ClockThứ Bảy, 26/12/2015 13:50

Đặc sản Huế: Nhiều rào cản cần gỡ

TTH.VN - Huế vốn nổi tiếng với nhiều loại đặc sản được Tổ chức Kỷ lục Châu Á và Việt Nam xác lập như tôm chua, ruốc, bưởi, thanh trà, tré, bún bò, mè xửng… Song, lâu nay các sản phẩm này rất khó để đứng chân vào siêu thị cũng như có mặt tại thị trường các tỉnh.

Trong khi nhiều đặc sản trái cây ở các tỉnh, TP có mặt tại kênh siêu thị thì thanh trà, bưởi, cam, măng cụt Huế vẫn đứng ngoài

Mỏi chân “tìm đường”

Là cơ sở sản xuất thực phẩm uy tín ở Huế lâu nay với gần chục sản phẩm như rượu gạo, mắm tôm, mắm cá rò, ruốc, tỏi đen, mứt gừng, bánh chưng mang thương hiệu Tâm Huế, song phải vất vả lắm cơ sở này mới hoàn tất các thủ tục đăng ký, kiểm nghiệm và công bố chất lượng sản phẩm. Ngoài chuyện thủ tục nhiêu khê, để có trong tay giấy kiểm nghiệm và công bố chất lượng cho sản phẩm được xuất khẩu và đưa ra thị trường, cơ sở phải mất gần 60 triệu đồng. Riêng sản phẩm mứt gừng chỉ phục vụ thị trường trong vòng 2 tháng Tết cổ truyền, song chi phí kiểm nghiệm và công bố chất lượng phải mất 5 triệu đồng. Đây là số tiền không hề nhỏ đối với một cơ sở sản xuất có quy mô vừa!

Để quảng bá tại kênh siêu thị và vươn ra thị trường ngoại tỉnh, sản phẩm trà rau má của HTX Nông nghiệp Quảng Thọ II (Quảng Điền) cũng phải chi 21 triệu đồng để hoàn tất các thủ tục kiểm nghiệm đối với 3 loại sản phẩm là trà túi lọc, trà sao khô và rau má tươi. Trong khi đó, thời hạn kiểm nghiệm phải thực hiện lại sau 6 tháng khiến các DN, cơ sở phải tìm cách “né” hoặc không dám chen chân vào siêu thị. “Với nguồn nguyên liệu trên 40 ha rau má sẵn có tại địa phương cùng với sự hỗ trợ máy móc của các đề án khuyến công và chương trình nông thôn mới, HTX mong muốn sản phẩm trà rau má được quảng bá rộng rãi tại các siêu thị lớn để thu hút khách và vươn xa thị trường các tỉnh. Tuy nhiên, quy trình thủ tục vào siêu thị quá phức tạp, mất thời gian cùng với chi phí kiểm nghiệm quá cao gây khó khăn cho HTX”, Phó Giám đốc HTX, ông Hoàng Minh Tài chia sẻ.

Theo lãnh đạo Sở Công thương, nhằm tạo cơ hội cho các DN, HTX, hộ kinh doanh sản phẩm nông sản, đặc sản Huế kết nối với các nhà phân phối lớn trong cả nước góp phần hình thành chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng, tiêu thụ hàng hóa dịch vụ ổn định và bền vững, Sở sẽ tổ chức hội nghị phát triển thị trường sản phẩm nông sản, đặc sản Huế. Đây sẽ là cơ hội nhằm kết nối các nhà phân phối và cơ sở sản xuất đảm bảo tính cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Mặc dù đi vào sản xuất hơn 10 năm nay, song đến nay Cơ sở mắm Chị Hến ở xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) vẫn chưa công bố chất lượng và kiểm nghiệm sản phẩm. Thế nhưng, với danh tiếng mắm ruốc của vùng đầm phá Tam Giang Cầu Hai, mỗi năm doanh số bán hàng của cơ sở đạt trên 300 triệu đồng, nhờ sự truyền miệng của khách hàng. Khi sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận thuận lợi, cơ sở mới tìm đến các cơ quan chức năng để công bố chất lượng. “Vì muốn sản phẩm được quảng bá rộng rãi ở các siêu thị, trung tâm thương mại nên mình cũng rất cố gắng xin được công bố chất lượng nhưng thời gian cứ kéo dài trong khi đường sá xa xôi nên hiện vẫn chưa hoàn tất các thủ tục”, chủ cơ sở - chị Nguyễn Thị Hến nói.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn ông Lê Văn Bình cho rằng “Một sản phẩm đặc sản nhưng có tới 3 cơ quan quản lý và công bố chất lượng là Sở Công thương, Y tế và Nông nghiệp nên các cơ sở phải trải qua nhiều thủ tục, mất khá nhiều thời gian và tốn kém, trong khi các chi phí như công bố chất lượng, kiểm nghiệm đều tuân thủ theo quy định của Bộ Tài chính nên không miễn giảm. Mặt khác, đa số các cơ sở sản xuất trên địa bàn đều có quy mô vừa và nhỏ nên rất ngại tham gia dẫn đến nhiều loại đặc sản Huế bán ra thị trường nhưng vẫn chưa công bố chất lượng và kiểm nghiệm.” Cũng theo ông Bình, hiện lệ phí kiểm nghiệm cho sản phẩm bia Huế, một thương hiệu lớn của tập đoàn nước ngoài có doanh thu hàng trăm tỷ đồng/năm với mức 3,5 triệu đồng/mẫu, trong khi đó sản phẩm tôm chua, mắm cá rò, ruốc, mứt gừng sản xuất quy mô hộ gia đình, doanh số bán hàng chỉ đạt vài chục triệu/cơ sở/năm lại có mức phí từ 3- 4 triệu đồng và chỉ có thời hạn 6 tháng, đây chính là bất cập trong quản lý mức thu phí lâu nay của cơ quan có thẩm quyền.

Cần sự hỗ trợ

Trong số 32 sản phẩm vừa được Hội đồng bình chọn cấp tỉnh bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (SPCNNTTB) năm 2015 có đến 15 sản phẩm thuộc nhóm nông- đặc sản. Tuy nhiên, điều mà các cơ sở mong mỏi đó là sự hỗ trợ của tỉnh đối với các sản phẩm được bình chọn nhằm tạo cơ hội để tiếp tục đầu tư và phát triển thị trường. “Được lọt vào Top 32 SPCNNTTB của tỉnh, song chúng tôi vẫn phải đóng các khoản phí kiểm nghiệm định kỳ 6 tháng/lần với kinh phí rất lớn. Đây thực sự là rào cản làm các cơ sở quy mô nhỏ khó có cơ hội phát triển và đưa sản phẩm vươn xa. Chúng tôi mong muốn các ban ngành cần có chính sách hỗ trợ để đặc sản Huế ngày càng nâng cao chất lượng, mẫu mã và có chỗ đứng trên thị trường”, chủ cơ sở sản xuất thực phẩm Tâm Huế ở phường Thủy Dương (thị xã Hương Thủy), bà Phạm Thị Khánh Tâm chia sẻ.

Giảng viên Trường đại học Nghệ thuật Huế, bà Nguyễn Thị Thanh Trà giải thích: “Do kỹ năng và nhận thức về giá trị thương hiệu của các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh còn hạn chế nên lâu nay, nhiều đặc sản Huế vẫn chưa phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, các cơ sở chưa chú trọng đến việc cải tiến mẫu mã bằng cách nhận diện bao bì sản phẩm, chưa đổi mới trong khâu thiết kế dẫn đến sự nhàm chán, chưa thu hút khách. Để tạo chỗ đứng trên thị trường, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước về việc đơn giản hóa các loại giấy tờ, thủ tục hay tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo nghề và trang bị máy móc hiện đại, cái cần nhất để đặc sản Huế vươn xa là các cơ sở sản xuất phải xây dựng thương hiệu thông qua việc cải tiến mẫu mã, bao bì đóng gói và nâng cao chất lượng sản phẩm”.

Một thực tế lâu nay, trong khi nhiều loại đặc sản đặc trưng của các vùng miền trong cả nước lại có mặt tại hệ thống siêu thị Huế như bưởi năm roi, bánh tráng Bình Định, nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre, kẹo gương Quảng Ngãi…, nhiều đặc sản Huế như thanh trà, bưởi, nước mắm, tôm chua, kẹo mè đen, chả, tré vẫn “đứng ngoài” do thiếu các thủ tục kiểm định. Năm 2016, UBND tỉnh sẽ triển khai chương trình phát triển thị trường đặc sản Huế nhằm xây dựng các thương hiệu đặc sản Huế, với sự phối hợp của 3 đơn vị là Sở Công thương, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Khoa học & công nghệ. Các sản phẩm nằm trong chương trình gồm đặc sản, quà tặng lưu niệm và sẽ được hỗ trợ về xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã, bao bì đóng gói, xây dựng nguồn nhân lực và đào tạo nghề.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế

Nhà máy xử lý nước thải tại TP. Huế được ví như là “lá phổi xanh” giữa lòng Cố đô, bởi không chỉ đang giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt của người dân mà còn là “điểm xanh”, bởi phủ đầy cây xanh, không khí trong lành.

“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top