ClockThứ Ba, 18/04/2017 05:41

Cử nhân ra nước ngoài tìm việc

TTH - Đề án xuất khẩu lao động (XKLĐ) có trình độ cao mở ra cơ hội cho cử nhân đang thất nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản.

Ngày càng có nhiều cử nhân muốn ra nước ngoài tìm việc

Làm công nhân ở nước ngoài đang trở thành lối thoát của không ít cử nhân. Nhiều người thực tế hơn khi không còn chăm chăm nghĩ đến chuyện phải tìm một công việc bàn giấy, ngồi “trong dim, trong mát”. Anh Nguyễn Văn Long, phường Phú Bài, TX. Hương Thủy vừa về nước chia sẻ: “Tôi tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin, nhưng suốt 3 năm vẫn chưa có việc làm ổn định. Sau khi trải qua kỳ thi tiếng Nhật và 4 tháng học nghề tại Hà Nội, tôi sang Nhật làm công nhân ngành nhựa. Mức lương hơn 30 triệu đồng/tháng”. Anh Long thừa nhận, làm việc ở Nhật không chỉ lương cao mà còn được tiếp cận với công nghệ tiên tiến. “Tôi rèn luyện được phong cách làm việc chuyên nghiệp, học hỏi được rất nhiều từ ý thức làm việc, sinh hoạt của người Nhật. Tuy nhiên, yêu cầu của các doanh nghiệp ở Nhật khá khắt khe. Ngoài khả năng thích ứng chuyên môn, tiếng Nhật vẫn là áp lực đối với lao động”, anh Long nói.

Không đơn thuần cử nhân tìm việc ở nước ngoài để có vốn liếng tích lũy. Nhiều người vẫn muốn có tác phong công nghiệp, có sự trải nghiệm, khám phá khoa học hiện đại của các nước và hơn cả có vốn ngoại ngữ ổn định để xin việc ở các công ty nước ngoài thuận tiện hơn. Chính mục tiêu rõ ràng nên nhiều lao động xác định, họ sẽ trung thành với một công ty, không nhảy việc dẫu có được chào mời hay lương bổng cao. Anh Trần Văn Minh, tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế Huế cho biết: “Tôi học tiếng Hàn gần 1 năm nay để chuẩn bị tham gia các kỳ thi. Tôi muốn sau khi về nước sẽ làm ở một công ty Hàn Quốc tại Đà Nẵng”.

Năm 2016, toàn tỉnh có trên 250 lao động, trong đó, hơn 160 người, chiếm tỷ lệ 65% lao động thích thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Dẫu phí cho một chuyến đi không hề nhỏ, từ 5.000 USD đến 6.000 USD. Nhiều người chạy vạy, vay mượn tầm 200 triệu đồng để chi phí cho chuyến đi. Chưa kể, thời gian chuẩn bị cho đến lúc xuất cảnh tương đối dài, từ 6 đến 8 tháng để lao động có thể trang bị đủ kiến thức cần thiết, nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống khi sang thị trường chất lượng cao.

Lao động Thừa Thiên Huế đi XKLĐ tăng đều trong nhiều năm nay, song các thị trường như Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc... ngày càng khắt khe, yêu cầu cao về chất lượng lao động. Người lao động ngoài sức khỏe, tay nghề, còn phải đáp ứng được các kỹ năng khác, như ngoại ngữ, ứng xử. Ví như kỳ thi tiếng Hàn tổ chức cuối năm 2016, cả nước chỉ lấy 2.100 thí sinh có điểm cao nhất, trong khi có tới hơn 20.000 thí sinh dự thi. Điều này phần nào cho thấy những thị trường thu nhập cao ngày càng đòi hỏi lao động phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật tốt.

Ông Đặng Văn Cường, đại diện Công ty cổ phần đầu tư Vĩnh Cát cho hay: “Lao động ra trường chưa có việc làm đi XKLĐ ngày càng nhiều. Doanh nghiệp Nhật thường đến tuyển lao động trực tiếp. Họ thích tính cần cù, chịu khó, có vốn ngoại ngữ khá tốt của lao động Thừa Thiên Huế. Trong vòng hai năm, trừ các khoản chi phí, lao động tích lũy tầm 400 triệu đồng. “.

Ngày càng có nhiều lao động tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học tìm đến con đường đi làm việc ở nước ngoài, song cơ hội việc làm chủ yếu vẫn là lao động phổ thông, công nhân… Phần lớn thị trường có nhu cầu về lực lượng lao động chất lượng cao đều chỉ “khát” nhóm lao động có trình độ kỹ thuật ở một số chuyên ngành, như: điều dưỡng; hộ lý; cơ khí; xây dựng; thiết kế web; chế tạo, lắp ráp linh kiện điện tử… Trong khi đây chưa hẳn là nhóm nghề có đông cử nhân thất nghiệp. Ngay cả khi có lao động được đào tạo đúng chuyên ngành thị trường ngoài nước cần tuyển thì khả năng đáp ứng cũng còn gây nhiều ngần ngại, trong đó có những hạn chế về ngoại ngữ, kỷ luật và kỹ năng làm việc.

Trong khi tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên cao, số lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật không có việc làm lớn thì có lẽ, sẽ rất khó để kén chọn, đòi hỏi việc làm tốt, thu nhập cao khi tham gia thị trường lao động quốc tế. Chưa kể, muốn tham gia thị trường quốc tế với vị trí việc làm là nhân viên kỹ thuật, kỹ sư, điều dưỡng… đòi hỏi trình độ ngoại ngữ của người lao động phải đáp ứng được yêu cầu công việc. Thế nên, nâng cao vị trí việc làm của lao động đi làm việc ở nước ngoài trong một tương lai xa hơn, trước hết phải chuẩn bị cho lao động đáp ứng được các tiêu chuẩn việc làm quốc tế về tay nghề và ngoại ngữ.

Huế Thu

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top