ClockThứ Bảy, 15/07/2017 12:10

“Cốt nền” trong quy hoạch và cấp phép

TTH - Trong quá trình nâng cấp, xây dựng hạ tầng giao thông, quy hoạch (QH) đô thị và cấp phép xây dựng, vấn đề “cốt nền” dường như chưa được quan tâm.

Cốt nền đường Đoàn Thị Điểm càng lúc càng cao do nâng đường

Điệp khúc nâng đường

Dường như mỗi khi mặt đường xuống cấp, các đơn vị giao thông lại có một cách khắc phục theo phương án ít tốn kém nhất đó là thảm nhựa lại mặt đường. Đơn cử như tuyến đường Đoàn Thị Điểm được thảm nhựa mặt đường trong thời điểm trước Festival Nghề truyền thống Huế 2017 đã khiến cho mặt đường cao hơn so với trước khoảng 5 – 7 cm. Đây không phải là lần đầu tiên con đường này được nâng cấp thảm lại mặt đường mà cứ theo chu kỳ năm đến bảy năm tùy theo mật độ phương tiện đi lại, cũng như ảnh hưởng của thời tiết, mặt đường đều được thảm lại.

Cứ mỗi lần như thế nâng lên từ 5-10 cm thì qua hai ba lần thảm nhựa đường đã cao hơn so với trước đó hơn 20cm. Điều này sẽ khiến cho “cốt đường” nâng lên, khiến bức tường thành Đại Nội dường như thấp hơn. Cạnh đó, nền nhà dân ở hai bên đường cũng thấp xuống, ảnh hưởng đến khả năng thoát nước của đô thị một khi cốt mặt đường của các tuyến không đồng đều.

Không riêng khu vực kinh thành Huế, hầu như các tuyến đường ở Huế đều diễn ra “điệp khúc" nâng đường khiến người dân trong quá trình xây dựng không biết phải làm như thế nào. Thường thì khi nào xây dựng người dân cũng trừ hao nên cốt nền nhà thường khá cao so với mặt đường. Việc mỗi nhà đều xây dựng theo cốt nền riêng cũng khiến cho “cốt sàn” không thống nhất, cao thấp khác nhau, ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị.

Chưa quan tâm “cốt nền, cốt sàn”

Ông Nguyễn Việt Bằng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Huế cho biết, trong quá trình cấp giấy phép xây dựng của TP. Huế lâu nay cốt nền và cốt sàn đều có quy định, song trên thực tế chỉ căn cứ trên cốt mặt đường hiện trạng chứ chưa có cốt nền chuẩn cho thành phố. Và trong quá trình xây dựng người dân cũng ít tuân thủ điều này, trong khi các cơ quan quản lý cũng chưa giám sát chặt chẽ, chủ yếu quan tâm đến diện tích xây dựng.

Thực tế, hiện thành phố vẫn chưa làm tốt công tác dự báo về các tuyến đường sẽ cải tạo sau này, nên quy định cụ thể độ cao bao nhiêu giữa nhà dân và lòng đường còn thiếu cơ sở và rất khó có tính thuyết phục. Nếu có, phải căn cứ vào bản đồ thiết kế, QH để tính toán cao độ nền cho từng khu vực cụ thể. Là một QH chuẩn thì độ chênh cốt nền cao bao nhiêu phụ thuộc vào điều kiện địa hình, tương quan giữa khu đất đó với khu vực xung quanh để xác định cao độ nền, vào QH phân khu hoặc QH chung xây dựng đô thị.  

TS. KTS. Trần Đình Hiếu, Trưởng khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học Huế cho biết, quy định về cốt nền chung của nước là +2m. Ở TP. Huế, hiện không có một con số chung về cốt nền xây dựng mà tùy thuộc vào từng vùng, từng khu QH con số này thay đổi khác nhau, dao động từ +1,7m đến +2,5m. Những khu vực QH mới sau này thì cao độ nền xây dựng được quy định là lớn hơn hoặc bằng +3m. Tuy nhiên, những con số này liên tục được điều chỉnh, và không thống nhất.

Phải tính đến việc đưa ra các QH cốt nền cố định cho toàn thành phố và các quy định cụ thể về cốt nền cho các khu vực, hoàn thiện và phát huy tác dụng của hệ thống thoát nước (sau khi dự án cải thiện môi trường nước hoàn thành) để người dân yên tâm hết cảnh bị ngập lụt thì mới hạn chế tình trạng người dân làm nền nhà quá cao. Khi đã có QH và đưa ra quy định cụ thể trong giấy phép, cần thiết phải tăng cường công tác quản lý, kịp thời xử lý, chấn chỉnh những cá nhân cố tình vi phạm cốt nền để tránh nảy sinh những hệ lụy sau này.

Các chuyên gia QH đô thị cho rằng, hiện nay việc khớp nối đồng bộ giữa tổng thể trong đô thị với nhau đang có “vấn đề”. Nhất là ở những khu dân cũ, tình trạng nhà thấp, nhà cao xảy ra là do hệ thống QH chưa được đồng bộ. Thực trạng thường thấy là cốt nền ở một số khu vực dân cư cũ thấp hơn các khu đô thị mới ở xung quanh, ảnh hưởng đến khả năng tiêu tiêu thoát nước, gây nên nguy cơ ngập úng cục bộ tại các khu vực cũ. Để giải quyết vấn đề này, cần chú ý đầu tư nhiều hơn nữa đến việc QH chi tiết các khu vực dân cư hiện hữu. Vấn đề quan trọng hơn, đó là việc huy động nguồn lực để  đầu tư khớp nối tốt với toàn bộ hệ thống hạ tầng của thành phố cùng với nâng cao năng lực công tác quản lý xây dựng trên địa bàn các phường.

Quang Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sứ mệnh của Huế

Kết thúc bài phát biểu tại hội nghị công bố quy hoạch vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng Thừa Thiên Huế sẽ phát huy bản sắc, đặc trưng để hướng đến các giá trị mới, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước.

Sứ mệnh của Huế
Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền

Chiều 8/4, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Điền tổ chức hội nghị để nghe Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 và thông tin về “Định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền
Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa

Phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa của Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: Xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc văn hoá Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu về văn hoá, lịch sử, con người Huế.

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa
Return to top