ClockThứ Tư, 05/09/2018 13:00

“Đại gia” & tham nhũng

TTH - Gần đây, khi thanh tra hoặc khởi tố xét xử các vụ án kinh tế lớn, người ta thấy rõ hơn “bóng dáng” các quan chức có quyền đứng sau các đại gia.

Tham nhũng - Những “con sâu” gặm nhấmTập trung thanh tra các lĩnh vực có nhiều dư luận về tham nhũng

Chúng ta thường đề cập đến những người có tiềm năng kinh tế, giàu có và thế lực. Những người mà trên sàn chứng khoán, vốn kinh doanh có hàng chục ngàn tỉ, hàng triệu đô la. Họ sở hữu tài sản kếch xù với những tập đoàn, tổng công ty có số vốn cực lớn có thể sánh với các tập đoàn của Nhà nước. Dân gian hay quen gọi đó là đại gia, hay nói nôm na là những người giàu có về tiền bạc, mạnh về thế lực. Trong số đó, nhiều người kinh doanh hợp pháp từ tài năng, trí tuệ, đóng góp cho xã hội và hảo tâm trong từ thiện. Nhưng bên cạnh đó cũng có không ít những đại gia không phải làm giàu từ thực lực mà ở những mánh khóe, thủ đoạn bất hợp pháp. Nói đúng hơn họ lợi dụng cơ chế, quan hệ với quan chức làm “lá chắn”, ô dù để làm ăn bất chính, chụp giật, luồn lách cơ chế, pháp luật. Trên thực tế xuất hiện và tồn tại mối quan hệ “có đi có lại” giữa đại gia bất chính với những quan chức biến chất. Dù không phải là phổ biến, chỉ là số ít nhưng cũng cần cảnh tỉnh để sớm loại bỏ quan hệ tiêu cực này.

Ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) tại phiên tòa ngày 30/7/2018. Ảnh: Internet

Không phải ngẫu nhiên mà 2 quan chức đứng đầu chính quyền TP. Đà Nẵng bị vướng vào vòng lao lý, Bí thư Thành ủy bị cách chức. Rồi thượng tướng, trung tướng, cùng hàng loạt cán bộ cao cấp bị khởi tố, bị kỷ luật. Chỉ mới một đại gia Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) đã khuynh đảo nhiều cán bộ có chức quyền ở Đà Nẵng, tướng lĩnh trong lực lượng công an.

Đại gia cần cái “dù” đủ rộng để che cho những hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, đó là quy luật trong làm ăn. Họ cần có những người đứng đằng sau “che” cho những phi vụ mờ ám, theo dân gian gọi là “bảo kê”. “Dù che” ở đây chính là những kẻ có chức quyền trong bộ máy nhà nước, những người có quyền thực thi pháp luật nhưng biến chất, tha hóa, bị chi phối bởi đồng tiền. Luật bất thành văn về tỉ lệ phần trăm chia chác các thương vụ đã trở thành mặc định khi chỉ có các đối tác trong cuộc biết ngầm với nhau. Các đại gia cũng chấp nhận hưởng lợi nhuận ít hơn nếu muốn làm ăn lâu dài, không bị bên ngoài (kể cả cơ quan pháp luật) dòm ngó. Không ngạc nhiên khi Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương trong vụ game đánh bạc chấp nhận chi hàng chục tỉ đồng cho Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa để làm “lá chắn” thu lợi bất chính hàng chục ngàn tỉ đồng. Cao cơ hơn, chúng còn “thuê” luôn trụ sở của cơ quan pháp luật làm nơi hoạt động bất hợp pháp. Cái giá của làm ăn theo kiểu đó không khi nào bị lỗ, nếu có xui xẻo lần này thì để “các anh” tìm cách bù bằng phi vụ khác. Cái “tài” của đại gia là chỗ đó và cái “tai” của quan chức tham nhũng cũng từ cách làm ăn kiểu đó mà ra. Những vụ đại án vừa qua, các quan chức dính vào vòng lao lý phần lớn là như vậy, không phải chỉ đơn thuần với tội “thiếu trách nhiệm…”.

Theo đánh giá của một số nhà tài chính kinh doanh, những người giàu Việt Nam không phải tất cả làm giàu từ giỏi kinh doanh mà lợi dụng cơ chế quản lý kinh tế thiếu chặt chẽ, cơ chế xin cho trong kinh doanh. Từ cơ chế này đã biến một số thủ tục hành chính có lợi cho các nhóm có quyền lợi khác nhau. Đây cũng là lý do mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo quyết liệt cắt giảm các thủ tục hành chính, trong đó có những thủ tục có lợi cho các nhóm lợi ích.

Bên cạnh đó là các loại dự án, từ hạ tầng đến xây dựng, chỉnh trang đô thị, dự án BOT… đã được bí mật thông tin đến những đại gia trong hoạt động kinh doanh. Thế nên mới hình thành đường dây vô hình các dự án lớn từ ngân sách được “chảy” đến những đại gia có máu mặt, có quan hệ. Lợi thế của họ là nắm được đường đi nước bước, biết rõ cái gì có lợi nhuận cao, “khấu hao” được nhiều nhất. Nhưng quan trọng là họ đã hình thành mối quan hệ với những người có quyền, nắm tiền để quan hệ làm ăn lâu dài, thâu tóm được nhiều dự án, kế hoạch đầu tư. “Chạy” được đề cập nhiều nhất trong làm ăn dạng này là con đường ngắn nhất từ đại gia đến quan chức biến chất. Bởi vậy mới có những cuộc “giao lưu” ở các nhà hàng sang trọng với những chai rượu ngoại đắt tiền. Đó cũng chỉ là xúc tác ban đầu, quan trọng hơn là những chiếc phong bì đủ nặng được mặc định theo tỉ lệ phần trăm được chia chác của cả hai phía.

Đại gia tác động quan chức bằng tiền, ngược lại quan chức nương tay, lách luật, lách cơ chế theo hướng có lợi cho các đại gia. Từ những quan hệ ban đầu đến những thỏa thuận ngầm đã làm cho mối quan hệ gắn chặt trong làm ăn bất chính. Từ lách luật, lách cơ chế, đến “cố ý làm trái…” là một khoảng cách rất ngắn cho những mối quan hệ kiểu này.

Để hạn chế tiêu cực trong quan hệ giữa các đại gia với các quan chức cần phải minh bạch, công khai trong mọi giao dịch kinh tế, khắc phục sơ hở cơ chế xin-cho. Mặt khác, phải đẩy mạnh kiểm soát và giám sát quyền lực trong chi tiêu, phân bổ, cấp phát tài chính công.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top