ClockThứ Ba, 07/02/2012 04:55

Công trình nước tự chảy ở Nam Đông: Cha chung không ai khóc

TTH - Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của các chương trình, dự án trong và ngoài nước, thời gian qua trên địa bàn huyện Nam Đông xây dựng 5 công trình nước tự chảy. Tuy nhiên, do thiếu ý thức trách nhiệm trong quản lý, không có cơ chế duy tu bảo dưỡng (DTBD) nên các công trình nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng nặng.

Bất cập trong quản lý, sử dụng

Công trình nước tự chảy ở Hương Sơn được xây dựng từ năm 2004 do dự án NAV tài trợ với tổng kinh phí khoảng 1 tỷ đồng. Công trình có quy mô chiều dài 10 mét, rộng 8 mét, cao 6 mét, với dung tích bể chứa khoảng 250 mét khối; đường ống chính dẫn nước từ bể chứa về khu dân cư kích cỡ fi 100, dài trên 2 km, trong đó một nửa đường ống sắt đấu nối một nửa đường ống nhựa và hệ thống đường ống dẫn nước từ ống chính vào các hộ gia đình... Công trình được bàn giao cho địa phương sử dụng và quản lý. Ông Hồ Sỹ Đét, Chủ tịch UBND xã Hương Sơn cho biết, công trình phục vụ nhu cầu cấp nước sinh hoạt cho khoảng 70% hộ dân trong tổng số 303 hộ trên địa bàn xã. Tuy nhiên, gần một năm nay do công trình bị hư hỏng, xuống cấp không thể phát huy tác dụng nên người dân phải sử dụng nước suối trong sinh hoạt hằng ngày. Các hạng mục đập đầu mối, bể chứa, nắp đậy bị vỡ với khối lượng khoảng 35%. Hệ thống đường ống chính bị rò rỉ, dập nát nhiều đoạn.
 

Bể chứa nước của gia đình ông Hồ Minh Phùn ở thôn 5, xã Hương Sơn khô đáy đã 9 tháng nay

 
Về nguyên nhân công trình nhanh chóng bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng được Chủ tịch UBND xã Hương Sơn lý giải là do chính quyền địa phương vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước; chưa ý thức trách nhiệm trong công tác quản lý, DTBD. Trong 3 năm đầu, xã hoàn toàn không thu phí sử dụng nước của người dân nên không có nguồn quỹ để DTBD. Đến năm 2007, xã mới tổ chức thu phí mỗi khối nước 1.000 đồng, cả năm thu được khoảng 9 triệu đồng. Với nguồn kinh phí hạn hẹp như vậy, xã chỉ đầu tư sửa chữa, khắc phục những sự cố nhỏ trên công trình. Từ năm 2008 đến nay, do công trình ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo phục vụ sinh hoạt nên xã bỏ thu phí sử dụng. Một nguyên nhân quan trọng nữa khiến công trình hư hỏng là do ý thức bảo vệ công trình của người dân quá thấp. Một bộ phận người dân không được hưởng lợi đã cố tình phá hoại, chăn thả trâu bò dẫm đạp gây vỡ đường ống. Việc đầu tư lắp đặt đường ống dẫn nước bằng nhựa rất dễ bị hư hỏng trong mùa bão lũ...
 
Ông Lê Minh Hòa, Q. Trưởng Phòng Dân tộc huyện Nam Đông cho biết, hiện trên địa bàn huyện Nam Đông có 5 công trình nước tự chảy do các chương trình, dự án trong và ngoài nước hỗ trợ xây dựng, bình quân mỗi công trình khoảng 1 tỷ đồng. Mỗi công trình có dung tích bể chứa khoảng 200-300m3, tập trung ở các xã: Thượng Lộ, Thượng Long, Hương Hữu, Thượng Nhật, Hương Sơn. Hầu hết các công trình đều được xây dựng từ năm 2004 đến nay đã bị xuống cấp, hư hỏng không phát huy tác dụng. Theo ông Lê Minh Hòa, nguyên nhân các công trình nhanh chóng xuống cấp chủ yếu là do chính quyền địa phương và người dân thiếu ý thức trách nhiệm trong công tác quản lý, DTBD. Từ khi bàn giao đưa vào sử dụng đến nay, hầu hết các địa phương đều không có cơ chế quản lý công trình. Nhiều người dân chưa được hưởng lợi đã cố tình gây hư hỏng bể chứa, hệ thống đường ống. Bão lũ hằng năm cũng là tác nhân dẫn đến công trình bị xuống cấp, hư hỏng nặng.
 
Cần sớm khắc phục và có cơ chế quản lý
 
Ông Hồ Sỹ Đét, Chủ tịch UBND xã Hương Sơn cho biết, từ nguồn kinh phí hỗ trợ 700 triệu đồng của Chương trình 134, vừa qua các ban ngành liên quan đã tập trung sửa chữa, khắc phục đập đầu mối, bể chứa và đầu tư hệ thống đường ống dẫn nước vào nhà dân nhằm nâng tổng số hộ được sử dụng nước tự chảy trên toàn địa bàn xã đạt 100%. Tuy nhiên, đến nay hệ thống đường ống chính dẫn nước từ công trình đến khu dân cư bị rò rỉ, hư hỏng nặng vẫn chưa được khắc phục do chưa có kinh phí nên vẫn chưa thể phát huy tác dụng. UBND huyện Nam Đông cũng đã có kế hoạch đầu tư thay mới hệ thống đường ống cho công trình nước tự chảy ở Hương Sơn vào năm 2012.
 

Gia đình ông Phùn hứng nước mưa để sử dụng

UBND xã Hương Sơn đang tập trung xây dựng quy chế, quy định về cơ chế quản lý, DTBD công trình sau khi được khắc phục và bàn giao đưa vào sử dụng. Theo đó, mức thu phí mỗi khối nước sẽ được nâng lên 1.500 đồng. Hằng năm, xã trích 30% kinh phí thu tiền nước để DTBD đập đầu mối; 70% kinh phí sửa chữa hệ thống đường ống dẫn nước vào các hộ gia đình và hỗ trợ cho đội ngũ quản lý công trình. Việc thay mới đồng hồ, đường ống dẫn nước vào hộ gia đình do người dân tự đầu tư kinh phí. Xã thành lập ban quản lý công trình cấp xã gồm 4 người và mỗi tổ quản lý thôn 3 người. Hằng tháng, đội ngũ quản lý sẽ huy động lực lượng trong dân từ 10 đến 15 người để tổ chức súc rửa bể chứa. Xã sẽ xử phạt hành chính từ 300-500 ngàn đồng và không cho sử dụng nước nếu phát hiện những trường hợp vi phạm quy chế như bắt đường ống dẫn nước vào hồ cá, phá hoại và để trâu bò dẫm đạp gây hư hỏng công trình...
 
Ông Lê Minh Hòa, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Nam Đông cho biết, việc hệ thống công trình nước tự chảy trên địa bàn huyện bị xuống cấp, hư hỏng là vấn đề rất nan giải. Phòng Dân tộc huyện phối hợp với các ban ngành đã tổ chức kiểm tra, khảo sát tình hình và có hướng đề xuất cấp trên đầu tư sửa chữa các công trình. Thời gian qua, được sự hỗ trợ của Chương trình 134, các ban ngành đã đầu tư khắc phục, sửa chữa một số hạng mục. Tuy nhiên, do điều kiện kinh phí hạn chế nên những hạng mục quan trọng như đường ống chính vẫn chưa được khắc phục. Nhiều công trình vẫn chưa thể phát huy tác dụng, như công trình ở xã Hương Sơn, công trình ở xã Thượng Lộ... Các công trình bị hư hỏng cũng đã được huyện đưa vào kế hoạch nâng cấp, sửa chữa trong năm 2012. Theo ông Lê Minh Hòa, để các công trình nước tự chảy trên địa bàn Nam Đông đảm bảo phát huy tác dụng, các ban ngành cấp trên cần tăng cường tổ chức khảo sát, nghiên cứu để có hướng đầu tư khắc phục, sửa chữa hợp lý. Các hạng mục nào hư hỏng nặng, không có tác dụng cần phải đầu tư thay mới. Sau khi sửa chữa, bàn giao công trình, các địa phương cần có quy chế, quy định về cơ chế quản lý như thu phí sử dụng nước để phục vụ việc DTBD, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm... Người dân cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc quản lý, DTBD nhằm đảm bảo công trình phát huy tác dụng và bền vững.
 

 Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013, trong đó người dân đặc biệt quan tâm đến việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai; làm lành mạnh hóa thị trường; hạn chế đầu cơ, tham nhũng về đất đai.

Bỏ khung giá đất làm lành mạnh hóa thị trường đất đai
Tháo gỡ vướng mắc mặt bằng Khu Chung cư Đống Đa

Chiều 25/3, UBND tỉnh tổ chức buổi đối thoại với các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng tại Dự án (DA) Cải tạo, xây dựng lại các dãy nhà A,B,C Khu Chung cư Đống Đa (KCCĐĐ) tại Phường Phú Nhuận, TP. Huế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì buổi đối thoại.

Tháo gỡ vướng mắc mặt bằng Khu Chung cư Đống Đa

TIN MỚI

Return to top