ClockThứ Tư, 30/03/2016 20:15

Cửa biển Thuận An – Tư Hiền 41 năm trước

TTH - Chúng tôi về cửa biển Thuận An - Tư Hiền vào những ngày tháng 3 lịch sử. Cuộc sống nơi đây đã đổi thay rất nhiều, nhưng ký ức về cuộc tháo chạy kinh hoàng của tàn binh quân đội Sài Gòn hồi cuối tháng 3/1975 vẫn như còn đây…

Ông Ngô Minh Diễn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Thuận An (Phú Vang) lật giở từng trang lịch sử: “Ngày 23/3/1975, các mũi tấn công của quân ta từ 3 hướng, hình thành nhiều mũi bao vây kẹp chặt Huế. Ngày 24/3/1975, vòng vây của quân giải phóng từ ba cánh Bắc - Nam và Tây đã chia cắt hoàn toàn quân địch không cho chúng co cụm vào thành phố. Đường bộ bị cắt đứt, đường không bị khống chế, toàn bộ quân địch ở Thừa Thiên Huế chỉ còn một lối thoát duy nhất là rút chạy về phía cửa biển Thuận An - Tư Hiền”.

Xe tăng của địch bỏ lại khi tháo chạy được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Cách mạng tỉnh

Nắm được ý đồ tháo chạy của địch, một cánh quân của bộ đội địa phương cùng dân quân du kích huyện Phú Lộc đã chủ động tiến công ra chặn cửa Tư Hiền; đồng thời, bộ đội đặc công K5 nhanh chóng thả thủy lôi phong tỏa cửa biển; lực lượng pháo binh tập trung hỏa lực bắn chặn cửa biển Thuận An - Tư Hiền không cho tàu địch vào ứng cứu và bắn cấp tập vào đội hình rút lui của địch. Các mũi tiến công của quân giải phóng nhanh chóng truy kích, lùa địch vào cái bẫy khổng lồ cửa Thuận An.

Trước sức tấn công như vũ bão của bộ đội ta, hệ thống phòng thủ kiên cố ở Trị - Thiên vỡ từng mảng lớn, quân địch rơi vào tình thế tuyệt vọng, tranh giành nhau chạy về Đà Nẵng. Đây thực sự là một cuộc tháo chạy hỗn loạn, kinh hoàng chưa từng thấy đối với quân địch. Một số người chứng kiến kể lại rằng, binh lính ngụy từ mọi ngả đường chạy dồn về cửa biển Thuận An đông không kể xiết. Xe cộ, quần áo, giày mũ, súng ống, đạn dược địch vứt ngổn ngang dọc đường rút chạy. Một số sĩ quan, công chức ngụy quyền nhanh chân kiếm được tàu về Đà Nẵng hoặc chạy ra Hạm đội 7. Số còn lại định lên tàu mong vào Đà Nẵng, nhưng quân giải phóng đã bắn chặn đường ra biển nên vô cùng bế tắc. Trước tình thế tiến thoái lưỡng nan, chúng quay sang cướp phương tiện của nhau để chạy trốn qua phá Tam Giang về cửa Tư Hiền (Phú Lộc).

Cửa biển Thuận An tấp nập tàu thuyền với những chuyến ra khơi bám biển dài ngày của ngư dân

“Tháng 3/1975, sau khi đánh thắng trận đầu, tiêu diệt địch ở xã Vinh Hải, đơn vị tôi đánh tiếp trận thứ hai ở xã Vinh Hiền. Trong thời khắc địch tháo chạy về cửa biển Tư Hiền, cấp trên lệnh cho chúng tôi huy động thuyền của dân để chở những tên lính ngụy bị bắt làm tù binh vượt đầm Cầu Hai giao cho Huyện đội Phú Lộc. 4 chiếc thuyền chạy hết công suất. Sau một ngày, chúng tôi đã chuyên chở được 600 – 700 tù binh. Cuộc tháo chạy kinh hoàng đó là dấu chấm hết cho chính quyền ngụy quân ở Thừa Thiên Huế. Và rồi, sáng 26/3/1975, lá cờ cách mạng rộng 8m dài 12m được kéo lên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu, tung bay trên bầu trời Cố đô Huế, đánh dấu mốc lịch sử Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng”, bà Đỗ Thị Tánh, nguyên du kích Đội công tác Vũ trang huyện Phú Lộc nhớ lại.

Thuận An – Tư Hiền giờ đã đổi thay rất nhiều nhờ sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân nơi đây. Bộ mặt nông thôn mới đã làm cho các địa danh này đổi thay nhanh chóng. Thuận An không chỉ phát triển về kinh tế biển, đầm phá mà còn là một trong những điểm đến về du lịch. Tư Hiền phá thế cô lập bằng những công trình cầu vượt phá Tam Giang – Cầu Hai và hướng đến trở thành một đô thị biển trong tương lai.

Bài, ảnh: Phong Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giá trị cửa biển Thuận An

Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho ra mắt cuốn sách: “Cửa biển Thuận An xưa và nay”, do TS. Phan Tiến Dũng chủ biên.

Giá trị cửa biển Thuận An
Thả 2.000 con tôm sú trưởng thành ra biển

Chi cục Thủy sản tỉnh tổ chức thả tôm sú trưởng thành ra vùng cửa biển Thuận An (huyện Phú Vang) vào ngày 29/5 nhằm bổ sung, phục hồi đàn tôm sú bố mẹ sau sự cố môi trường biển.

Thả 2 000 con tôm sú trưởng thành ra biển
Cửa Eo, ngày hội đến gần

Cửa Eo, tên gọi khác của Thuận An hải khẩu, là cửa biển được vua Minh Mạng chọn khắc vào Nghị Đỉnh năm 1837 và cũng là một trong 20 cảnh đẹp của đất Thần kinh. 19 năm sau trận "đại hồng thủy" (1999), Cửa Eo hôm nay đã thực sự đổi thay và một lần nữa, chuẩn bị đón “Thuận An biển gọi”.

Cửa Eo, ngày hội đến gần

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top