ClockThứ Sáu, 25/03/2016 05:55
KHOÁN CHI TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CÔNG NGHỆ:

Đã được “tháo khoán”

TTH - Với quy định khoán chi cho hoạt động nghiên cứu khoa học, người dân có quyền hy vọng tiền thuế của mình sẽ được đầu tư đúng nơi đúng chỗ, thực sự là sự “tiếp sức” có ý nghĩa cho các nhà khoa học thực tài, thực tâm...

Nghiên cứu khoa học tạo động lực thúc đẩy xã hội phát triển (Trong ảnh: Mô hình nghiên cứu, sáng tạo của học sinh được chọn triển lãm năm 2015)

Làm việc với cơ sở, cánh báo chí hẳn không ít lần nghe than vãn về những khó khăn, nhiêu khê của công tác nghiên cứu khoa học (NCKH). Mà một trong những cái khó cố hữu là kinh phí. Kinh phí đôi lúc không phải do ...thiếu kinh phí, mà do cái thủ tục để được giải ngân, được nhận, được thanh lý quyết toán nó lằng nhà lằng nhằng như ma trận. Dân nghiên cứu lại là dân chữ nghĩa, lắm tự ái, nên đôi lúc thả trôi. Người quyết đeo thì sau khi xong đề tài lại tiếng bấc tiếng chì về cái khoản phần trăm “có đi có lại”. Có không chưa biết, nhưng nghe rất nản.

Năm nay thì câu chuyện đã được “tháo khoán”. Ngay từ đầu năm, giới làm khoa học đón nhận thông tin đầy phấn khích, đó là việc Bộ Khoa học công nghệ (KHCN) và Bộ Tài chính đã thống nhất ký, ban hành tại Thông tư liên tịch số 27 quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước. Quy định có hiệu lực thi hành kể từ 15/2/2016.

Theo Thông tư 27, sẽ có hai phương thức khoán chi để các nhà khoa học lựa chọn là khoán chi đến sản phẩm cuối cùng hoặc khoán từng phần. Với các khoản kinh phí đã được khoán, người thực hiện đề tài có quyền chi theo thực tế mà không phụ thuộc vào định mức và dự toán. Việc thanh toán tạm ứng được căn cứ vào khối lượng công việc đã thực hiện chứ không kiểm soát chứng từ chi tiết như trước. Việc quyết toán cũng chỉ cần thực hiện một lần sau khi đề tài hoàn thành và các bên đã tiến hành thanh lý hợp đồng... Như vậy là thông thoáng và hết sức thuận lợi cho người thực hiện đề tài. Vậy nên, Bộ trưởng Bộ KHCN mới đánh giá rằng, đây là món quà ý nghĩa đầu năm đối với các nhà khoa học.

Tuy nhiên, cũng trong Thông tư 27, có quy định ràng buộc rất đáng được lưu ý, đó là, với phương thức khoán chi, các đơn vị quản lý khi giao đề tài chỉ quan tâm tới sản phẩm cuối cùng. Nếu không có sản phẩm cuối cùng đúng với hợp đồng đã ký kết thì đề tài, dự án sẽ không được nghiệm thu. Và nhà khoa học nhận đề tài sẽ phải hoàn trả tối thiểu là 40% kinh phí, thậm chí trường hợp do lỗi chủ quan mà không có sản phẩm thì phải bồi hoàn mức tối đa 100%. Do vậy, nó gắn chặt và đòi hỏi rất cao trách nhiệm của nhà khoa học .

Có thể nói, với Thông tư 27, câu chuyện về nguồn kinh phí NCKH đã được khai thông. Vấn đề còn lại là thông tư có đi vào cuộc sống không, hay là trên mặt giấy tờ thì giản lược tối đa, còn đi vào thực hiện thì chưa hẳn. Dạng như chủ trương đơn giản thủ tục hành chính, quy định “một cửa”, song lại... “nhiều khóa” như không ít người phàn nàn. Các Bộ, ngành chức năng rất cần tăng cường để mắt kiểm tra, rà soát để Thông tư 27 được thực hiện suôn sẻ, nghiêm túc.

Cũng với Thông tư 27, người dân có quyền hy vọng tiền thuế của mình sẽ được đầu tư đúng nơi đúng chỗ, thực sự là sự “tiếp sức” có ý nghĩa cho các nhà khoa học thực tài, thực tâm để họ đào sâu nghiên cứu những đề tài có giá trị. Đề tài ấy phải thực sự tạo ra những nguồn lực vật chất, tinh thần hữu ích, có tác động thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Chấm dứt tình trạng nhiều đề tài được nghiệm thu, tiền bạc tiêu tốn nhiều, nhưng lại mãi im nằm trong ngăn kéo lưu trữ như một dạng chứng từ...

Bài, ảnh: Huy Khánh

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhà khoa học Huế đam mê nghiên cứu dược chất thiên nhiên

Tại Lễ trao Giải thưởng “L’ORÉAL - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học” năm 2023, PGS.TS. Nguyễn Thị Ái Nhung gây ấn tượng với hình ảnh “rất Huế” khi thuyết trình với quan khách về đề tài nghiên cứu liên quan đến tiềm năng và ứng dụng những cây dược liệu đặc hữu ở tỉnh Thừa Thiên Huế trong hỗ trợ điều trị bệnh phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Chị là một trong 3 nhà khoa học nữ được L’ORÉAL - UNESCO vinh danh năm 2023.

Nhà khoa học Huế đam mê nghiên cứu dược chất thiên nhiên
Một nhà khoa học Trường đại học Nông Lâm được nhận giải thưởng L’Oréal - UNESCO

Theo thông tin từ Trường đại học (ĐH) Nông Lâm, ĐH Huế, chiều 25/11, Chương trình L’Oréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học tổ chức trao giải thưởng cho ba nhà khoa học nữ tài năng của Việt Nam sau 2 năm bị gián đoạn vì COVID-19, trong đó có PGS.TS Phan Thị Phương Nhi, Phó Trưởng khoa Nông học, phụ trách Khoa học & Hợp tác Quốc tế, Khoa Nông học của nhà trường.

Một nhà khoa học Trường đại học Nông Lâm được nhận giải thưởng L’Oréal - UNESCO
Gần 200 nhà khoa học tham dự diễn đàn về toán học lớn nhất khu vực

Sáng 25/8, Trường đại học (ĐH) Sư phạm, ĐH Huế tổ chức khai mạc hội nghị Toán học Miền Trung và Tây Nguyên lần thứ tư. Hội nghị là diễn đàn lớn nhất của các nhà toán học và giáo dục toán học khu vực Miền Trung và Tây Nguyên, được tổ chức hai năm một lần.

Gần 200 nhà khoa học tham dự diễn đàn về toán học lớn nhất khu vực
Return to top