở mới.

Để nâng cao hiệu quả đầu tư, tạo điều kiện cho người dân khi đến ở các khu TĐC, sớm lấp đầy các khu TĐC, việc giám sát, thực hiện đúng các quy định trong quản lý đầu tư KDC mới là vấn đề cần được quan tâm. Riêng đối với các KDC đã hình thành, hàng năm ngành điện tiếp tục bố trí nguồn vốn để đầu tư cải tạo, xây dựng mới lưới điện nhằm đảm bảo nhu cầu phát triển phụ tải và nâng cao chất lượng điện năng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế cho biết.

Theo đó, đối với các KDC thuộc DA sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước (NSNN), chủ đầu tư đã chủ động lắp đặt công trình cấp điện (chi phí hạch toán vào giá thành bất động sản), ngành điện sẽ tiếp nhận và không hoàn trả vốn. Trường hợp các DA sử dụng vốn NSNN, việc bàn giao, tiếp nhận được thực hiện theo hình thức tăng, giảm vốn giữa các bên theo Quyết định 41/2017/QĐ – TTg ngày 15/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp sử dụng nguồn vốn Nhà nước để đầu tư, thời điểm bàn giao, tiếp nhận tùy thuộc vào tỷ lệ lấp đầy KDC, được thống nhất tại văn bản số 917/SKHĐT – ĐTPT ngày 30/5/2013 của Sở kế hoạch và Đầu tư về cơ chế đầu tư cấp điện các KDC. Cụ thể, Nhà nước đầu tư hệ thống cấp điện, bàn giao tài sản lưới điện cho Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế ngay khi hoàn thành. Công ty có trách nhiệm hoàn trả vốn đầu tư tại thời điểm mật độ KDC lấp đầy từ 50% trở lên. Đây được xem là động thái nhằm tháo gỡ khó khăn về vấn đề hiệu quả sử dụng lưới điện được đầu tư tại các khu TĐC, dân cư mới.

Thực tế những năm qua, nhiều KDC mới, khu TĐC có kết hợp phân lô đấu giá, KDC do các địa phương đầu tư hạ tầng để đấu giá… chưa được quan tâm đầu tư đồng bộ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật thiết yếu vào DA, phát sinh khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu điện đối với những trường hợp đầu tiên đến sinh sống tại đây do mật độ xây dựng và tỷ lệ lấp đầy quá thấp, suất đầu tư quá cao nên ngành điện chưa thể đầu tư do không đảm bảo toàn vốn nhà nước với nguồn vốn chủ yếu là vốn vay thương mại, thậm chí không vay được vốn do ngân hàng thẩm định cho thấy DA vay không hiệu quả.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo

Sáng 23/4, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Huế và huyện Phong Điền khởi công xây dựng “Nhà đại đoàn kết” cho các hộ khó khăn ở Phong Điền.

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo
Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ

Phong trào đọc sách, báo tại Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được triển khai đa dạng, giúp cán bộ, chiến sĩ học tập, nghiên cứu, tích lũy nhiều kiến thức nhằm phục vụ hiệu quả trong công tác.

Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ
Xây dựng doanh trại “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”

Công trình doanh trại Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh hiện đang được gấp rút hoàn thành những hạng mục cuối cùng để sớm đưa vào sử dụng. Từ đó, đảm bảo chỗ làm việc, nơi ăn ở của cán bộ, chiến sĩ và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao

Xây dựng doanh trại “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”
Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Đây là cảm nhận không chỉ riêng chúng tôi vừa trở lại xã Phong Sơn - địa phương cuối cùng của huyện Phong Điền vừa được tỉnh công nhận xã nông thôn mới (NTM).

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới
Return to top