ClockThứ Ba, 22/05/2018 12:34

Công ty CP Đầu tư Quốc tế Thiên An "lỗi hẹn" với người dân

TTH.VN - Trong những ngày qua, các ban ngành huyện Phong Điền đã tổ chức họp với các địa phương, rà soát lại diện tích và tìm phương án giải quyết đầu ra số diện tích ớt mà người dân huyện này trồng theo hợp đồng của Công ty CP Đầu tư Quốc tế Thiên An (viết tắt Công ty Thiên An, trụ sở tại Hải Phòng).

Ớt chín đỏ đồng chờ doanh nghiệp thu mua

Chỉ thu mua với giá 2.000 đồng/kg

Đầu năm 2018, Công ty Thiên An hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm cho khoảng hơn 20 ha ớt sừng bò, sừng đũa cho hàng trăm hộ dân ở các địa phương của huyện Phong Điền. Thực tế, số diện tích này theo cam kết lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, khi triển khai trồng, do thời tiết không thuận lợi nên một số địa phương đã ngưng thực hiện.

Nhiều diện tích ớt ở vùng Ngũ Điền đang chín, chờ doanh nghiệp thu mua

Theo hợp đồng của công ty này ký kết với các HTX trên địa bàn, công ty cung ứng giống, vật tư cho các hộ dân sản xuất và sẽ mua lại ớt với giá 5.500 đồng/kg (ớt tươi). Sau thời gian trồng, Công ty Thiên An cho người về thu mua ớt cho các hộ dân tổng cộng có 2 đợt với gần 50% sản lượng; số diện tích ớt còn lại mặc dù đã chín trên đồng nhưng công ty này lại “bặt vô âm tín”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, chiều ngày 21/5, UBND huyện Phong Điền đã tổ chức cuộc họp với các ban ngành địa phương nhằm tìm phương án giải quyết đầu ra hoặc trợ giá cho những diện tích ớt còn lại mà người dân đã hợp đồng trồng với công ty. Mặc dù UBND huyện đã gửi văn bản, gọi điện nhiều lần nhưng phía Công ty Thiên An vẫn không cử người vào họp để giải quyết vụ việc mà chỉ gửi văn bản vào cho huyện.

Người trồng ớt gặp khó khăn do doanh nghiệp "lỗi hẹn"

Theo văn bản này, Công ty Thiên An cho rằng, hiện đơn vị đang gặp khó khăn trong việc xuất khẩu sản phẩm ớt nên tạm thời chưa thu mua được cho người dân như cam kết và nếu thu mua được cũng chỉ với giá 2.000 đồng/kg mà thôi. Công ty tiếp tục “hứa” sẽ giới thiệu các doanh nghiệp khác giúp địa phương tiêu thụ số nông sản này.

Theo Công ty Thiên An, trong thời gian qua, đơn vị này đã bỏ ra khoảng 1,4 tỷ đồng để đầu tư đầu vào từ giống đến chi phí vật tư, kỹ thuật cho các hộ dân và chỉ mới thu lại khoảng trên 400 triệu đồng tiền bán ớt. “Huyện vẫn cương quyết yêu cầu phía công ty có trách nhiệm thực hiện hợp đồng đã ký kết. Mặc dù biết phía đơn vị này đang gặp khó khăn, huyện vẫn chia sẻ, nhưng hiện sản lượng còn lại khá lớn, địa phương trong ngày hôm nay, 22/5 đang về cơ sở để khảo sát lại số diện tích, kết nối với các doanh nghiệp, đơn vị trong ngoài tỉnh để giải quyết đầu ra cho các hộ dân”, ông Cho nói thêm.

Trước mắt người dân “tự xoay”

Về các địa phương vùng Ngũ Điền hiện nay, người dân trồng ớt cũng đang “tự xoay sở” trước số lượng ớt khá lớn đang chín và sắp hư hỏng trên đồng. Chị Trần Thị Ty (thôn Kế môn 1, xã Điền Môn) cho biết: “Sau khi mua đợt cuối cùng cách đây chừng 20 ngày, giờ số ớt đã tiếp tục chín, nông dân không đợi được nữa nên đành thu hoạch ớt trái phơi khô, giã làm ớt bột may ra bán được. Việc phơi khô có vất vả và tốn công hơn bán trái tươi. Nếu công ty thu mua 2.000 đồng/kg như HTX thông báo thì không đủ công hái, bà con làm ớt bột còn hơn”.

Để giảm thiểu thiệt hại, người dân Ngũ Điền thu hoạch ớt tươi phơi khô làm ớt bột

Ông Hoàng Ngọc Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Môn thông tin, theo hợp đồng với Công ty Thiên An, có 14 hộ dân trên địa bàn xã trồng ớt sừng bò với diện tích gần 1ha. Sau khi thu mua 2 đợt chừng 7 tạ ớt tươi, công ty vẫn chưa thanh toán tiền cho các hộ dân.

“Do công ty chậm thu mua, để tránh hư hỏng, địa phương đã vận động các hộ dân thu hoạch, phơi làm ớt bột, chủ yếu để dùng trong gia đình chứ chất lượng ớt này làm ớt bột thì không bán được”, ông Bảo nói.

Còn hơn 50% sản lượng ớt trồng theo hợp đồng của Công ty Thiên An vẫn chưa được thu mua

Tương tự, tại xã Điền Hương, Điền Lộc 5,5 ha ớt hợp đồng với công ty này vẫn đang “nằm chờ” trên ruộng. “Nếu thu mua theo giá công ty đưa ra là 2.000 đồng/kg thì người trồng không đủ công để thu hoạch. Do vậy, HTX cùng chính quyền địa phương đề xuất huyện có thể trợ giá ớt cho người trồng; tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, giúp nông dân lựa chọn cây trồng khác đề sản xuất vụ sau”, ông Trần Đình Khôi, Giám đốc HTX NN Điền Lộc, kiến nghị.

Tại các vùng bán sơn địa như Phong Sơn, Phong Mỹ, người dân trồng ớt theo hợp đồng của Công ty Thiên An vẫn không được công ty này về thu mua đủ sản lượng như đã cam kết.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”
Nông dân Phong Điền trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Ngày 6/4, đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam do ông Nguyễn Tiến Cường, Quyền Trưởng Ban Kinh tế-Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với HND huyện Phong Điền và kiểm tra một số mô hình nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Nông dân Phong Điền trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Return to top