ClockThứ Hai, 21/01/2019 08:20

Cuối đông

TTH - Chiếc lá cuối cùng trên cây đã rụng xuống từ bao giờ, mùa đi qua phố từ bao giờ không ai còn rõ nữa.

Cuối đông, Huế thật sự đã bước vào mùa lá rụng. Ở trời Tây, khi những cây phong nhuộm vàng, nhuộm đỏ những khu rừng, lúc ấy tiết trời đang vào mùa thu, còn với Huế, khi những lá phong xứ nhiệt đới rụng lả tả rải đầy trên vỉa hè đường Lê Lợi, hay trong công viên trước mặt Phu Vân Lâu thì chắc chắn một điều rằng mùa xuân đang về rất gần.

Thời còn đi học, trường tôi cũng có một cây lá phong, nằm ngay lối đi vào sân trường, bên dưới có một chiếc ghế đá. Có đợt, tôi ngồi dưới gốc cây và nhìn những chiếc lá vàng rơi đầy xung quanh mình. Những cây lá phong ấy, được gắn tên lên thân cây, có lần tôi đã không khỏi thắc mắc khi dừng xe lại và xem cái bảng người ta viết tên gì. “Sau sau” là cái tên của cây lá phong mà tôi biết, cây lá phong của xứ Huế quê tôi. Và mặc dù đã biết đích danh thì tôi vẫn chưa một lần gọi loài cây ấy với cái tên đó.

Mùa này, Huế bước vào mùa lá rụng. Phải thay lá thôi vì mùa xuân đã đến cận kề lắm rồi. Những cây bàng lá đã bắt đầu đỏ au và rụng đầy lối đi. Nơi công viên Dã Viên có cây bàng cổ thụ, đứng sừng sững ở đó từ bao giờ tôi không rõ nữa, chỉ mỗi lần đi ngang qua đây, nhìn thấy cây bàng lá biến sắc đang từ xanh thẫm sang màu đỏ ối, rồi vài ngày sau lá đã rụng hết chỉ còn trơ ra cành, những cành dài, khẳng khiu như những cánh tay nắm lấy nhau, dưới tiết trời mưa phùn, lành lạnh, tự nhiên thấy nỗi cô đơn ùa về trong lòng. Chiếc lá cuối cùng trên cây đã rụng xuống từ bao giờ, mùa đi qua phố từ bao giờ không ai còn rõ nữa.

Tôi đã từng đọc đâu đó một câu của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, rằng “hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng, để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa”, và nỗi tuyệt vọng của đất trời trong không khí tiễn đưa những điều đã cũ như những chiếc lá trên cành đua nhau rụng xuống để những nụ non đâm chồi nảy lộc chào một mùa mới thật sự rất đẹp. Có chia ly mới thấy tương phùng có ý nghĩa như thế nào. Và có khi, những chiếc lá kia đã từng vui vẻ rời khỏi những cành cây để nhường chỗ cho những mầm chồi mới sinh sôi, phát triển, như con người đôi khi cũng phải biết dũng cảm đánh rơi vài thứ để cảm thấy an yên hơn chăng?

Lang thang qua từng con đường, thói quen ngước cổ nhìn lên những tán lá cây trên đầu vẫn còn y nguyên, chỉ là những tán lá cây mùa này không nằm trên cành nữa, chúng đã rủ nhau đậu xuống lề đường. Buổi tối, trời mưa phùn. Những lát chổi nặng nề quét lá trên vỉa hè của chị lao công nghe mà xót xa quá đỗi. Có lẽ lá rụng chỉ đẹp với những kẻ thích mộng mơ như tôi mà thôi.

Huế vẫn vậy, vẫn mang cái vẻ “chẳng nơi nào có được” đi qua bốn mùa xuân hạ thu đông với rất nhiều cung bậc cảm xúc như cô gái ngày hai mươi tuổi đang mơ mộng với mối tình đầu đẹp như cổ tích. Và khi những chiếc lá lìa cành báo hiệu mùa đông chẳng còn ngự trị bao lâu với đất trời nữa, cũng là lúc con người bắt đầu tất bật với những lo toan bộn bề cho những ngày cuối năm để có một cái tết yên bình đúng nghĩa.

Lá đã rụng. Đông sẽ xa. Mùa xuân đang ùa về trước ngõ.

Nam Giao

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Chợ” nấm tràm trên đàn Nam Giao

Mùa nấm tràm nở rộ. Các chị, các o, mệ ở TP. Huế ngày nào cũng lượn vài vòng lên khu vực đàn Nam Giao để lựa chọn, mua cho bằng được những rổ nấm tràm căng mọng, óng mượt.

“Chợ” nấm tràm trên đàn Nam Giao
Mưa ký ức

Mỗi năm, cứ theo tuần hoàn của đất trời vào mùa mà những cơn mưa cứ như một người bạn quyến luyến mảnh đất này nên cứ tới hẹn là ghé về thăm.

Mưa ký ức
Biển lặng

Không có cảnh chen chúc. Không bán hàng rong chào mời. Không bãi giữ xe. Vắng hẳn tiếng người í ới. Chỉ có những con sóng cứ vỗ đều đặn vào bờ là không hề khác.

Biển lặng
Tháng năm về trên Huế

Tháng năm, Huế bước vào đợt nắng nóng kéo dài. Học sinh, sinh viên quay trở lại trường sau một thời gian dài nghỉ vì ảnh hưởng của dịch COVID - 19. Bên dòng sông Hương, những cây phượng vĩ đã bắt đầu nở những chùm hoa đỏ rực, chói chang như màu nắng tháng năm.

Tháng năm về trên Huế
Return to top