ClockThứ Bảy, 16/12/2017 14:51

Công nghiệp hỗ trợ kỳ vọng vào chiến lược thu hút FDI thế hệ mới

Vẫn cần có những chính sách ưu đãi phù hợp và cụ thể để tăng kết nối giữa 2 khối doanh nghiệp trong phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Tăng cường phối hợp, trao đổi kinh nghiệmGiúp doanh nghiệp tự tin khởi nghiệp

“Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến nay đã đạt hơn 160 tỷ USD, đóng góp khoảng 22-25% vốn đầu tư toàn xã hội và khoảng 55% giá trị sản lượng công nghiệp, 70% kim ngạch xuất khẩu, 20% GDP, 18% thu ngân sách, tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 3,7 triệu lao động và nhiều triệu lao động gián tiếp... nhưng tác động lan tỏa của khu vực FDI chưa được như kỳ vọng. Doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Nhận định được đưa ra tại hội thảo "Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ - tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước" diễn ra vào cuối tuần qua.

Công nghiệp hỗ trợ khó tham gia chuỗi cung ứng

GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) cho rằng, mặc dù nguồn vốn FDI đã làm thay đổi tích cực nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội… nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tham gia được nhiều vào chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư nước ngoài.

Có rất ít các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp FDI. (Ảnh minh họa: KT)

GS. Nguyễn Mại đơn cử như trường hợp của Sam Sung Việt Nam, cho dù mỗi sản phẩm điện tử có tới hàng trăm linh kiện, nhưng hiện mới chỉ có 29 doanh nghiệp trên tổng số hơn 600.000 doanh nghiệp là nhà cung cấp trực tiếp cho Sam Sung.

“Doanh thu của Sam Sung năm nay khoảng 60 tỷ USD trong đó kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 50 tỷ USD. Giá trị gia tăng của Sam Sung hiện nay khoảng 15 tỷ USD và 87 nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ lại đến từ Hàn Quốc và Việt Nam chỉ thu được thuế, tăng nguồn lao động, bảo hiểm. Nếu Việt Nam có công nghiệp hỗ trợ, phần hưởng lợi của 87 nhà sản xuất Hàn Quốc sẽ được chia sẻ cho doanh nghiệp Việt Nam, đây là phần rất quan trọng”, GS. Nguyễn Mại chỉ rõ.

Từ kết quả khảo sát 194 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chuyên sản xuất linh kiện kim loại, linh kiện điện, điện tử và linh kiện nhựa, cao su vào đầu năm 2017, ông Nguyễn Mạnh Linh, Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công thương (Bộ Công Thương) nêu thực tế, số lượng doanh nghiệp nội địa cung ứng cho các công ty đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam còn rất hạn chế, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp quan trọng như sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử, máy công nghiệp...

Còn theo TS. Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thấp, chỉ đạt 21% trong khi doanh nghiệp Thái Lan là 30%, Malaysia là 46%.

“Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không thay đổi được cách thức quản trị và đáp ứng các yêu cầu cao của nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất khó có được sự liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng như khó có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia từ Nhật Bản”, TS. Lương Văn Khôi lưu ý.

Luật Công nghiệp hỗ trợ tăng tính kết nối?

Cũng theo TS. Lương Văn Khôi, nếu Việt Nam có được một chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ tốt, cần phải thiết kế theo một chuỗi giá trị, theo hình thức mỗi ngành hay mỗi sản phẩm, có chính sách thu hút để doanh nghiệp có thể tham gia vào chuỗi theo từng công đoạn của chuỗi đó thì mức độ đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam sẽ mạnh hơn, sẽ tác động trực tiếp tới các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, như thế tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI so với doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ giảm…

Đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam khi coi trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng như cải thiện môi trường đầu tư để thu hút FDI thời gian qua, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, để tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, qua đó phát triển công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cần lựa chọn cho được các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng nằm trong các chuỗi mà doanh nghiệp có thể tham gia.

Đồng thời, phải làm tốt 3 yếu tố, đó là sản xuất được nguồn nguyên liệu đầu vào có chất lượng; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và phải có các cụm công nghiệp hỗ trợ, các khu phức hợp về công nghệ hỗ trợ. “Việc xây dựng các khu phức hợp về công nghiệp hỗ trợ phải là hướng ưu tiên… thậm chí phải thành lập các sàn giao dịch cho công nghiệp hỗ trợ”, TS. Nguyễn Minh Phong lưu ý.

Theo các chuyên gia, muốn công nghiệp hỗ trợ phát triển, tạo được sự lan tỏa từ khu vực FDI cần phải đưa vào điểm “đặc biệt lưu ý” trong tổng kết nhìn lại 30 năm thu hút FDI. Đồng thời, muốn có được sự chuyển biến tích cực, lan tỏa sâu rộng từ khu vực FDI sang khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, cùng với những nỗ lực từ chính các doanh nghiệp trong nước tự tin chủ động tiếp cận với doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp cần đầu tư đổi mới công nghệ và nguồn nhân lực, tham gia vào các khâu trong chuỗi cung ứng phù hợp với trình độ phát triển…

Tuy nhiên, để các doanh nghiệp FDI chủ động trong kết nối, hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, chủ động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực quản trị, trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực… thì quan trọng nhất vẫn là phải có những chính sách ưu đãi phù hợp và cụ thể. Đó là những chính sách kết nối bằng các ưu đãi thích ứng, khuyến khích việc nhân rộng các mô hình thành công.

Cũng theo các chuyên gia, cùng với xây dựng chiến lược thu hút đầu tư FDI trong giai đoạn tới đây gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam phải phải xây dựng cho bằng được Luật Công nghiệp hỗ trợ.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top