ClockThứ Bảy, 24/09/2016 07:10

“Đã là Tuồng cung đình thì không thể cải tiến”

TTH - Trong di sản nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế, tuồng mang nhiều giá trị và có bản sắc đặc trưng. Tuy nhiên, khi môi trường diễn xướng nguyên thủy không còn, câu chuyện bảo tồn tuồng cung đình là vấn đề không đơn giản.

GS. Hoàng Chương 

Giáo sư Hoàng Chương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn & phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam – có cái nhìn khá góc cạnh về vấn đề này:

Nói về tuồng cung đình Huế như nói về một cái gì đó cao siêu, đầy tính chuyên nghiệp và chính quy, chính quy hơn cả chính quy. Đây là một loại hình nghệ thuật đặc biệt, mang tính cổ điển và có một khoảng cách khá xa về chất lượng so với tuồng dân gian.

Tuồng cung đình Huế vốn chỉ biểu diễn cho vua, quan xem nên tự thân nó có tính bác học cao. Kỹ thuật biểu diễn cũng vậy, rất chuyên nghiệp và rất nghiêm ngặt. Người nghệ sĩ chỉ cần sơ suất đưa cao chân trong quá trình biểu diễn trước mặt vua là đã bị mất đầu.

Chính những yêu cầu nghiêm ngặt đó nên qua hằng trăm năm tồn tại, nhà Nguyễn đã để lại cho thế hệ sau hàng trăm kịch bản, làn điệu và động tác biểu diễn mẫu mực. May mắn là các nghệ nhân còn lưu giữ được và truyền dạy cho thế hệ kế tiếp.

Những bậc thầy về tuồng cung đình Huế lần lượt ra đi theo quy luật đời người, vậy…

Tôi hiểu ý chị. Phục hồi tuồng cung đình Huế là một việc vô cùng gian nan, phức tạp và không thể làm ẩu được. Tuồng cung đình Huế không thể được phục hồi với một số ít nhà nghiên cứu cùng vài ba nghệ nhân.

Nhân đây, tôi lại muốn nói đến một việc không vui là chính người giữ từ đường tổ tuồng (Thanh Bình từ đường) mà không biết tên vị tổ tuồng là ai và cũng không biết hai bộ tuồng “Vạn bửu trình tường” và “Quần trân hiến thụy” dài hàng trăm hồi do vua Tự Đức chỉ đạo sáng tác, hiện đang ở đâu. Điều này cho thấy việc sưu tầm, nghiên cứu của chúng ta chưa thật kỹ, chưa sâu và chúng ta còn thiếu chuyên gia tuồng thực sự.

Thừa Thiên Huế đang có Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, trong đó có bộ phận tuồng. Trong các dịp tham gia giảng bài ở đây, tôi đã từng nói với các diễn viên rằng: Ít nhất, học tuồng là phải chuyên về tuồng, không phải vừa học tuồng, diễn tuồng vừa hát ca Huế. Ca Huế và tuồng hoàn toàn khác nhau. Ca Huế rất trữ tình và uyển chuyển, hát từ cổ họng trở ra, trong khi hát tuồng là dùng hết hơi ruột, hơi gan để diễn tả. Nếu vừa hát tuồng vừa hát dân ca thì chúng sẽ bị “lai” nhau. Làn điệu không còn hoàn chỉnh thì chắc chắn hơi tuồng không còn tính nghiêm ngặt và tính đặc thù như vốn có.

Ưu điểm của đoàn tuồng Huế hiện nay là phục dựng được một số vở tuồng truyền thống, như “Tam nữ đồ vương”, “Sơn hậu”, hoặc tuồng hài “Trương Ngáo”, “Nghêu, Sò, Ốc, Hến”; đồng thời, dàn dựng một số vở đề tài lịch sử, tuồng lịch sử gần với truyền thống, nên không làm mất đi những giá trị nghệ thuật truyền thống. Vì vậy, chỉ có diễn vở truyền thống và lịch sử thì tuồng Huế mới phát huy được một phần vốn nghề trong ca hát, trong sử dụng trình thức, vũ đạo, động tác cũng như phục trang, hóa trang và đạo cụ.

Là người nhiều lần trực tiếp giảng bài cho các nghệ sĩ tuồng Huế và làm giám khảo chấm các liên hoan tuồng, ấn tượng của giáo sư đối với đội ngũ nghệ sĩ tuồng Huế hiện nay như thế nào?

Phải nói những người làm tuồng ở Huế rất yêu nghề, cần cù, khiêm tốn và tự tin trong đua tài ở các hội diễn tuồng toàn quốc, tạo được cảm tình trong đông đảo khán giả. Họ có ưu điểm là không dàn dựng đề tài hiện đại và không chạy theo thị hiếu thị trường để biến tuồng thành kịch. Tuy vậy, do tác động bởi cơ chế thị trường nên cuộc sống của người làm nghề tuồng trên đất Huế gặp nhiều khó khăn. Khó khăn đó đã ít nhiều chi phối một phần về lòng đam mê nghề nghiệp của người nghệ sĩ tuồng.

Tạo hình nhân vật trong vở “Nghêu, Sò, Ốc, Hến”. Ảnh: Thu Thủy

Tôi được biết có những diễn viên đêm đêm phải đi ca trên sông Hương kiếm thêm thu nhập. Thậm chí có người còn phi xe máy đi hát chầu ở tận Đà Nẵng, Quảng Nam, mãn cuộc quay về tới nhà cũng là tới giờ “điểm danh” buổi sáng ở đơn vị và lại bắt tay vào công việc luyện tập thường nhật. Như vậy còn sức lực đâu mà múa, mà hát, mà hoàn thiện những vai tuồng khó, những động tác mực thước theo đúng nghĩa là tuồng cung đình mẫu mực.

Trong âm nhạc của tuồng, chúng tôi cũng nhận ra có sự “lạ”. Hiện nay, nhạc ở Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế có cả nhạc tuồng và nhạc dân ca. Như vậy là nhạc cung đình nay đã bị ảnh hưởng về màu sắc, nên có khác nhạc cung đình xưa. Khi diễn tấu nó “lọt vào tai” những chuyên gia, sự lẫn lộn ấy nghe rất rõ và hơi khó chịu.

Vẫn biết trong điều kiện thiếu thốn nhân lực như hiện nay, việc một nghệ sĩ kiêm nhiều vai trò là điều khó tránh khỏi, nhưng điều đó sẽ làm cho các nghệ sĩ tuồng Huế thiếu đi tính chuyên nghiệp trong biểu diễn tuồng cung đình xưa.

Để phù hợp với cuộc sống đương đại, tuồng cung đình Huế cũng cần phải cải tiến. Giáo sư nghĩ thế nào về quan điểm này?

Đó là một quan điểm rất phổ biến hiện nay. Ai cũng nghĩ phải cải tiến, làm mới tuồng thì mới có người xem. Tuồng ngoài xã hội thì được, nhưng đã là tuồng cung đình thì không thể cải tiến, mà phải giữ được tính nghiêm ngặt, tính bác học và tính cổ điển của nó. Nếu cải tiến thì nó sẽ lai căng, kịch hóa và bị biến thành một dạng khác, không còn là tuồng cung đình.

Tuồng của Thanh Hóa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Hà Nội… có thể cải tiến. Nhưng đã là tuồng cung đình Huế thì phải được bảo tồn giống như người Nhật Bản phục hồi và giữ kịch Nô không khác gì so với kịch Nô của 800 trước. Đó là di sản, là viên ngọc quý của mỗi dân tộc.

Vậy theo giáo sư, điều quan trọng với chúng ta hiện nay là gì?

Đó là chúng ta phải thống nhất được quan điểm: Xây dựng, bảo tồn, phục hồi tuồng cung đình thì phải giữ cho được nguyên bản. Đừng lẫn lộn giữa tuồng cung đình Huế với tuồng ở các vùng miền khác. Nếu không nhận thức được điều này mà để buông lỏng, ai muốn làm gì cứ làm thì sẽ có ngày tuồng Huế sẽ không còn là tuồng cung đình nữa.

Huế là Cố đô, là đất văn hiến, người Huế ít chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây và nghệ thuật thương mại, đó là lợi thế để tuồng Huế phục hồi và phát huy. Tôi tin rằng, nếu tuồng Huế nhận được quan tâm nhiều hơn nữa thì tương lai không xa, tuồng cung đình sẽ được phục hồi và Huế trở thành một trong những địa chỉ tuồng mạnh của cả nước.

Xin cảm ơn giáo sư!

Tuồng là nghệ thuật tổng hợp (Theatre total) gồm văn, thơ, ca múa, nhạc, võ thuật, mà người diễn viên một lúc phải thực hiện một cách điêu luyện những yếu tố ấy trong một tổng thể nhân vật mà mình sắm vai.

Người xưa đã đúc kết: Thốn thổ thị triều đình châu quận/ Nhất nhân thân kiêm phụ tử quân thần (Chỉ có một mảnh đất mà khi là triều đình,châu quận/Chỉ có một diễn viên mà khi thì đóng vai cha, vai con, lúc lại đóng cả vua, quan). Thực hiện được điều đó mới là nghệ sĩ tuồng đích thực như các nghệ nhân tuồng cung đình xưa và mới thu hút được khán giả yêu tuồng và hiểu tuồng.

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bánh cuốn tôm chua, mỹ vị cung đình dần rơi vào quên lãng

Huế vốn được coi là kinh đô ẩm thực, là cái nôi sản sinh ra những món ăn đậm chất kỳ công, tinh tế mà hài hòa của ẩm thực cung đình. Cùng với đó là sự đa dạng, thẩm mỹ cũng như cầu kỳ của ẩm thực dân gian. Và bánh cuốn tôm chua chính là sự giao thoa kết hợp hoàn hảo giữa hai nền ẩm thực đó.

Bánh cuốn tôm chua, mỹ vị cung đình dần rơi vào quên lãng
ADB hỗ trợ cải tiến môi trường đô thị ở Luang Prabang, Lào

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa phê duyệt khoản vay ưu đãi 35 triệu USD và tài trợ 10 triệu USD cho dự án đầu tư cải tiến môi trường đô thị để giúp hỗ trợ phát triển đô thị bền vững, kiên cường ở thành phố Luang Prabang, Lào.

ADB hỗ trợ cải tiến môi trường đô thị ở Luang Prabang, Lào
Đua đến Net Zero

Net Zero (gọi trung tính carbon hay giảm phát thải ròng bằng 0) là cụm từ đang được nhắc đến nhiều ở phạm vi toàn cầu. Đạt đến mục tiêu này, các doanh nghiệp (DN) cần phải đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, sử dụng năng lượng sạch…

Đua đến Net Zero
Cải tiến quy trình kỹ thuật, hướng đến sản xuất bền vững

Để tối ưu hóa sản xuất cũng như góp phần bảo vệ môi trường (BVMT), Công ty CP Xi măng Đồng Lâm (Đồng Lâm) đẩy mạnh công tác nghiên cứu đánh giá và hoàn thiện hơn nữa các chương trình, giải pháp cải tiến nhằm đạt được mục tiêu chính trong chiến lược sản xuất xanh, phát triển bền vững.

Cải tiến quy trình kỹ thuật, hướng đến sản xuất bền vững
Return to top