ClockThứ Bảy, 25/04/2015 16:30

Cựu thanh niên xung phong làm giàu trên vùng đất khó

TTH.VN - Giữ vững ý chí kiên cường, vượt khó của người thanh niên xung phong (TNXP), hai vợ chồng ông Nguyễn Trọng Thanh, trú tại xã Hương Hòa (Nam Đông) luôn tiên phong trong các hoạt động làm kinh tế, nâng cao cuộc sống gia đình và giúp người dân trong vùng cùng vươn lên.

Còn sức còn lao động

Không khó để tìm những người cựu TNXP ở mảnh đất Nam Đông, nhưng khi hỏi về những cá nhân tiêu biểu làm giàu trên vùng đất khó, mọi lời chỉ dẫn đều hướng về ông Nguyễn Trọng Thanh. Ở tuổi 61, ông Thanh vẫn đủ sức khỏe để lao động suốt ngày, từ việc này sang việc khác. Ông tâm sự, bây giờ lao động là niềm vui và không còn cực nhọc như trước đây nữa. Việc trong nhà luôn chất đống, làm được chừng nào thì cũng kiếm về được chừng ấy tiền, không phải tham lam, nhưng còn sức là còn lao động để phát triển gia đình và làm đẹp cho quê hương.

Giữa trưa nắng, ông Thanh khoác áo dài chạy thẳng ra vườn cao su, tranh thủ trông giữ luôn ao cá gần đó. Vừa làm, ông vừa tâm sự năm 1975, Trung đoàn 217 về Vinh Hiền tuyển những TNXP đủ sức khỏe lên Nam Đông phát hoang, làm kinh tế. Mảnh đất vùng cao hồi đó rậm rạp, khó đi, những TNXP phải vất vả lắm mới biến vùng đất cằn cỗi thành nơi canh tác, trồng trọt.


Thu hoạch mủ cao su những năm đầu không cao, nhưng ông Thanh luôn tự tin vào hiệu quả kinh tế của loại cây này

Sau 4 năm ở cùng quân đội làm kinh tế kiêm luôn nhiệm vụ hậu cần, ông được chuyển qua nông trường trồng dứa, chè, cao su… theo hình thức khoán định mức cho Nhà nước. Cũng tại nông trường đầy duyên nợ, ông bén duyên cùng với một TNXP khác là bà Dương Thị Tâm, y tá kiêm thủ kho của nông trường Nam Đông. Sau hai năm chung sống dưới mái nhà tập thể, họ quyết định lên rừng.

Thời gian ở cùng quân đội và làm việc trong nông trường là quá trình để người cựu TNXP học tập nhiều kinh nghiệm làm kinh tế, tìm hiểu kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Trong suy nghĩ của vợ chồng ông Thanh lúc đó, lao động tay chân quá vất vả, xã hội đi lên, chắc chắn bàn tay con người sẽ được thay thế bằng máy móc.

Sau nhiều năm gầy dựng mảnh vườn, chăn nuôi kiếm được ít vốn, ông Thanh cầm tiền về vùng đồng bằng, tìm hiểu phương pháp làm kinh tế của nông dân nơi đây và những máy móc có thể dùng được để áp dụng vào quá trình sản xuất ở địa phương.

Ông Thanh bảo, phải nghĩ những cái chưa ai làm thì mới hiệu quả. Đúng như lời ông nói, năm 1994, ông mua được máy thổi và máy xay xát gạo, được người dân trong vùng và các địa phương lân cận tới sử dụng dịch vụ của mình. Biết mình đã đi đúng hướng, vợ chồng cựu TNXP làm ăn tích góp, gầy vốn, sắm thêm máy cày và nhiều phương tiện, máy móc khác phục vụ hoạt động sản xuất. Thời gian này, đời sống gia đình bắt đầu ổn định, của ăn của để có dần, vợ chồng ông xây được căn nhà khang trang.

Sỏi đá cũng thành cơm

Cơ ngơi của vợ chồng ông Thanh giờ là 2ha cao su, 1ha keo, 0,5 ha sắn, 5 sào lúa, 5 ao hồ nuôi cá, chiếc máy xay xát gạo và nhiều loại máy móc khác. Mỗi năm gia đình ông thu lãi 100-150 triệu đồng, năm thắng lợi con số có thể lên đến 200 triệu đồng. Ông Thanh kể, lúc trước các gia đình làm lụng vất vả mới đủ ăn thì gia đình ông đã kiếm được thu nhập 1 triệu đồng/ngày.

Thu nhập ổn định, thế nhưng, người cựu TNXP vẫn hăng say lao động từ nghề kéo xe thuê mùa mưa. Con đường vào rừng keo những ngày mưa lầy lội khiến các xe lớn không thể vào được.Tận dụng chiếc xe vận tải và con trâu nuôi trong nhà, ông Thanh đóng ván quanh xe, rồi cứ thế mỗi ngày chở thuê với mức thù lao 700.000 đồng – 1 triệu đồng. Hỏi vì sao công việc nhà quá nhiều nhưng ông vẫn đi kéo xe, ông Thanh tâm sự: “Lao động là vinh quang. Thời gian là do mình sắp xếp. Tranh thủ làm việc này, nhảy sang việc khác. Không bỏ bê bên nào thì thu nhập chỉ có tăng lên chứ không hề giảm bớt”.

Giao cho vợ quản lý máy xay xát, mọi việc khác, ông làm hăng say như cái máy. Công việc nhiều nhưng nụ cười luôn nở trên môi bởi ông suy nghĩ xã hội tiến không ngừng, nên mỗi người phải tự năng nỗ, tích cực vươn lên.

Theo ông Thanh, vốn không nhiều nhưng nếu quyết tâm làm ăn thì phương pháp lấy ngắn nuôi dài, thu hoạch cây này đắp vốn tiếp cho cây kia sẽ thành công. Trong suy nghĩ của người cựu TNXP, may mắn nhờ sự đồng lòng của vợ chồng, cộng thêm ý chí không bao giờ bỏ cuộc khiến ông vượt qua mọi trở ngại.

Ông Trần Anh Quế, Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Nam Đông đánh giá: “Ông Thanh là tấm gương tiêu biểu trong làm ăn kinh tế của huyện, xứng đáng với tinh thần và ý chí của người TNXP năm xưa”.

Chỉ tay vào những cánh rừng phủ xanh bạt ngàn, ông Thanh bảo, đây chính là một phần công sức của những người cựu TNXP năm xưa, và nếu ngày nào còn đủ sức khỏe, vợ chồng ông sẽ cố gắng làm cho “vùng đất sỏi đá trở thành cơm ăn”.

 

Lê Hữu Phúc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội Nông dân (HND) các cấp đã giải ngân, tổ chức nhiều dự án (DA) sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân
Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng phát triển của nền nông nghiệp nói chung và ngành nông nghiệp tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, với chi phí đầu vào đắt đỏ và đầu ra vẫn còn chưa phổ dụng thì cần có chính sách kích cầu cho doanh nghiệp, cá nhân tham gia.

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao

TIN MỚI

Return to top