ClockThứ Năm, 28/09/2017 14:01

Cửa rừng dốc Ông Ầm được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh

TTH - Ngày 14/9/2017, tôi được Phòng Văn hóa Thông tin thị xã Hương Trà mời tham gia chuẩn bị kế hoạch đón nhận Bằng di tích lịch sử dốc Ông Ầm ở phường Hương Chữ (thị xã Hương Trà), được công nhận theo Quyết định 1708/QĐ- UBND ngày 2/8/2017 của UBND tỉnh.

Đây là một tin vui không chỉ riêng cho nhân dân hai phường Hương Chữ và Hương An (trước đây, 2 phường này thuộc xã Hương Thái - Hương Chữ hiện nay) mà là niềm vui chung cho nhân dân thị xã Hương Trà, nhất là số cán bộ thoát ly và cơ sở cách mạng có tham gia trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Như vậy, bài viết “Nên có Bia chiến tích ở dốc Ông Ầm” đăng trên Báo Thừa Thiên Huế số 6659 ra ngày 9/5/2016 đã trở thành hiện thực. Tại dốc Ông Ầm sẽ có bia chiến tích và đúng như bài báo viết: “Cửa rừng dốc Ông Ầm là một điểm quan trọng trong tuyến hành lang của Hương Trà, nối liền từ chiến khu Dương Hòa của tỉnh về Trò Trái, Khe Điên, vùng hậu cứ của Hương Trà về các xã đồng bằng phía nam Hương Trà và các xã, phường vùng ven phía tây nam của thành phố Huế; là địa bàn chiến lược, là tuyến phòng ngự cuối cùng bảo vệ Huế hướng Tây Nam của Mỹ - Ngụy”.

Cửa rừng dốc Ông Ầm trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ là nơi liên lạc, điểm hẹn, gặp gỡ của các cơ sở cách mạng để xây dựng phong trào cách mạng ở nông thôn đồng bằng, là nơi hành quân từ hậu cứ về đồng bằng của các đơn vị: Đội công tác các xã Hương Thái, Hương Bình, Hương Vinh … của Hương Trà; Đội công tác của quận I, thành phố Huế và các đơn vị quân đội.... Nơi đây đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, sự tranh chấp giữa ta và địch vô cùng gay go và quyết liệt.

Trong chiến dịch tấn công nổi dậy Xuân 1968, ở đây là nơi xuất phát của các cánh quân và các đợt hành quân vào Nội thành Huế (cửa Chánh Tây) chiếm giữ ngã ba An Hòa, ngã ba cầu Bạch Hổ. Trong 26 ngày đêm ta giữ Huế, đây là cửa ngõ tiếp tế, chi viện nhân vật lực, đưa đón thương binh, tử sĩ, tù hàng binh, tiếp đón các lực lượng thanh niên, học sinh, sinh viên, nhân sĩ trí thức từ Huế ra; tổ chức trạm trung chuyển ở thôn Phụ Ổ, La Chữ (Hương Chữ) để lo cơm, nước uống cho dân công vận tải (quán cơm xã hội) từ Huế lên hậu cứ. Trong đêm 26/2/1968, ta rút khỏi Huế ở cửa rừng này đã có gần 5.000 người cùng hành quân đi qua để lên hậu cứ, trong đó có các tướng lĩnh trong Bộ chỉ huy cánh Bắc Huế, Ủy ban Mặt trận Hòa bình dân tộc dân chủ do Hòa thượng Thích Đôn Hậu làm Chủ tịch và các thành viên khác đã qua đây để về hậu cứ an toàn.

Dốc Ông Ầm được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử và được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh là xứng đáng. Tuy nhiên, cửa rừng dốc Ông Ầm mà nhiều lần tôi theo đoàn khảo sát của Phòng Văn hóa Thông tin thị xã Hương Trà, Bảo tàng Lịch sử cách mạng Thừa Thiên Huế lên để xác định các địa điểm vị trí lập đề án trình UBND tỉnh phê duyệt thì thấy địa hình và cảnh quan đã thay đổi nhiều do tình trạng khai thác đất, đá làm đường trồng và khai thác cây lâm nghiệp; nhất là tình trạng lấn chiếm đất để chôn cất, xây dựng lăng, mộ... đã làm mất đi các điểm mà trước đây chúng tôi đặt nơi quan sát, các nơi ẩn nấp khi có pháo của địch, các đường đi, lối lại đã biến dạng một cách cơ bản.

Đường từ dưới lên đỉnh dốc cũng bị lấn chiếm, đào bới ngổn ngang, quanh co, khúc khủyu rất khó đi, tuy có đường nhưng chỉ có xe tải (2 cầu) mới lên được. Đây là những khó khăn cho việc xây dựng bia, đài tưởng niệm và cảnh quan xung quanh. Do vậy, kính đề nghị với thị xã Hương Trà, phường Hương Chữ và các ban ngành chuyên môn nghiên cứu giải quyết một số vấn đề sau đây:

- Khảo sát lập quy hoạch, thông báo quyết định công nhận di tích lịch sử của tỉnh, tuyên truyền vận động nhân dân không được khai thác lấn chiếm trong vùng di tích lịch sử. Cần sớm cắm mốc giới thông báo cho nhân dân biết để thực hiện.

- Nên tổ chức hội thảo lấy ý kiến về kiến trúc bia tưởng niệm, nội dung của bia phù hợp với tính chất, tầm vóc và vị trí của nó.

- Xác định điểm đặt bia, xây dựng cảnh quan xung quanh.

- Tu sửa lại đường lên đỉnh dốc để xe con lên được.

- Về kinh phí, ngoài hỗ trợ của Nhà nước nên xã hội hóa, thành lập Ban Vận động cấp thị xã để kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp và các cá nhân ủng hộ để xây dựng ở đây thành một công viên văn hóa và tương lai trở thành một điểm tham quan vừa viếng bia tưởng niệm vừa quan sát thành phố Huế vào ban đêm.

- Về quản lý, nên giao cho Đoàn Thanh niên thị xã Hương Trà cùng với phường Hương Chữ quản lý lâu dài và coi đây là một công trình văn hóa truyền thống để giáo dục thế hệ trẻ.

Thiết nghĩ, đây không chỉ là một công trình của Hương Trà mà cả cánh Bắc Huế, nhất là trong chiến dịch Xuân 1968.

Hoàng Thế Đoàn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử

Thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, phát triển phẩm chất, năng lực của người học, Trường THPT Hai Bà Trưng đã xây dựng mô hình “Trường học gắn với cuộc sống”, với việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan trải nghiệm và dạy học nội khóa tại thực địa.

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử
Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích

Làng cổ Phước Tích được bao bọc bởi con sông Ô Lâu, thuộc xã Phong Hòa (huyện Phong Điền), cách TP. Huế 40km về phía bắc. Làng được thành lập từ năm 1470, dưới thời Lê Thánh Tông. Cùng với khung cảnh thơ mộng, kiến trúc những ngôi nhà rường – vườn có giá trị, các thiết chế văn hóa đặc sắc… Ngôi làng này được công nhận di tích Quốc gia vào năm 2009 giờ đang được các cơ quan chức năng tiến hành các bước lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích Quốc gia đặc biệt.

Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích
Return to top