ClockThứ Tư, 04/07/2018 14:58

Công phu & tâm huyết với văn hóa dân gian

TTH - Trong lĩnh vực nghiên cứu văn nghệ dân gian ở Thừa Thiên Huế, có lẽ nhà nghiên cứu Triều Nguyên là người nhận được nhiều giải thưởng nhất.

Thích thú với trò chơi dân gianChầu Văn Huế, hát ở đâu là phù hợp?

Có giai đoạn, hầu như năm nào anh cũng đoạt giải, không của Hội Văn nghệ tỉnh thì cũng của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Điển hình như năm 2012, Triều Nguyên là người duy nhất nghiên cứu văn nghệ dân gian ở Thừa Thiên Huế được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, giải thưởng mà rất ít nhà nghiên cứu văn học dân gian được tặng.

Một số tác phẩm của nhà nghiên cứu Triều Nguyên

Đầu năm 2013, được sự quan tâm giúp đỡ của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật - Hội Văn nghệ dân gian tỉnh tổ chức giới thiệu bộ “Tổng tập văn học dân gian xứ Huế” do nhà nghiên cứu Triều Nguyên biên soạn; khi đó, “thiên hạ” mới công nhận những giải thưởng đến với anh là rất xứng đáng. Để có được bộ tổng tập đồ sộ gồm 6 tập (Tập 1-Thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn với 124 văn bản; Tập 2 -Truyện cười, truyện trạng, giai thoại với 266 văn bản; Tập 3 - Vè, truyện thơ với 94 văn bản; Tập 4 -Tục ngữ  với 2254 văn bản; Tập 5 - Ca dao với 3635 văn bản; Tập 6 - Đồng dao, câu đố với 716 văn bản), nhà nghiên cứu không chỉ phải bỏ rất nhiều công phu trong hàng chục năm trời mà còn phải có trình độ khoa học để hệ thống hóa, phân loại hợp lý một khối lượng di sản to lớn của vùng đất vốn giàu trữ lượng văn hoá dân gian.

Triều Nguyên không “ngủ quên” trên những thành công qua mấy chục năm dày công sưu tầm, nghiên cứu, vẫn mải mê và tâm huyết, tiếp tục công bố những tác phẩm mới. Chỉ trong hai năm 2017-2018, anh đã cho xuất bản liền hai cuốn sách dày dặn, với tổng số trên 700 trang: “Tìm hiểu về Truyện cổ tích thế tục Việt Nam” (NXB Thuận Hóa, 2017) và “Các thể loại, kiểu tác phẩm dạng tản văn và biền văn trong nền văn học trung đại Việt Nam” (NXB Đại học Huế, 2018). Qua 2 công trình mới xuất bản này, tác giả không chỉ cung cấp rất nhiều tư liệu quý trong kho tàng văn nghệ dân gian và văn hoá trung đại của dân tộc mà chú trọng nâng cao tính nghiên cứu của một chuyên luận khoa học.

Trong cuốn “Tìm hiểu về Truyện cổ tích thế tục Việt Nam”, tác giả nêu nhận xét: “Hiện ở nước ta có khoảng một trăm đầu sách sưu tập truyện kể dân gian, văn học dân gian, trong đó, có truyện cổ tích. Trong lúc việc nghiên cứu, tìm hiểu về vấn đề thì khá ít ỏi…”. Nhằm bổ sung sự thiếu hụt này, công trình mới của Triều Nguyên sau khi trích dẫn các truyện cổ thế tục nổi tiếng, đã tổng hợp, phân tích trên nhiều khía cạnh. Ví như ở chương “Việc phản ánh hiện thực và sự vận động của truyện cổ tích thế tục Việt Nam”, tác giả đã tổng hợp, phân tích từ 360 truyện về 3 loại đề tài (Các đức tính và thói tật; Quan hệ gia đình; Quan hệ ngoài phạm vi gia đình) và cho chúng ta biết có 233 truyện hiện thực được phản ánh “nhuốm màu quan niệm” (chiếm 64.7%), 67 truyện được phản ánh qua “góc nhìn hài hước” (chiếm 18,6%), 60 truyện phản ánh sự “nghiệt ngã của đời thường” (chiếm 16,7%)…

Để thực hiện công trình “Các thể loại, kiểu tác phẩm dạng tản văn và biền văn trong nền văn học trung đại Việt Nam”, tác giả còn phải bỏ công phu nhiều hơn, việc tổng hợp và phân tích đòi hỏi trình độ khoa học cao hơn vì ôm trùm cả một giai đoạn mười thế kỷ, suốt từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX, gồm rất nhiều thể loại; hơn nữa, trước đây chưa có tác giả nào thực hiện công trình chuyên đề cùng mục đích và tên gọi như của Triều Nguyên để có thể tham khảo, đối chiếu. Chỉ riêng số lượng 86 văn bản tham khảo được lựa chọn đưa vào để phân tích, đối chứng (có kèm giới thiệu tác giả, nguồn trích dẫn, chú thích), trong đó có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng, như “Bạch Đằng Giang Phú” của Trương Hán Siêu (? – 1354), “Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc (của Nguyễn Đình Chiểu, 1822-1888), “Văn tế Phan Bội Châu” của Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947), “Chiếu dời đô” của Lý Thái Tổ, 1010-1028), “Chiếu lên ngôi” (Ngô Thì Nhậm 1746-1803, nhân danh vua Quang Trung viết)…, cuốn sách đã rất có ích cho bạn đọc - nhất là với học sinh, sinh viên ngành khoa học xã hội-nhân văn.

Chỉ tiếc là hai công trình biên soạn công phu này lại được in với số lượng quá ít. Điều này, một lần nữa, “báo động” tình trạng một mảng di sản văn hoá có giá trị của dân tộc đang bị thờ ơ.

Bài, ảnh: Nguyễn Khắc Phê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh

Góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan, tạo nếp sống văn hóa là thành quả đáng tự hào của cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Nam Đông khi triển khai Đề án Ngày Chủ nhật xanh “hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạnh - sáng”.

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh
Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số

Văn hóa đọc không còn như trước đây, không phải cứ cầm sách mới là đọc sách. Trò chuyện với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế cho rằng, trong thời đại công nghệ số, độc giả có thể đọc ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào chỉ cần có điện thoại, máy tính… kết nối internet.

Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số
Em và ngày hội đọc sách

So với các bạn cùng trang lứa TP. Huế và vùng đồng bằng, các bạn nhỏ ở huyện vùng núi, vùng xa Nam Đông và A Lưới thiệt thòi hơn nhiều về điều kiện để tiếp cận công nghệ thông tin...

Em và ngày hội đọc sách
Khánh thành “Điểm xanh văn hóa”

Ngày 21/4, tại tổ dân phố 4, Khối Dân vận phường Phường Đúc (TP. Huế) tổ chức khánh thành “Điểm xanh văn hóa”, trị giá hơn 50 triệu đồng.

Khánh thành “Điểm xanh văn hóa”
Return to top