ClockThứ Tư, 30/03/2016 20:15

Cứu tinh của người bệnh

TTH - Bệnh viện TƯ Huế vừa thực hiện thành công kỹ thuật mới đặt catheter ngoài màng cứng có cấy buồng tiêm dưới da cho bệnh nhân N. T. L, 48 tuổi, quê An Trạch (Thanh Hóa) do bị bệnh ung thư vú di căn đa tạng giai đoạn ba. Kỹ thuật này giúp bệnh nhân cắt được cơn đau sau nhiều lần điều trị và được phẫu thuật nhiều lần ở nhiều bệnh viện khác, đồng thời phải luôn tiêm mooc - phin chống đau đường tĩnh mạch suốt gần một năm.

Xin một đêm ngủ ngon

Khi đến Khoa Gây mê hồi sức B, Bệnh viện Trung ương Huế thăm, tôi tưởng tượng bệnh nhân mệt mỏi, tiều tụy như những bệnh nhân bị ung thư khác vì phải chống chọi với những cơn đau kéo dài. Thế nhưng khi gặp bệnh nhân L., tôi bất ngờ. L. mới mổ dậy 3 ngày mà sức khỏe đã bình phục trở lại. Tươi tắn, nói chuyện với tôi hơn một giờ đồng hồ vẫn không tỏ ra mệt mỏi. Nếu L. không mặc áo quần bệnh nhân, không ai biết rằng chị đang điều trị bệnh nan y.

Các bác sĩ đang đặt catheter ngoài màng cứng có cấy buồng tiêm dưới da cho bệnh nhân N. T. L

“Cứ mỗi lần nằm viện, nguyên tiền giường, mỗi ngày một triệu đồng, điều trị hàng năm trời như vậy. Giờ tính ra bao nhiêu tiền, tôi không nhớ. Chỉ mong được một đêm ngủ ngon giấc” - L. kể về cơn đau nghiệt ngã. Sau lần mổ thứ hai năm 2015, cơn đau càng dữ dội. Mỗi ngày phải tiêm từ 10 - 15 ống mooc - phin vào cơ thể, cũng chỉ giảm được một lúc rồi đau trở lại. Nhiều lần đến thăm, nhìn thấy em quằn quại chống trả cơn đau, anh trai của L. thương em và khóc! L. không ăn và ngủ được. Không chỉ điều trị theo phương pháp tây y, L còn điều trị cả thuốc đông y, thậm chí còn tin theo dị đoan, cúng bái. Hễ nghe bất cứ ở đâu có thuốc đông y chữa bệnh ung thư, dù đắt mấy, chồng chị cũng tìm mua cho vợ bằng được. Điều trị ở nhiều bệnh viện, kể cả tuyến trung ương, bệnh tình không những không thuyên giảm mà cơn đau ngày càng kéo dài. Ngày 20 Tết, chị L. vẫn còn nằm viện. Mọi người trong gia đình chỉ mong chị được sống cho qua những ngày Tết.

Gặp được cứu tinh

Tình cờ đọc báo, người nhà L. biết Bệnh viện Trung ương Huế có nhiều thiết bị hiện đại điều trị bệnh ung thư, chị L. nói với gia đình ý định muốn vào Huế chữa bệnh. Thế nhưng trừ hai vợ chồng L. quyết tâm đi Huế, còn cả gia đình, họ hàng đều khuyên L. không nên vào với lý do: Nhiều bệnh viện với trình độ chuyên môn cao và phương tiện thiết bị hiện đại đã bó tay trước căn bệnh hiểm nghèo của L. , đi vào đó chỉ “tiền mất, tật mang”. Chồng L. kiên quyết “Tốn thì đã tốn rồi. Cứ đi điều trị khỏi ân hận. Biết đâu bệnh tình giảm thì sao”. Rồi hai vợ chồng và người chị họ của L. lên đường. Ngày 1/3/2016, L. nhập viện. May mắn cho bệnh nhân. Trên cơ sở áp dụng phương pháp gây tê ngoài màng cứng để phẫu thuật, nay các bác sĩ Đơn nguyên Chống đau khoa Gây mê hồi sức B đã nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật giảm đau mới cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối kháng trị với cách giảm đau qua đường tĩnh mạch, bằng cách đặt catheter ngoài màng cứng và cấy buồng tiêm dưới da, nhờ vậy các bác sĩ có thể đưa các thuốc giảm đau vào đường ngoài màng cứng. L. là người đầu tiên được áp dụng điều trị bằng kỹ thuật này. Đây là một kỹ thuật còn mới tại Việt Nam, lần đầu được triển khai thành công tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có cơ chế đau phức tạp, bao gồm cả đau do cảm thụ và tổn thương thần kinh kèm loạn cảm đau. Ngày 7/3 bác sĩ tiến hành đặt catheter ngoài màng cứng và dò liều các thuốc giảm đau. Ngày 13/3, các bác sĩ Khoa Gây mê hồi sức B và Khoa Ung bướu đơn vị Điều trị Quốc tế Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện đặt buồng tiêm dưới da để có thể dùng các thuốc giảm đau đưa từ ngoài vào và phương tiện đường dẫn cũng như buồng tiêm có thể lưu trong cơ thể kéo dài suốt đời. Trước đây, mỗi ngày bệnh nhân phải tiêm từ 10 ống-15 ống mooc- phin vào tĩnh mạch, không chỉ không giảm đau mà nguy cơ bệnh nhân có thể bị nghiện . Sau khi thực hiện đặt thành công và tiếp tục sử dụng các thuốc giảm đau đã dò được liều, chỉ tiêm 1 ống mooc-phin bệnh nhân đã hết đau hoàn toàn.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Ngô Dũng, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức B, trong thời gian tới, kỹ thuật này sẽ được thực hiện rộng rãi và thường quy cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối có đau mức độ nặng vì khống chế cơn đau sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống và mang tính nhân văn vô cùng cao cả cho cộng đồng. Các bác sĩ đang nghiên cứu phối hợp thuốc để giảm giá thành thuốc giảm đau cho bệnh nhân. Khi được hỏi về những khó khăn trong quá trình thực hiện kỹ thuật này, các bác sĩ cho biết, kỹ thuật và phương pháp tiến hành thì được rồi, chỉ lo dụng cụ để đặt buồng tiêm. Hơn nữa, mỗi bệnh nhân có một cơ chế, công thức sử dụng thuốc khác nhau nên khi thực hiện, phải nghiên cứu kỹ để dùng thuốc đạt hiệu quả. Tuy nhiên, cả hai vấn đề này sẽ khắc phục được, vì khoa luôn có sự hỗ trợ, ủng hộ của ban giám đốc bệnh viện.

“Nhờ các bác sĩ điều trị tôi đã cắt được cơn đau. Từ chỗ ăn không được, bây giờ tôi đã có điều kiện thưởng thức món bánh bột lọc Huế. Đây là món ăn ngon nhất trong cuộc đời tôi. Không những thế, điều ước ao lớn nhất trong những ngày chống chọi, vật lộn với từng cơn đau khủng khiếp là xin được một giấc ngủ ngon, thì sau khi điều trị ở đây, mỗi đêm tôi đã ngủ được 8 tiếng. Tôi không biết nói sao để cám ơn các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế. Những người vừa giỏi chuyên môn, vừa giàu y đức. Tôi rất muốn tặng món quà cho các ê kíp bác sĩ đã tận tụy điều trị đem lại hạnh phúc cho mình, nhưng tất cả đều từ chối và nói rằng: Bệnh nhân khỏe mạnh và hết đau là món quà lớn nhất đối với họ”. Bệnh nhân N. T. L xúc động nói.

Đinh Hoàng Xuân Hồng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia

Ngày 17/4, Trung tâm Huyết học Truyền máu – Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt Đại học Huế, Ngân hàng Máu sống Cố đô và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho các bệnh nhân Hemophilia.

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia
Tôn vinh người hiến nhóm máu hiếm Rh âm

​Chiều tối 4/4, Trung tâm Huyết học Truyền máu, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với Ban chỉ đạo Hiến máu tình nguyện (HMTN) tỉnh tổ chức chương trình gặp mặt, tôn vinh và củng cố câu lạc bộ Nhóm máu hiếm - Rh âm Huế.

Tôn vinh người hiến nhóm máu hiếm Rh âm
Bệnh nhân tim mạch tăng, nhiều ca nặng do nhập viện muộn

Từ thời điểm ra tết, tình trạng bệnh nhân bị tim mạch tăng đột biến 20-30% so với thường lệ khiến các y bác sĩ khá vất vả trong điều trị. Trung tâm tim mạch Bệnh viện Trung ương (TTTM BVTW) Huế tăng thêm giờ làm, bố trí phẫu thuật cả ngày nghỉ xử lý ca bệnh.

Bệnh nhân tim mạch tăng, nhiều ca nặng do nhập viện muộn

TIN MỚI

Return to top