ClockChủ Nhật, 24/12/2017 06:56

Công trình điểm nhấn & bài toán giao thông

TTH - Trao đổi với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, Kiến trúc sư Huỳnh Quang, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng, Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế tổng hợp cho rằng, để tạo nên cụm điểm nhấn về kiến trúc cần phải có sự sắp đặt hài hòa, không thể công trình này quá cao và đối xứng là công trình quá thấp sẽ tạo sự đứt gãy trong kiến trúc và phá vỡ tổng thể cụm điểm nhấn.

Công trình xây dựng tòa nhà Vincom: Đã thi công đến tầng 14Từ Vincom, nhìn về tiến độ các dự ánChờ đợi khác

Kiến trúc sư Huỳnh Quang. Ảnh: Phan Thành

Theo ông cụm điểm nhấn kiến trúc hiện nay của đô thị Huế như thế nào?

Nói đến kiến trúc phải đặt nó trong mối tương quan tổng thể với tất cả các yếu tố khác, về cả thiên nhiên, con người, dòng sông, cây cối, cảnh quan... Riêng kiến trúc đô thị Huế không thể tách rời sông Hương và cảnh quan hai bờ sông. Do đó, các công trình có đẹp, có phải là điểm nhấn hay không đều phải xét trong các mối quan hệ tương quan đó.

Tôi quan tâm nhiều hơn ở những công trình điểm nhấn khu vực phía Nam và nhận thấy, các công trình điểm nhấn khá hài hòa, nhất là khi tòa nhà Vincom cao 33 tầng gần như đã hoàn thành phần thô. Có thể nói đây là công trình hội đủ các yếu tố cần thiết để làm nên điểm nhấn cho đô thị Huế, từ kiến trúc, thiết kế đến độ lùi các thông số kỹ thuật... tất cả đều phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết của khu vực phía Nam và TP. Huế.

Ông có thể nói cụ thể hơn?

Khi đang giữ vị trí Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng, trong các cuộc họp liên quan, tôi đều tham gia ý kiến và tham mưu cho tỉnh, nhà đầu tư về kiến trúc điểm nhấn. Ở các trục đường như Lý Thường Kiệt, Đống Đa, chúng tôi đã quy hoạch và kiến nghị cần thiết phải có những công trình điểm nhấn ở những vị trí đẹp nhất để tạo nét đặc trưng cho đô thị Huế. Vì thế, khi chủ đầu tư công trình tòa nhà VNPT dự định chỉ xây 6 tầng, tôi đã đề nghị nên xây cao hơn để tương xứng với công trình đối diện ở đường Hà Nội -Nguyễn Tri Phương hiện nay đang chuyển đổi mục đích sử dụng thành Bệnh viện chuyên khoa Quốc tế.

Cùng với hai công trình này, ở phía đường Hùng Vương có khách sạn Imperial cao 16 tầng và ngay ngã sáu Hùng Vương - Đống Đa - Hà Nội có công trình tòa nhà Vincom cao 33 tầng, phía giao nhau với Bà Triệu - Hùng Vương có khách sạn Indochine đã tạo nên cụm điểm nhấn khá hài hòa cho đô thị Huế, từ thấp đến vừa đến cao và ngược lại.

Có ý kiến cho rằng, công trình tòa nhà Vincom hiện khá “cô độc” giữa đô thị Huế khi mà những công trình đối xứng chưa được đầu tư?

Tôi không nghĩ vậy. Đối diện với công trình này hiện có tòa nhà của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh tỉnh và sắp tới là tòa nhà của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh tỉnh ở đường Lê Quý Đôn cao hơn 10 tầng. Khi hoàn thành sẽ là những công trình đối xứng, tạo nên sự cân bằng hài hòa cho công trình tòa nhà Vincom.

Thực tế, đô thị Huế từ lâu đã có những công trình cao tầng như công trình Bệnh viện chuyên khoa Quốc tế. Tuy nhiên, do công trình này ngừng thi công khá lâu làm cho đô thị Huế thiếu đồng bộ. Do đó, việc lựa chọn nhà đầu tư như thế nào, ở vị trí ra sao cũng cần được cân nhắc.

Tức là phải lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực cho những vị trí có thể tạo nên công trình điểm nhấn?

Phối cảnh tòa nhà vincom​

Đúng vậy. Việc lựa chọn nhà đầu tư theo tôi khá quan trọng và điều này được minh chứng bằng tòa nhà Vincom do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư. Vị trí tại ngã sáu Hùng Vương - Đống Đa - Hà Nội khá đắc địa và tỉnh đã giao đúng nhà đầu tư, thế nên TP. Huế mới có một công trình hài hòa về kiến trúc như thế.

Trái lại ở đường Hà Nội - Nguyễn Tri Phương, công trình Bệnh viện chuyên khoa Quốc tế trước đây do nhà đầu tư cũ thiếu năng lực tài chính nên để quá lâu, làm cho đô thị Huế loang lổ hay như công trình ở đường Lê Lợi - Hà Nội, đối diện cầu Phú Xuân cũng bỏ hoang một thời gian dài, nay có đầu tư nhưng chỉ là tạm thời, chắp vá. Nếu ở những vị trí đó mà tìm được nhà đầu tư có thực lực, chắc chắn đô thị Huế sẽ có thêm nhiều công trình đẹp. Do đó, khi có nhà đầu tư đến, việc cần thiết phải làm là kiểm tra năng lực tài chính, không thể để những nhà đầu tư không đủ nguồn lực chiếm đất và “giam” dự án năm này qua năm khác. Nếu vị trí tốt nhưng nhà đầu tư không đủ năng lực sẽ là vật cản cho quá trình phát triển của đô thị Huế.

Theo ông thế nào là công trình đẹp về kiến trúc?

Tôi cho rằng, kiến trúc là một trường phái, nó có thể đẹp với người này nhưng chưa chắc đã đẹp với người khác. Vì thế những người làm công tác thiết kế, họ thường theo một trường phái nhất định nào đó, có thể là cổ điển, hiện đại nhưng nhất định không thể là nửa này, nửa kia, nghĩa là trong một công trình phải xét yếu tố tổng thể, không thể nửa tây, nửa ta trong một công trình. Và dù có là trường phái kiến trúc nào cũng cần đảm bảo hài hòa, tôn trọng các chỉ số, thông số về độ lùi, cây xanh và phải đảm bảo khi hoàn thành công trình sẽ là tổng thể hài hòa với các công trình, yếu tố khác như về công năng sử dụng, tạo cảnh quan, cây xanh…

Ở Huế hiện nay có nhiều những công trình đảm bảo hài hòa các yếu tố như ông nói?

Công trình có thể xem là khá ổn về các mặt có thể kể tên đầu tiên là tòa nhà Vincom Huế. Tôi đã từng tham gia góp ý và xem qua mặt bằng tổng thể, thiết kế công trình và nay khi công trình triển khai thực tế càng chứng minh điều đó. Điều làm tôi hài lòng nhất là độ lùi của công trình khá đảm bảo, các thông số kỹ thuật tốt, kiến trúc khá hiện đại. Đây có thể xem là công trình, dự án có tầm cỡ nhất hiện nay của Huế mà tôi tin rằng trong vòng 1 thập kỷ tới sẽ khó có công trình nào vượt qua.

Đáng tiếc là phía đối diện, công trình tòa nhà làm việc của BIDV - Chi nhánh tỉnh xây dựng bậc cấp lấn chiếm vỉa hè, thiếu độ lùi cơ bản đã làm ảnh hưởng đến giao thông và đây là điều tối kỵ với các công trình điểm nhấn.

Vậy công trình điểm nhấn phải là công trình như thế nào, thưa ông?

Chức năng quan trọng của công trình điểm nhấn không chỉ là tạo sự riêng biệt, đặc trưng cho đô thị mà còn giải quyết được bài toán về giao thông, tức là phải có độ lùi thích hợp, nếu không cơ quan chức năng sẽ tốn kém kinh phí và nhân lực để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, khi mà những công trình điểm nhấn đều đa phần là cao tầng, nhiều người sử dụng.

Bên cạnh đó, yếu tố cây xanh cũng khá quan trọng. Khi có độ lùi thích hợp, công trình sẽ giao thoa, tương tác với cây xanh. Chính quyền đô thị hoặc chủ đầu tư có thể trồng những loại cây phù hợp vừa chắn gió, vừa che nắng, tạo không khí trong lành và không gian xanh cho đô thị Huế.

Yếu tố khác nữa là những công trình điểm nhấn phải có tầm nhìn chiến lược, lâu dài, tức là phải 50-70 năm sử dụng sau đầu tư và phải tính toán kỹ những lợi ích mà nó đem lại cho đô thị, ngân sách, người dân chứ không thể chỉ là một vài năm. Đây cũng chính là điều mà chủ đầu tư tòa nhà Vincom đã cân nhắc khi tôi trao đổi về ý định xây tòa nhà cao tầng, thay vì chỉ là ý định thấp tầng hơn khi họ đến Huế.

Ngoài công trình tòa nhà Vincom, theo ông Huế hiện nay còn có những địa điểm nào có thể xây công trình cao tầng để tương xứng và tạo thêm điểm nhấn?

Nếu được có thể giải tỏa một số khu vực, cơ quan Nhà nước ở trục đường Tôn Đức Thắng để xây dựng công trình cao tầng. Tôi đề xuất vị trí này vì vệt công trình điểm nhấn sẽ chuyển tiếp từ các công trình ở đường Lê Lợi, Hà Nội, Lý Thường kiệt đến tòa nhà Vincom, tòa nhà Vietinbank - Chi nhánh tỉnh và phía bên kia là khách sạn Indochine, sắp tới còn có thể công trình siêu thị Nguyễn Kim sẽ là một thể thống nhất các công trình điểm nhấn cho Huế.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Tâm Huệ (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Diện mạo mới từ các công trình thanh niên

Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện và sáng tạo tuổi trẻ trong thực hiện phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, Huyện đoàn A Lưới tích cực triển khai những công trình, mô hình đoàn thanh niên tiêu biểu, góp phần thay đổi tích cực diện mạo huyện miền núi.

Diện mạo mới từ các công trình thanh niên
Đầu tư gần 152 tỷ đồng xây dựng tuyến đường đô thị mới La Sơn

Sáng 6/4, lãnh đạo huyện Phú Lộc thông tin, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, huyện Phú Lộc đang triển khai xây dựng dự án (DA) tuyến đường đô thị mới La Sơn (Lộc Sơn) với kinh phí gần 152 tỷ đồng. DA giao trách nhiệm cho BQL Đầu tư Xây dựng khu vực huyện Phú Lộc làm chủ đầu tư.

Đầu tư gần 152 tỷ đồng xây dựng tuyến đường đô thị mới La Sơn
Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực

Mới đây, một sự kiện thu hút sự quan tâm của những ai yêu ẩm thực chính là lễ hội phở vừa được tổ chức tại Nam Định, từ 15-17/3. Một festival khiến chúng ta nghĩ đến bún bò của Huế - một đặc sản ẩm thực nổi tiếng có lẽ không kém phở.

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực

TIN MỚI

Return to top