ClockThứ Tư, 01/01/2014 17:19

Đá ong và chè tàu

TTH - Khác với sự im lặng xanh của những hàng rào chè tàu ở làng cổ Phước Tích (Phong Hoà, Phong Điền), làng cổ đường lâm (Sơn Tây, Hà Nội) đón khách bằng một buổi mai xao động nắng. Đứng lẫn vào những du khách vừa đến bằng một chiếc xe 16 chỗ, tôi loáng thoáng nghe hướng dẫn viên giới thiệu về làng và những lộ trình sẽ ghé qua, mắt hướng vào con đường có vẻ như đang làm nắng rối lên bởi màu của đá ong trên các mảng tường. Lúc ấy, Hà Nội vẫn còn thu và không gian lênh loang màu hoàng thổ...

Không dày đặc và uy nghi như những ngôi đình, chùa trên đất Bắc mà tôi từng đến, trong gió rộng, Mông Phụ có sự lặng lẽ hàm chứa, sự trầm tĩnh khẽ khàng của khói hương và cả vẻ thảnh thơi của ngày không quá nhiều lao xao. Những cánh cửa gỗ tuổi tác dưới mái ngói chưa thật sự cũ, vài sự xô lệch bên mé phải khuôn đình, nơi những thanh gỗ như vừa bị bỏ lại để người kịp theo mùa gặt. Cả tiếng bé con nũng nịu đã làm tôi thấy được chạm vào Đường Lâm với những gì thật dịu.

Vào làng Đường Lâm

Những cánh cổng đóng mở không quá đỗi thâm u, tiếng nói hơi cao hơn một vài âm vực của người Sơn Tây và vài cái giếng cổ đã trở thành những “guider” nhiệt tình dẫn chúng tôi vào làng khi chọn lối giữa những ngả đường hình xương cá. Đây cũng là nét quần tụ đặc trưng của làng cổ để giữ “thế trận” cho làng theo cách quy hoạch của người xưa. Dựa vào các bờ tường là những bụi hóp đang dần săn lại. Đang ngày mùa, làng khá vắng, thi thoảng chỉ là tiếng mời thảnh thót của mấy cô gái trong quán nhỏ hay tiếng bà cụ ngồi bên mẹt chè lam, bánh tẻ... ngóng khách.

Trước đình làng Mông Phụ

Được chỉ bảo rằng, chưa phải là đẹp nhất, nhưng quả thật, ngôi nhà cổ mà ông Hùng hiện đang coi ngó và thụ hưởng vẫn có thể đại diện cho một kiến trúc hai gian ba chái kiểu Bắc. Nơi mà ta phải bước rất chậm và khẽ để qua cái bậc cửa cao sau khi vòng qua một khoảng sân khá rộng - ở đó có mấy cây cau trẻ đang nuôi quả và hoa khế cuối mùa hãy còn thả vài chùm tim tím.

Một góc nhà cổ ở Đường Lâm

Chút lay động nơi chiếc màn gió, ánh mắt trong trẻo của cô bé vừa bước vào tuổi 17 và tiếng dao chạm thớt của ngôi nhà ngang phía dưới len vào câu chuyện giữa chủ và khách trong không gian vương chút ẩm ướt. Trông có vẻ cục mịch thế thôi nhưng chủ nhân của ngôi nhà này cũng khá duyên chuyện. Những câu chuyện về nhà, về làng, về những thói quen văn hoá và ẩm thực của khách ta, khách Tây được ông nhắc khá tường tận. Vị chủ nhà này xem chừng tinh tướng khi bảo, phục vụ khách ta vất hơn khách Tây vì mọi người đa phần khá eo sèo trong lựa chọn món ăn, thức uống. Khách Tây thì dễ chịu hơn, món mà họ thích đơn giản là vài thứ đồ nguội, sa-lát và ức gà công nghiệp nấu mềm. Điểm khác biệt nữa là khách đến từ các nước khác thường thích tham gia vào quá trình chế biến sau khi thăm viếng nhà cổ. Không đưa ra một con số cụ thể về số lượng khách đã đến trong một năm, nhưng ông Hùng bảo, tết là ngày gia đình ông bận bịu nhất và thường thì phải kêu thêm 5-7 người anh em họ hàng nữa mới có thể đáp ứng được việc phục vụ. Lại có những ngày kín chỗ và kín giờ đón khách đến nỗi gia đình không thể nhận thêm.

Màu xanh Phước Tích. Ảnh: Thái Lộc

Có lẽ, đó cũng là chia sẻ khá thành thật bởi lẽ, khác với Phước Tích mới bắt đầu “vào tour”, người Đường Lâm làm du lịch đã có thâm niên rồi và cũng khó có thể nhớ là bao nhiêu dấu chân đã để lại. Chỉ có thể đọc được điều ấy qua cách đón khách, gian dành cho khách nghỉ lại ăn trưa và giọng nói điềm tĩnh của ông chủ vừa vào tuổi 50. Ngay cả mấy đứa trẻ con cũng linh động và dạn dĩ với khách lạ ngay từ ngõ. Điều gì nữa ư? Thú thật không phải là đường nét kiến trúc mà lại ở mấy tủ cấp đông đặt ở phía chái phải và mùi bột nếp thơm lên khi cô bé cắt nốt mấy khoảnh chè lam...      

Cách bài trí và chăm sóc bàn thờ tổ tiên chắc chắn là rất khác nhau nhưng dẫu cũng là làng cổ thuần Việt, Đường Lâm và Phước Tích là những vẻ đẹp khác nên mọi so sánh hẳn sẽ là khập khiễng. Nhưng khi đứng chân ở Đường Lâm, nơi có đến trên 950 ngôi nhà truyền thống mang đậm sắc thái của nền văn minh lúa nước ở đồng bằng sông Hồng, tôi đã ước ao một ngày đó, Phước Tích sẽ trở nên sinh động hơn và nếu không thể bằng Đường Lâm, thì ít nhất cũng mất đi sự trầm tĩnh đang có. Không gần chốn đô hội như Đường Lâm để dễ dàng thúc đẩy sự xê dịch của du khách, nhưng nếu có thể nối tuyến và kết tour trong mối quan hệ giữa Tam Giang - Phước Tích - Thanh Tân và một số địa danh lịch sử khác, hẳn Phước Tích sẽ là địa chỉ được nhiều người lựa chọn. Tất nhiên là cũng không thể nào thiếu được các dịch vụ như ở Đường Lâm với sản vật địa phương, thái độ, tinh thần và nhân lực trong việc phục vụ các nhu cầu của khách khi dừng chân thăm thú - điều mà cho đến bây giờ, Phước Tích vẫn đang hướng đến và xây dựng.

Cái khác nhau có thể chạm đến từ giây phút ban đầu là tường rào đá ong và chè tàu ở hai làng di sản không có gì lạ lẫm mà thật gần gũi và dung dị. Như cách mà ta chạm vào làng quê với tất cả những gì trìu mến. Là sự bền bỉ, dung dị, hiền hòa, thuần hậu của đất và người. Chỉ khác là một thô ráp và một bên có phần dịu mềm hơn.

Và tôi lại ao ước, một ngày nào đó, Phước Tích sẽ có hơi thở như tôi đã và đang cảm nhận ở Đường Lâm...

Bài và ảnh: Hạnh Nhi
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đưa di sản Huế ra thế giới

Sự kiện ký kết ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế và Global Book Corporation mới đây đã mở ra một chương mới cho việc quảng bá di sản văn hóa Huế tới bạn bè quốc tế.

Đưa di sản Huế ra thế giới
Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô

Chiều 28/3 tại Trường đại học Nghệ Thuật, Đại học Huế, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Chi hội Mỹ Thuật Việt Nam tại Thừa Thiên Huế, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp Trường Đại học Nghệ thuật tổ chức lễ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật trẻ lần thứ VII - Huế 2024.

Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô
Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
Giải thưởng Cống hiến 2024: Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc

Tối ngày 27/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, sự kiện lễ trao giải "Cống hiến lần thứ 18" đã diễn ra. Sự kiện do báo Thể thao và Văn hóa phối hợp cùng Truyền hình Thông tấn (VNews) và Công ty TNHH Ngọc Việt Corporation tổ chức nhằm tôn vinh những gương mặt xuất sắc nhất trong lĩnh vực thể thao và âm nhạc Việt Nam.

Giải thưởng Cống hiến 2024 Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc
Đưa di sản đến gần hơn với công chúng

Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế thực hiện nhiều chương trình nhằm đưa giá trị của Quần thể di tích Huế đến gần hơn với công chúng bằng các hình thức khác nhau.

Đưa di sản đến gần hơn với công chúng

TIN MỚI

Return to top