ClockThứ Tư, 26/05/2010 14:33

Cườm đỏ - loài cây bản địa có hạt đẹp, đa năng

TTH - Cườm đỏ còn có tên muồng ràng ràng, trạch quạch; tên tiếng Anh là red bead tree, red sandalwood tree; tên tiếng Pháp là Crête de Paon; tên tiếng Trung là đại hải hồng đậu. Cây có nguồn gốc ở Australia, Indonesia, Malaysia, Papua New Guinea; phân bố rộng rãi hầu khắp các vùng nhiệt đới toàn cầu. Ở châu Á, cây hiện hữu ở Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Indonesia.
Ở Việt Nam cây được ghi nhận có 2 dạng, được phân biệt rõ nhất bằng hình thái hạt. Dạng thứ nhất cho hạt hình trứng rộng hay bầu dục, mọc rải rác trong các khu rừng rậm thường xanh mưa mùa nhiệt đới ẩm thuộc các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc và nhiều tỉnh miến Đông Nam bộ, có tên khoa học là Adenanthera pavonia thuộc họ Trinh nữ - Mimosaceae, bộ đậu - Fabales.
 
Dạng thứ hai cho hạt hình bánh bò (tròn dẹp, phình ở giữa, dây rốn dài) được xác nhận là một thứ trong loài trên, với tên khoa học là Adenanthera pavonina var. microcarpa, phân bố từ Thừa Thiên Huế ra đến tận Cao Bằng, Lạng Sơn (cũng có tác giả cho rằng cả hai đều phân bố từ Quảng Ninh đến Phú Quốc).
 
Cây cườm
 
Cườm đỏ thuộc loại cây gỗ trung bình, cao khoảng trên dưới 15 m; mang lá kép lông chim 2 lần chẵn; hoa nhỏ màu vàng hoặc hơi hường, tập hợp thành hoa tự bông đuôi sóc; quả dạng quả đậu, thon dài, dẹp, lúc chín cuộn thành nhiều vòng; hạt có lớp vỏ cứng bao bọc màu đỏ chói rất bắt mắt.
 
Cây thích đất trung tính đến hơi chua, nhưng có khả năng mọc tốt trên đất ẩm của các vùng khí hậu nhiệt đới mưa mùa ẩm ướt. Nó thường mọc tự nhiên trên các vùng đất thấp nhiệt đới ở độ cao 300-400 m, chịu được lượng mưa 3000-5000 mm/năm.
 
Ngoài tác dụng cho gỗ, cườm đỏ còn có tác dụng tạo bóng và tôn tạo cảnh quan, do có khả năng tỏa bóng lớn, lá nhỏ, xanh sáng, trông đẹp mắt. Ngoài ra, cườm đỏ còn có tác dụng phòng hộ, cải tạo đất và che bóng cho nhiều loài cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cacao, cao su, đinh hương... Do có khả năng tái sinh cành mạnh và nhanh nên có thể vừa trồng phòng hộ vừa để khai thác cành nhánh làm củi, đồng thời thích hợp cho việc tỉa cành phòng chống gió bão hằng năm khi trồng ở vùng đô thị.
 
Lá non có thể được dùng làm thực phẩm, thức ăn gia súc, phân bón và dược liệu. Trong y học cổ truyền, lá được dùng để chữa trị gút, phong thấp, cầm máu nội tạng, chống u bướu. Vỏ được dùng để gội đầu, làm thuốc xổ. Bột gỗ được dùng như một loại bột nhồi chống nhiễm trùng.
 
Hạt ăn được, nhưng phải rang hoặc luộc trước khi ăn. Ở Melanesia và Polynesia người dân dùng hạt làm thực phẩm và gọi cây với cái tên là food tree. Nhiều nơi ở Java, người dân bản xứ rang hạt, bóc vỏ rồi ăn với cơm và cho rằng nó có mùi vị như đậu nành. Nhiều nghiên cứu cho biết, hạt nấu chín giàu chất béo và đạm, dễ tiêu hóa cho cả người và gia súc.
 
Do vỏ hạt bóng láng, màu đỏ chói rực rỡ, hình dạng hạt đẹp, kích cỡ vừa phải, không quá nhỏ, cũng không quá lớn, nên nhiều nơi đã sử dụng làm đồ nữ trang, kết thành vòng hoa quàng cổ hoặc làm chuỗi tràng hạt. Bã hạt có thể được dùng để sản xuất một loại dầu nhờn công nghiệp. Trong y học cổ truyền Ấn Độ, bã hạt được dùng để điều trị bỏng và viêm nhiễm. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý, hạt tươi có độc tính cao, có thể gây ngộ độc, nôn mửa. Tốt nhất, không nên trồng trong khuôn viên các nhà trẻ, trường mẫu giáo và tiểu học, vì các cháu nhỏ rất thích hạt, có thể vô tình cho vào đường tiêu hóa khá nguy hiểm.
 
Nhân giống bằng hạt, nhưng phải xử lý bằng nước nóng hoặc acid sulphuric. Ngoài tự nhiên, những hạt đã qua hệ tiêu hóa động vật, khi được thải ra ngoài thì mới nảy mầm được.
 
Ở Huế, cườm đỏ chưa được trồng nhiều, chỉ mới xuất hiện một ít cá thể ở vài công viên (công viên Phú Xuân), trường học (Đại học Nông Lâm), chưa thấy được trồng trên vỉa hè đường phố. 

Bài và ảnh: Đỗ Xuân Cẩm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top